Nguyễn Huy Thiệp đã về với đồng quê thương nhớ
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đã qua đời ngày 20/3 tại nhà riêng, thọ 71 tuổi. Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn như: Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. |
Năm 2020 ở tuổi 70, Nguyễn Huy Thiệp cùng với Công ty sách Đông A đã xuất bản tuyển tập truyện ngắn chọn lọc với tranh minh họa của những họa sĩ xuất sắc, cũng là bạn bè của ông ở Hà Nội. Ông tâm sự: “Khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức, mà khó nhất lại là đạo đức; nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho chúng dân”.
TƯ TƯỞNG VÀ BÚT PHÁP ĐỘC ĐÁO
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950, tại Thái Nguyên. Suốt tuổi thơ, ông cùng gia đình lưu lạc nhiều tỉnh thành tại đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên, sang Phú Thọ, Vĩnh Phúc trước khi chuyển về Hà Nội sinh sống vào năm 1960.
Năm 1970, sau khi tốt nghiệp khoa Sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông về Tây Bắc dạy học. Đến năm 1980, ông về làm việc tại Bộ GD-ĐT. Sau đó, ông chuyển công tác đến Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ cho đến khi về hưu.
Ông được gọi là “hiện tượng” bởi lối viết mới lạ, gây ấn tượng mạnh ngay khi xuất hiện trên văn đàn năm 1987 với các tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát, Tướng về hưu, Con gái thủy thần, Muối của rừng... Nguyễn Huy Thiệp chọn lối viết tả thực, lạnh lùng, trực diện nhưng ở đó chứa đựng trăn trở với đạo làm người. Câu từ trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp ngắn gọn, sắc sảo, thậm chí gay gắt, trần tục để biểu đạt hiện thực đời sống mà ông quan sát và muốn truyền tải đến bạn đọc.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều kể: “Trong đời thường, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để khỏi ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông phóng chiếu một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó, phán xử nó để cuối cùng được yêu thương nó”.
Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện từ năm 1986-1996 và đã tạo dấu ấn đậm nét. Ông tạo ra một cảm quan, cái nhìn mới về đời sống, dẫn đến một hướng viết mới, một ngôn ngữ mới, một cách biểu đạt mới trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Muốn đổi mới văn học, phải đổi mới nhận thức, phải dấn thân. Nguyễn Huy Thiệp là một người dấn thân trong bút pháp và cả trong tư tưởng.
Ngày 17/3/2021, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong 50 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật với 2 truyện ngắn Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát.
GIẢI THƯỞNG LỚN NHẤT CHÍNH LÀ BẠN ĐỌC
Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn vào cuối thời bao cấp, ngay những năm trước đổi mới. Nguyễn Huy Thiệp từng ra mắt tuyển tập Giăng lưới bắt chim, gồm 40 bài phê bình văn học. Ông viết phê bình cũng thẳng thừng, không kiêng dè như viết văn, khiến nhà phê bình Chu Văn Sơn từng nhận xét: “Phũ là phong cách phê bình của Nguyễn Huy Thiệp”. Ở phê bình, ông cũng phản ánh sự vô đạo của người viết. Đó là việc người viết lao vào danh lợi, đánh mất đi lẽ sống lớn của văn chương.
Nguyễn Huy Thiệp quyết định dừng hẳn nghiệp sáng tác ở tuổi 65. Trong một cuộc trao đổi, ông giãi bày: “Tôi xong rồi. Tôi tự thấy đủ tri túc”. Khi được hỏi việc dừng lại lúc này có khiến ông cảm thấy tiếc nuối hay không, tác giả của Tướng về hưu khẳng định: “Tôi không có gì ân hận về đời văn của mình. Tôi cũng đi được từ đầu đến cuối trong suốt 25 năm đổi mới, từ tay không tên tuổi gì dần được coi là một trong những nhà văn gọi là có thành tựu trong nước và nước ngoài. Nhờ viết văn mà tôi đi được bao nhiêu nước, được huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008)”.
Trong văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có số lượng tác phẩm được chuyển ngữ vào hàng bậc nhất. Chưa đầy 2 năm sau khi gây xôn xao văn đàn trong nước (tháng 6/1987), truyện ngắn Tướng về hưu đã được dịch ra tiếng Pháp và đăng trên tạp chí Les Temps Moderness (tháng 3/1989). Sau tiếng Pháp, tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Đức, Ý, Thụy Điển, Hà Lan…
Năm 2008, với đánh giá cao của học giả Claudio Magris, Nguyễn Huy Thiệp được trao giải thưởng Nonino Risit d’Âur của Ý. Năm 2019, dịch giả Kim Joo Young cho biết đang hoàn thành bản dịch 15 truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Hàn dưới sự tài trợ của Quỹ văn hóa Dae-san Hàn Quốc.
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu văn học. “Chắc chắn anh Thiệp sẽ ở lại với lịch sử văn học nước nhà. Anh thật sự là một nhà văn lớn”, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định.
VŨ THANH HOA