.

Dưới mái chùa cổ kính

Cập nhật: 18:13, 19/03/2021 (GMT+7)

Con đường có hoa tím nở hai bên lề đối với Lăng đã trở thành quen thuộc. Mỗi ngày thức dậy, khi bình minh còn nhập nhoạng và mặt trời vẫn chưa nhú hết lên thì Lăng đã tức tốc chạy ra khỏi nhà, mặc kệ những ngày gió lạnh, mặc kệ những ngày mưa dầm… Lăng vẫn chạy. Đôi chân nó thoăn thoắt, bao lần vấp đá, trầy trật, rướm máu, vậy mà nó vẫn đứng lên và chạy về phía dòng sông sóng sánh nước.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Dòng sông đó cách nhà Lăng cũng không xa lắm, đi độ hai mươi phút là tới. Nhưng sáng nào Lăng cũng đi, suốt mười năm tròn, quả là phi thường. Trong mắt Lăng, con sông đó đẹp lắm, nhất là vào mùa lục bình xanh um vây kín mặt sông, hoa nở tím ngát, lung linh trong ánh sáng mặt trời rạng đông. Sư thầy nói với Lăng con sông đó thiêng lắm! Thiêng vì hồi sư thầy còn trẻ, sư thầy cũng như Lăng, sáng nào cũng ra ngắm sông, buồn ra ngồi thỏ thẻ với sông, nhìn sóng nước chuyển động nhè nhẹ. Con sông làm tâm hồn sư thầy thư thái. Nước sông hồi ấy mát lắm, vốc lên rửa mặt là sảng khoái tâm hồn, không bẩn như nước sông hồi này. Hơn nữa, sư thầy còn mách cho Lăng một bí mật: “Miễn có lòng với sông thì khi ra sông cầu gì được nấy!”.

Lăng tin vậy. Tin như lúc sư thầy nói với Lăng chuyện nguồn cội của Lăng, rằng một buổi sáng nọ sư thầy nghe tiếng khóc của đứa trẻ con ngoài cổng chùa, sư thầy vội vã bước ra. Trước mắt sư thầy là một đứa trẻ được quấn khăn, mặt vẫn còn hồng hào, nó nằm dưới gốc cây đa cổ thụ. Sư thầy bế đứa nhỏ lên tay, nhìn dáo dác. Xung quanh không một bóng người. Sư thầy nói thầm: “Thôi, con đã có duyên với Đức Phật thì vào chùa mà ở với sư thầy, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Lòng người bôn ba lắm!”. Kể từ đó, đứa nhỏ sống với sư thầy, lớn lên và trở thành chú tiểu Lăng ngoan ngoãn, sớm chiều chăm chỉ quét lá đa rơi trước sân chùa.

Không một sự nghi ngờ về gốc tích của mình. Ở với ai cũng vậy, sư thầy thương Lăng cũng đâu thua gì mẹ ruột của Lăng, hồi nhỏ Lăng ngủ chung với sư thầy, lớn hơn một chút Lăng xin ra ngủ riêng. Đang tuổi ăn tuổi lớn nên Lăng ngủ quẫy đạp tứ tung, sợ ảnh hưởng đến sư thầy, nhất là khi sư thầy thức đêm tụng kinh. Nghĩ vậy, Lăng dọn ra gian buồng kế bên để ngủ, tuy nhỏ nhưng mát.

Người làng Hạ không xem con sông này là sông thiêng như Lăng và sư thầy nghĩ. Họ bảo rằng sông nước vô tri, có cảm xúc gì đâu. Họ thẳng tay quăng rác xuống sông. Họ đối xử với con sông tệ bạc như đối xử với kẻ thù của họ. Sông không có tội! Lăng nghĩ vậy. Lòng sông trong sạch như lòng sư thầy mà Lăng nguyện một đời tôn thờ, kính trọng. Hơn hết, Lăng quý con sông này bởi lẽ trên dòng sông, theo lời sư thầy, là ba của Lăng - người đàn ông làm nghề lái tàu ngày nào cũng xuôi ngược qua đây. Ấy vậy mà suốt mấy năm ròng Lăng vẫn chưa gặp mặt.

- Có thật là ba con lái tàu trên sông không hả sư thầy? Sao con đợi hoài mà ba không ghé lại, hay ba không biết con trai ba đang ở trên bờ đợi ba, hả sư thầy?

Lăng hỏi vậy, trong một buổi tối sương rơi ướt đẫm mái chùa. Thôn xóm lặng thinh. Tiếng đêm trở mình cùng tiếng gió.

Sư thầy nhìn Lăng, đưa tay chạm nhẹ vào bầu má của Lăng. Gương mặt sư thầy lúc nào cũng hiền lành và phúc hậu. Sự thánh thiện đó tự động truyền vào người Lăng như một phép màu. Sư thầy nói:

- Con không tin ta sao? Trên sông là ba con. Chính xác như vậy. Con để ý đi, sáng nào, chiều nào cũng có chiếc tàu chở khách đi ngang qua. Người lái tàu đó không ai khác chính là ba con. Người đàn ông có khuôn mặt hơi rám, mái tóc hơi xoăn tự nhiên, nhìn kĩ thì con chẳng khác gì ba con cả.

Nghe vậy, lòng Lăng càng rộn rã. Nó nghĩ mình chưa gặp ba, nhưng chắc chắn sẽ được gặp ba bởi ba nào có xa xôi. Ba ở ngay trên dòng sông kia, trên chiếc tàu chở khách kia. Ba vẫn thường qua lại ngang chỗ Lăng đứng. Chỉ là vì khoảng cách giữa đôi bờ hơi xa nên Lăng chưa một lần được chạm vào tay ba, bến này cũng vắng khách nên tàu thường không cập bến.

Ngẫm nghĩ một hồi, sư thầy xoa đầu chú tiểu Lăng, bảo đi ngủ, sớm mai còn ra ao sen lấy trà đã ướp, nấu nước pha trà cúng Phật. Lăng nằm vắt tay lên trán, kiểu người lớn. Nó nghĩ về ba, về chiếc tàu chở khách hằng ngày qua lại trên sông. Chắc ba nó cao ráo lắm, thánh thiện lắm! Ba nó không sồ sề như lão đồ tể bên kia làng mà có lần nó đi học ngang qua, thấy lão ta chọc tiết con lợn, máu me lênh láng, nó sợ xanh mặt chạy vắt chân lên cổ về chùa. Ba nó chắc cũng hiền như sư thầy vậy, người đã nuôi nấng nó suốt một quãng đời dài dằng dặc, công lao không sao kể hết được. Lăng nghĩ thêm đôi ba chuyện nữa, cũng toàn là những chuyện linh tinh, rồi nó thiếp mắt đi bỏ lại đêm quê lắng sâu và lá đa khô rơi bộp bộp xuống thềm chùa rêu phủ.

* * *

Đợi ba hoài không được, lòng Lăng nôn nóng. Chỉ còn cách đợi chiếc tàu khách đi ngang, bước xuống tàu mới gặp được ba. Lăng thèm vòng tay của ba lắm rồi. Mẹ thì Lăng chưa nghĩ đến, bởi trong thâm tâm Lăng, mẹ vì một lí do nào đó mà bỏ Lăng ở chùa rồi đi, Lăng không trách, không hận. Sư thầy bảo: “Sống là khoan dung, là yêu thương, sao mà cứ trách cứ hờn, rồi có được gì đâu?”.

Hôm đó, Lăng dậy sớm hơn mọi khi, trời se lạnh, gió bấc đã bắt đầu lùa về làng, xao xác cây đa mái chùa. Lăng đội cái mũ len sư thầy đưa cho, màu hơi xám. Lăng rót nước cúng Phật, quét sân chùa khi sương còn khẽ khàng rơi. Nhìn cây đa trước sân, nơi Lăng từng là một đứa trẻ con nằm cuộn dưới gốc cây xù xì kia. Cây đa trong mắt Lăng không lớn hơn, cũng không nhỏ đi. Nó vẫn vậy, khỏe khoắn, xanh mát. Cây đa mà mỗi độ đi đâu xa với sư thầy Lăng cũng nhớ, chỉ mong được trở về ngồi thủ thỉ trong những buổi chiều có khói đốt cỏ khô bay vào thơm ngát mùi hương.

Quét tước xong xuôi, Lăng mặc thêm cái áo nữa rồi chạy ra bờ sông. Trong túi Lăng không có lấy một đồng, nhưng Lăng đã làm một điều táo bạo mà chưa bao giờ Lăng nghĩ mình sẽ làm. Đón tàu. Gọi tàu. Lăng sẽ đứng trên bến sông này đợi khi con tàu đi ngang qua, Lăng sẽ gọi nó cập bến để Lăng bước xuống, đi đâu cũng được, nhưng Lăng sẽ được nhìn thấy ba, sẽ được gọi ba, sẽ được vùi đầu vào lòng ba để ngửi cái mùi nắng cháy trên mái tóc và da thịt của ba, nghe ba gọi “Con ơi!”, nghe ba nói nhớ Lăng nhiều lắm. Nghĩ vậy, lòng Lăng rộn rã. Bước chân Lăng càng nhanh hơn. Lăng không để ý đến mấy bông hoa tím nở ven đường hôm nay rộ hơn, thơm nức ngát hơn nhiều lần mấy hôm trước.

Mặt trời đã lên cao rồi mà chiếc tàu vẫn chưa đến. Lẽ nào hôm nay tàu không đến? Lăng nghĩ vậy, lòng đâm lo. Nhưng cái tiếng chân vịt xé sóng ràng rạt đã làm lòng Lăng vỡ ra. Nó dáo dác tìm, kia rồi, chiếc tàu đang đến. Lăng phải đứng ở đây để gọi, kẻo người lái tàu không thấy Lăng mà chạy đi mất hút. Một phần vì chỗ bến sông này ít ai đi tàu, có lẽ vì vậy mà Lăng sợ con tàu lơ đi. Cái bàn tay nhỏ của Lăng đưa ra, vẫy vẫy, cùng tiếng gọi nhưng chắc người lái tàu không nghe vì gió đã bạt tiếng Lăng đi mất. Nhưng họ đã nhìn thấy.

- Có đứa nhỏ gọi tàu kìa! - Người đàn ông ngồi trước mũi hô vang để bác lái tàu nghe thấy.

- Chắc nó phá thôi! Nhỏ xíu vậy ai cho đi tàu một mình mà gọi?! - Người khác chêm vào.

Vậy là chiếc tàu đi luôn. Nó đi trong sự ngỡ ngàng của Lăng, một chút tiếc nuối, một chút xót xa. Lòng Lăng nhoi nhói, nước mắt Lăng chảy ròng ròng. Không phải ba đâu! Không phải! Lăng nghĩ dồn dập! Nếu là ba thì ba đã ghé rồi chứ đâu có đi luôn, để mặc Lăng chơi vơi trên bến sông này? Nhưng trong nó vẫn còn chút hy vọng, nó gào lên, cố phát ra âm thanh thật to để người trên tàu nghe thấy:

- Đừng đi! Tàu ơi! Ba ơi!

Mà chiếc tàu vẫn xé sóng băng đi. Khỏi dòng sông thiêng. Qua đôi bờ có hoa nở tim tím. Lăng ngồi phụp xuống đất, bóp dập một bông hoa tím trong tay, mùi hoa ngai ngái, không thơm như hoa của hôm qua hôm kia.

- Đứng dậy đi con! Đừng khóc nữa, chiếc tàu đi mất tiêu rồi, trước mặt con chỉ là dòng sông thiêng mà thôi!

Đó là tiếng của sư thầy, thâm trầm, ấm áp, sâu sắc. Sư thầy đã chứng kiến tất cả. Chính sư thầy cũng rơi nước mắt khi thấy Lăng hụt hẫng kêu gào. Sư thầy ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp:

- Hãy ước đi con, ước rằng con sông này sẽ vỗ về lòng con, rằng con sông sẽ mang ba con trở lại khi đã đủ duyên, khi đúng thời điểm. Trên đời này không có gì theo ý mình cả đâu. Như chiếc tàu kia, chẳng phải con muốn tàu ghé lại đón con mà tàu không ghé còn gì. Thôi đừng buồn, sông này thiêng lắm, cứ ước ao con à! Rồi một ngày tàu sẽ mang ba con quay trở lại.

Tiếng sư thầy lắng xuống. Tiếng sư thầy như âm thanh sóng con sông thiêng vỗ vào lòng Lăng. Trong phút chốc, Lăng thấy mọi thứ tan biến đi, chỉ còn những bông hoa lấp lánh trước mắt Lăng. Và sông vẫn chảy. Lăng nhắm mắt, ước ao. Lăng nghĩ về ba, về sư thầy, về cái hạt mầm hi vọng mà sư thầy đã gieo trong lòng Lăng. Lăng sẽ tắm tưới cho nó để nó lớn lên, nảy nở.

Còn bây giờ, Lăng sẽ theo sư thầy về chùa. Mái chùa bình yên. Mái chùa cổ kính. Tay sư thầy nắm bàn tay nhỏ nhắn của Lăng. Hai con người, một từng trải đời, một còn non nớt; những bước chân gieo trên con đường quen. Con đường mà Lăng thường hay đi. Con đường nở hoa tím rộ. Đâu đó trong thâm tâm của sư thầy là câu chuyện về một làng xa heo hút, ở đó, tháng năm nào đó xa lắc có một người phụ nữ bỏ người đàn ông chất phác chăm làm để chạy theo kẻ sang giàu. Chắc do duyên số, do lòng người chưa đủ nên kẻ sang giàu đó đã bỏ người phụ nữ bơ vơ giữa dòng. Đến chừng sinh con, cũng nghĩ là do duyên chưa đủ, nên người phụ nữ không thể gần con được mà bỏ đứa nhỏ nơi cổng chùa thanh tịnh. Đứa nhỏ ấy bây giờ chưa nếm trải vị đời, chưa hiểu hết đời nhiều bể dâu nhưng cũng đầy tình nghĩa, nhưng chắc rằng nó sẽ hiểu, sẽ lớn lên và trở thành con người có ích cho cuộc đời. Nó sẽ là bông hoa tím nở ra trên con đường có dấu chân người. Nó sẽ xoa dịu lòng người, đưa người ta vào cõi an yên tĩnh lặng…

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

.
.
.