.

Nguyên Bình-Yêu thơ và trân trọng bạn thơ

Cập nhật: 18:13, 19/03/2021 (GMT+7)

Cầm trên tay tập sách còn thơm mùi giấy mới: “Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim”, tôi thực sự thán phục nhà thơ, nhà phê bình Nguyên Bình hiện đang sống và viết tại TP. Bà Rịa - tác giả của cuốn sách này. Dù đến với văn chương khá muộn nhưng Nguyên Bình đang ở thời điểm viết sung sức nhất. Ông cũng giãi bày ngay ở phần đầu cuốn sách: “Những gì tôi viết thuần túy là cảm thức, ứa tràn từ trái tim, không mang nặng góc độ nhận xét hay phê bình. Tôi cũng không cố tìm những gì chưa hay trong thơ các bạn cũng như cái chưa đẹp của những bông hoa trên cánh đồng xanh ngát hương.” Cũng từ tâm thế ấy, người đọc thoải mái để tác giả dẫn dắt vào khu vườn ngôn ngữ với nhiều cung bậc cảm xúc, đắm đuối với những áng thơ diễm lệ mà cũng không kém phần tinh tế, sắc sảo.

Tác giả Nguyên Bình và Tập sách mới xuất bản “Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim”.
Tác giả Nguyên Bình và Tập sách mới xuất bản “Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim”.

ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG MUỘN

Tưng bừng viết trên mạng xã hội, sau đó liên tiếp trình làng các tác phẩm: thơ, tiểu luận phê bình… trên các trang website văn chương từ trong nước đến hải ngoại và xuất hiện trên một số tạp chí văn nghệ, nhiều người bắt đầu quan tâm đến cái tên Nguyên Bình và khá ngạc nhiên khi biết tuổi đời của tác giả đã trên 60 mùa xuân! Nguyên Bình cũng đã có lần tâm sự về nguyên do ông tham gia văn chương khá muộn: “Mình cũng có mộng văn chương từ thuở còn mài đũng quần trên ghế giảng đường (1971-1976), nhưng rồi mọi chuyện dang dở, âu cũng là nghiệp duyên”. Và có lẽ vì thế nên như để bù lại quãng thời gian tuổi trẻ, Nguyên Bình mê mải lao vào cánh đồng ngôn ngữ bằng tất cả sự say đắm của một người yêu văn chương hết mình, của người đã trải qua nhiều mùa vụ có thể bội thu, có thể thất bát trước cuộc đời khốc liệt nhưng trước vẻ đẹp bất tận của thi ca, ông vẫn giữ được tình yêu ngất ngây của trái tim thơ không tuổi:

Tôi đi thật chậm về xuân

dọc đường thăm vài cơn gió

xem chừng cội mai đầu ngõ

Tết này có muộn đơm hoa?

(Hoa tím - Nguyên Bình)

Xuất thân là một nhà giáo, có lẽ nghề nghiệp cũng ảnh hưởng đến tính cách và phong cách viết của tác giả, tác phẩm Nguyên Bình. Đó là sự nho nhã, ý nhị trong con chữ, cái cách quảng giao, lịch thiệp trong ứng xử với bạn bè văn chương và cả với những người chưa từng quen thân trên mạng xã hội.

Chừ thầy làm thơ

viết những ước mơ giấu trong cổ tích

các em lớn rồi

hãy quên đi những bài học

xửa xưa.

(Chuyện xưa - Nguyên Bình)

Nhà thơ Nguyên Bình quê gốc Huế, điều này càng khiến các tác phẩm của ông có những đặc trưng riêng biệt. Ta bắt gặp trong thơ Nguyên Bình những mộng mị, giao cảm diễm lệ, những buồn đau hạnh phúc đều có bóng dáng của dòng sông Hương nhuần nhị mà lắng đọng. Luôn tiếp cận với lối viết hiện đại, phá cách nhưng đa phần thơ Nguyên Bình được viết bằng thi pháp cổ điển mang bóng dáng kiêu sa, trầm mặc của vùng đất cố đô:

Trầm kha

mấy bận nổi chìm

Yêu tình yêu tội

tôi tìm tôi

xưa.

Đêm nay

một bóng trăng

thừa

Vàng rơi vàng rụng

cho vừa

nhạt phai

(Dại khờ - Nguyên Bình)

Là người làm thơ nên Nguyên Bình rung cảm sâu sắc trước vẻ đẹp ngôn từ trong các thi phẩm và phần nào thấu hiểu những trạng huống thơ của các thi sĩ. Tập sách “Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim” đã phần nào minh chứng được góc quan sát tinh anh, sắc sảo của nhà phê bình và sự chân tình, trọng thị của một người làm thơ đối với các bạn thơ một cách tương đối khách quan, bình đẳng và nhân hậu.

Nhà thơ Nguyên Bình tên thật là Nguyễn Bá Bĩnh, sinh năm 1953, quê quán Thừa Thiên-Huế, hiện tại đang sống và viết ở TP.Bà Rịa. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ và truyện ký, lý luận phê bình. Tác phẩm của Nguyên Bình cũng đã xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí và website.

 

CẢM NHẬN NGÔN NGỮ TỪ TRÁI TIM

Đội ngũ viết phê bình văn học hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng, bởi nhiều áp lực từ những đòi hỏi cao hơn từ phía bạn đọc cũng như sự nhìn nhận của chính những người trong nghề. Với nhiều phong cách sáng tạo, sự đa dạng xuất hiện của các tác giả thơ Việt đương đại, viết phê bình thơ thiếu cẩn trọng, dễ sa vào phiến diện, sáo rỗng và một màu nếu chỉ đọc trên các báo chuyên ngành hoặc chỉ đọc trên các trang mạng xã hội. Cảm nhận về thơ nếu chỉ bằng lí luận học thuật phải chăng là chưa đủ, mà cần cảm nhận bằng tâm hồn và trái tim từ góc độ người đọc, đó cũng là mong muốn của tác giả tập sách: “Tôi yêu thơ và trái tim tôi rung cảm trước vẻ đẹp của những vần thơ mà các bạn dâng tặng cho đời từ trái tim các bạn” (Nguyên Bình - “Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim”, trang 5)

Trình làng một tập sách gồm hơn 30 bài phê bình của 24 tác giả thơ trên mọi miền đất nước đánh dấu một thành quả lao động miệt mài bao gồm cả sự dũng cảm đáng ghi nhận của nhà thơ Nguyên Bình. Chỉ viết về cái hay, cái đẹp từ các thi phẩm của bạn hữu là điểm nhấn của tập phê bình nhưng cũng chính là điểm hạn chế của “Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim”.

Lật từng trang sách, sẽ gặp những tên tuổi khá thân thuộc trên văn đàn Việt và cả những người đang làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội. Tác giả rất cố gắng tìm tòi và phát hiện những điểm mới lạ từ các tác phẩm đã gây được chú ý cũng như các tác phẩm chỉ mới xuất hiện trên các trang cá nhân. Điểm này làm cho “Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim” là một tập hợp văn học khá đa dạng, gây nhiều bất ngờ thú vị. Mong rằng tập sách sẽ được đón nhận và quý mến để tình yêu văn chương luôn lan tỏa và kết nối  trái tim của người viết đến người đọc.

VŨ THANH HOA

 
.
.
.