Nhớ vị cà muối ngày hè
“Tháng Chạp là tháng trồng khoai/Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà…”. Từ lâu, những câu ca nói về kinh nghiệm trồng trọt đã lưu truyền trong đời sống người dân quê. Và rồi mùa nào thức nấy như một thói quen. Tháng Tư, đã chớm đầu hè, dễ khiến người ta nhớ đến một món ăn dân dã không thể thiếu trong bữa cơm của người dân quê, ấy là vị cà muối thân thuộc!
Thuở hãy còn lon ton theo mẹ, cứ sau Tết Nguyên đán, tôi lại thấy mẹ làm đất để trồng cà pháo. Mẹ cuốc một khoảng đất vườn, phơi khô, đập tơi rồi lên luống thẳng tắp. Những luống đất nâu như những đường kẻ nổi nằm song song trên mặt vườn trông thật bắt mắt. Thế rồi mẹ khoét từng hố nhỏ trên mặt luống, rải phân chuồng đã mục xuống và trồng vào những cây cà giống mới cao bằng ngón tay trỏ của người lớn. Tôi chưa giúp được gì nhiều, chỉ thích đứng ngó nghiêng xem đôi bàn tay mẹ cứ thoăn thoắt trồng từng cây cà con bé xíu.
Vườn nằm cạnh ao, cứ mỗi sáng mỗi chiều, từng gốc cà lại được mẹ tưới tắm cho những giọt nước ao. Và rồi, như những đứa trẻ được chăm bẵm, nâng niu, luống cà nơi vườn nhà chẳng mấy chốc cành lá đã vươn ra xanh tươi, phủ kín cả mặt luống.
Biết trẻ con trong xóm hay lấy cà để chơi chuyền nên hễ mỗi khi đi làm, mẹ lại căn dặn: “Mấy chị em ở nhà trông vườn cà cho cẩn thận, đừng để ai vào phá phách đấy nhé!”. Rồi một ngày đầu hè, khi những trái cà trong vườn đã đủ lớn, tôi lại hí hửng cầm cái rổ tre theo mẹ ra vườn hái cà. Những trái cà pháo tròn lẵn, to gần bằng ngón chân cái hãy còn cuống và tai bám trên đầu như những con sao biển cứ thế được hái. Nhìn những trái cà mới hái, tôi đã nghĩ ngay đến món cà muối chua mẹ làm.
Cà hái xong, mẹ bắt tay ngay vào việc làm cà muối xổi. Từng quả cà được cắt tai cắt cuống rồi cắt đôi nhưng không tách rời, sau đó ngâm qua nước cho hết nhựa màu đen. Sau khi rửa lại cho sạch, mẹ đem rổ cà đặt nghiêng nơi bờ giếng hong nắng cho ráo nước. Mẹ đổ rổ cà vào cái vại sành, rưới đều nước muối đã pha sẵn cho săm sắp mặt cà rồi lấy cái vĩ tròn đan bằng tre đặt lên mặt vại. Để cà có thể ngấm đều muối, không bị thâm, mẹ còn chận lên trên vĩ tre trong vại cà một hòn đá xanh đã kỳ cọ sạch sẽ cho lút nước. Gần hết vụ thu hoạch cà, mẹ còn làm thêm một vại cà muối trường để nguyên quả, có thể ăn dài dài trong mấy tháng tiếp theo.
Cà muối xổi chưa đầy tuần đã nghe vị lên men chua chua phảng phất. Chỉ cần cảm nhận được vị cà đã lên men là chị em tôi lại giành nhau cái bát lấy cà vào mỗi bữa cơm để lấy ra một bát cà đầy ụ ăn cho đã thích. Những hôm có canh cua nấu mướp non, rau đay, mồng tơi hay tạp tàng ăn với cà muối thì thật không còn gì ngon bằng. Vị cà chua thanh, giòn dai, đậm đà quyện hòa với canh cua ngọt lành, béo ngậy khiến cả nhà cứ thế đưa cơm chẳng biết no. Chỉ thấy khổ cho ai ngồi nơi đầu nồi cứ phải luôn tay bới!
Những ngày ba tháng tám giáp hạt, có được vại cà muối trường ăn lai rai cũng vẫn thấy mình còn hạnh phúc hơn bao người. Có hôm đang trong bữa cơm, tôi ngây thơ hỏi vì sao cà này lại có tên là cà pháo. Nghe vậy, bố vui vẻ cười, bảo: “Vì mỗi lần cắn quả cà ăn, nó lại giòn tan kèm theo tiếng kêu lên như pháo nổ. Không tin, con làm lại thử xem!”. Tôi làm lại thật. Và thế là cả nhà được một trận cười no bụng. Nhớ những khi có được mớ cá đồng kho với nước cà muối trường đậm đà thì càng tuyệt! Cá tép đồng kho nước cà, con nào con nấy cứ khô cứng, vàng cháy cạnh, lại chẳng còn mùi tanh, ăn được cơm phải biết!
Người ta vẫn thường bảo “Một quả cà bằng ba thang thuốc”, ăn cà nhiều hẳn sẽ không tốt. Biết là vậy nhưng dường như món ăn bình dị, đồng quê sẵn có ấy lại khiến ai ăn rồi cũng cảm thấy ngon miệng, chẳng thể nào quên. Mới hôm rồi, ở ngoài quê, mẹ gọi điện vào bảo: “Vườn nhà mình hè này, cà pháo nhiều lắm. Có ăn không, mẹ gửi một ít vào cho mà muối?”. Mới nghe thôi, lòng tôi đã rưng rưng nhớ!
LÊ XUYÊN