Ký ức miền quê - nhớ thương mùi Tết
Mùa gió bấc đang hay hay và lành lạnh lại về. Ánh nắng ban mai chói lọi, len lỏi và se sẻ dưới làn sương mỏng manh, mát rười rượi bên thềm như tăng thêm sự phấn chấn vào lòng người và chừng như báo hiệu mùa Xuân sắp đến.
Chợt nhớ bao lần giáp Tết và hình như năm nào cũng vậy…vào thời niên thiếu, ai nấy đều mong chờ sự rộn ràng, náo nức vào những ngày này để được cùng với má hay bà ngoại đi chợ sắm sang đồ mới, sau cả năm trời chắt chiu dành dụm.
Xôm tụ nhứt, nhớ quên thôi và thích thú lắm vì đã cùng với lũ bạn dẫn nhau đi chơi. Đứa nào đứa nấy chỉ với cái quần đùi cụt ngẵng. Bên ngoài bận cái áo thun ba lỗ dài thòn lõn trên thân, nghe khoan khoái.
Từng nhóm hăm hở, bằng đôi chân không guốc rủ nhau ra chợ. Với đầu trần trọc, tóc cua (court), ngắn sát rạt coi bộ khỏe khoắn lắm! Vậy mà cứ hăng hái, tung tăng đi tìm lụm, từng vỏ quýt đường, hoặc tào son, đang rơi rớt đâu đó trên dọc đường, dọc phố ngoài ngõ.
Chúng được kết lại thành từng xâu bằng dây kẽm nhỏ nhoi, rồi quấn quanh xề xệ dưới bụng. Đứa nào xỏ xiêng thật nhiều vòng trông càng bảnh; để mong đổi được một vài miếng quế lơn lớn, cứng còng từ trong tiệm tạp hóa, chạp phô gần chợ. Chợt, cất nhanh vào túi quần đằng sau cho gọn ghẽ. Lâu lâu mới lấy ra ngậm vào cảm thấy the the, cay cay; nghe thật ngon miệng…
Có nhóm bạn muốn lăn dưa cứ lãng vãng chung quanh mấy đống dưa hấu đang phủ rơm no tròn. Số dưa này đã được cắt, ngay sau bữa đưa ông Táo về trời. Chúng hối hả được chở đi trên từng đoàn xe bò kéo đi kót két trong đêm cho kịp buổi chợ.
Và dường như, ruộng dưa nào nếu trúng mùa đều mang đậm nước da xanh thẩm, mươn mướt, bóng láng. Mỗi khi búng hay gõ nhè nhẹ vào nghe tiếng bừng bực. Xẻ ra trong ruột chắc nuội và đỏ tươi roi rói do mới hái từ ngoài rẫy đem về.
Từng ngần đống ấy dưa, hẳn nhiên sẽ hấp dẫn mọi người đến chen lấn lựa chọn đông ken, hầu tuyển lấy từng cặp dưa nhứt, ngon ngọt nổi trội, mới sang. Trong chốc lát bãi dưa đã trống trơn và được coi bán chạy chợ hơn hết.
Sự nhộn nhịp, huyên náo càng về khuya lại càng sung mãn bởi không ngớt kẻ bán, người mua qua lại. Và cũng thật ngộ nghĩnh… do mãi mê rong chơi đến khuya lắc khuya lơ, bụng đã đói cồn cào mới tĩnh. Sẵn bánh bèo đang đỗ trên lò hừng hực lửa cạnh chợ, khiến nhiều bạn túm tụm cùng nhau xúm vô mua, dùng nĩa vót băng tre đưa lên miệng rồi ăn lấy ăn để một cách ngon lành…
Mỗi đứa cứ hum húp hết trọi mấy dĩa bánh trắng ngà, nóng hổi, săm sắp nước mắm mẵn mẵn, đầy ắp, thơm lừng bột tôm khô được rắc trên lớp đậu xanh, hành mỡ béo ngầy ngậy quên thôi.
Ấy vậy, dưới sương khuya đang xuống lạnh, ai nấy bèn xoay qua ừng ực thêm một tô trà lá xanh tươi đã nấu chín, cho ấm bụng. Thật còn gì sánh bằng,
quá đã!
Cảnh sắc miệt chợ quê dạo này ngày một thêm náo nhiệt. Khắp nơi, từ đầu trên đến xóm dưới, đâu đâu cũng rộn ràng, tất bật lo Tết. Lúc này, ngoại thường kể cho nghe bao nhiêu chuyện Tết nhứt thuở xưa, vui buồn lẫn lộn, đầy gian khổ và vất vả lắm.
Vào dạo này trở đi, cứ đêm đêm trước khi ngủ, con cháu trong nhà luôn chăm cái bếp than hồng riu riu cho ngoại ngủ ngon giấc. Sáng sáng, bà thường ngồi trông cháu trước hảng ba, bên cạnh chiếc lò rơm đang nồng cháy thật ấm áp. Tuy đượm nét bao dung nhưng không sao che khuất nét hằn sâu thời gian cơ cực, thời ngoại! Đâu đó vẫn ánh lên bao niềm vui sung sướng, tin tưởng hạnh phúc về mai sau, trước sự bông đùa hồn nhiên của đàn cháu chắt đang xúm xít vay quanh bà. Nhớ lại càng thương ngoại tới vô cùng.
Từ Rằm tháng Chạp trở đi, nhà nhà đều lặt, suốt hết lá mai; họa hoằn lắm mới rủ nhau đi chặt mai vườn, mai rừng về thui gốc để chưng ba ngày Tết. Và cứ vậy, năm sau chúng lại đâm tược, ra cành càng nhiều hơn trước. Tất cả đều mong chúng sẽ nở rộ từ sáng mùng một Tết. Được như vậy, mới may mắn sung túc cả năm.
Sau hăm ba, nhà nhà đều đi dảy mồ mả ông bà với nào cuốc xẻng, chổi, vôi… Trong các vật dụng trên, không thể thiếu cái trang cào vì khi làm cỏ xong xuôi cần phải vun đắp đất, cát trắng tinh tươm lên từng phần nấm mộ sao cho càng cao càng trân quý. Bao nhiêu cử chỉ lễ nghĩa và tôn kính ấy thôi, đối với người đã khuất, vẫn mãi thể hiện tính cách đầy nhân ngãi đời đời của con cháu.
Đến chiều ba mươi hoặc hai mươi chín, nếu là năm thiếu, trước sân đều dựng cây nêu; đồng thời ai nấy đều thi nhau lựa mua cho được những bình bông vạn thọ sặc sỡ, sắc thắm đỏ tươi hay màu vàng rực rỡ đem về chưng lên bàn thờ tổ tiên ông bà, theo hướng “Đông bình Tây quả” với tấm lòng thành kính nhứt.
Tiếp đến, trên bàn thờ, vào thời khắc ấy, sắp sẵn mâm cơm để cúng rước ông bà về cùng con cháu đón Tết, mừng Xuân năm mới. Việc cúng vái trên với đầy đủ nhang đèn, hoa quả trông thật trang nghiêm.
Ngoài ấm trà, bánh mứt, bánh tét; nổi bật và rất đặc trưng bởi dĩa mứt gừng đã được xỉa xăm kỹ lưỡng, không để gãy nhánh. Trước đó, mứt được sên bởi nhiều đường cát trắng, sao cho khô ráo phủ đầy phấn bụi và dậy mùi thơm phưng phức mới đạt chuẩn khéo tay.
Thêm vào đó, nhằm khoe khoang với bạn bè ở mức tinh tế, thượng thặng về gia chánh nếu như biết ngào ngạt, từng thau mứt dừa bào mỏng, tới độ trắng phao phao hay khoát lên tấm áo xanh lơ, thơm đậm mùi lá dứa nồng nàn.
Độc đáo nhưng không kém phần tinh tế; bình dị dân dã nếu để thiếu thốn một món ăn truyền thống ngày Tết nữa. Bởi, dù có khó đến đâu, không thể không kho nổi nồi trách thịt heo. Ngầm ngập hột vịt trăng trắng, ươm kho với nước dừa xiêm ngọt ngào khi chấm với dĩa dưa giá, mới đúng điệu nhà quê.
Trước đó, không quên nêm nếm sao cho mùi vị đậm đà, sanh sánh màu cánh dán coi bộ hấp dẫn và tuyệt hảo làm sao. Tục xưa lệ cũ vẫn còn lưu giữ mãi? Vào gian nhà bếp hầu như luôn giữ đỏ lửa trong ba ngay Tết để toàn gia mong cho được ấm êm…
Hết thảy những điều thiêng liêng ấy như thầm cầu mong gia tiên phù hộ cho con cháu luôn mạnh giỏi, làm ăn tấn tới sung túc, nhà nhà đong đầy hạnh phúc, sum vầy và no đủ cả năm. Ngày xưa Tết cổ chỉ có vậy sao!
Bước đầu năm mới, mọi lo toan đều gác lại; ai nấy đều hớn hở, con trẻ cứ xúng xa xúng xính tười cười vui vẻ, chạy nhảy trong bộ áo mới.
Vì, sau cả năm chờ đợi, sáng nay mới được mặc một lần để người lớn dẫn đi chúc Tết: Mùng một thăm nội, mùng hai viếng ngoại, mùng ba Tết thầy. Tục lệ ngày Tết còn được lưu truyền.
Và, khoái chí hơn cả, sau khi được nhận lì xì bèn rủ rê tụi bạn đi ra rạp hát coi chiếu bóng thường trực. Lúc ấy, lời ca tiếng hát nghe không ngớt, đang văng vẳng bên tai như thu hút đông đảo mọi người tới xem. Cảnh chen lấn, xô đẩy có gì đâu mà lạ lẫm. Chỉ thi thoảng, tụi trẻ chen vào “coi cọp’’ mới đáng vui cười thôi. Dẫu sao, đến gần hết phim, nhà hát cũng phải xả giàn, chớ lo gì. Đợi lúc đó, ai nấy còn bên ngoài cùng nhau ùa vào thưởng thức cảnh sắc cuối, thật muộn màng làm sao. Coi bộ, có xem còn hơn chưa coi kịp, thiệt vui hết biết...
Ngoài hiên,
Mai vàng rực nở
Pháo nổ đì đùng
Nêu tre đong đưa
Nhớ thương mùi Tết.
Ngày nay, với bao ký ức tuổi thơ nhỏ nhoi hồi ấy, chắc đã khác xa lắm còn gì! Thời đại số hóa, đâu đâu cũng sính selfie di động, siêu thị khắp nơi nơi. Vấn đề thiết thực là làm sao hướng dẫn được sắp nhỏ biết thưởng thức bao hương vị ngày Tết, một cách tinh tường và hữu ích. Đó chỉ có thể khắc sâu, chọn lọc một cách tinh tế những nét cần thiết cho tuổi thơ, đón Xuân vui Tết, mãi còn đọng lại từ thuở xưa.
HẢI NGUYÊN
Bánh tét bắp là món ăn dân dã của địa phương, nay đã trở thành món ngon trên đường du lịch của du khách khi về địa phương Đất Đỏ. Ảnh: Quang Vinh |