Khu vườn của người đàn bà góa
- Cô ơi, cô có thể cho cháu xin một bông hồng được không ạ? Nghe Lân hỏi, người đàn bà vẫn cúi mặt lúi húi làm vườn và không quên hỏi Lân đang đứng phía ngoài:
- Cháu xin bông hồng để làm gì? Câu hỏi của người đàn bà làm Lân bỗng chốc bối rối. Nó định rút lại ý định xin xỏ của mình nhưng suy nghĩ một hồi, giọng nó bỗng lí nhí:
- Cháu… muốn tặng mẹ. Hôm nay… là sinh nhật của mẹ cháu. Mẹ cháu rất thích hoa hồng. Người đàn bà quay mặt lại nhìn Lân bằng cái nhìn im lặng. Gương mặt cô đầy những vết thẹo loang lổ, choán lấy hai má. Lân run run. Nó cúi xuống nhìn đôi bàn tay đang vân vê rối rít của mình với vẻ sợ hãi. Không thấy người đàn bà cười nói gì nữa. Nó nghĩ chắc cô sẽ không đồng ý. Nó luống cuống chào, định quay bước đi thì người đàn bà đặt vào tay nó bông hồng nhung đẹp nhất:
- Đây. Cháu hãy đem về tặng mẹ đi!
- Cháu… cháu cảm ơn cô… Lân nhận lấy bông hoa, khẽ hé môi cười, vòng tay chào người đàn bà rồi lặng lẽ bước về phía con đường toàn cỏ tranh, cỏ xước mọc um tùm. Người đàn bà mải mê đứng nhìn theo bóng dáng của thằng bé nhỏ thó, gầy yếu lại bị khoèo chân. Con cái nhà ai? Sao thằng bé lại biết khu vườn của mình? Cô khẽ lắc đầu, nghĩ bụng.
Minh họa của MINH SƠN |
Người đàn bà nhẹ nhàng dạo quanh khu vườn. Cô nhìn ngắm những bông hoa tự tay mình trồng và chăm sóc với đủ sắc màu, kiểu dáng. Người ta thường bảo, trước cỏ cây hoa lá tươi đẹp, con người không nở nụ cười thì cũng gật đầu vì cảm thấy lòng thanh thản, an yên. Vậy nhưng cô không cười. Khóe mắt cô hình như rơm rớm. Cô khẽ ngồi xuống bên những bông hồng phấn, tay vuốt nhẹ mấy cánh hoa, lòng thổn thức về một điều gì cơ hồ đã hằn sâu trong tâm trí. Nước mắt cô chảy ròng xuống hai gò má đầy những vết thẹo đỏ hỏn.
Lân đi cà nhắc, nhìn cách đi có thể hiểu nó khó nhọc như thế nào. Nó luôn lủi thủi một mình. Chẳng phải vì nó thích. Chỉ tại vì đám bạn chẳng ai muốn chơi với nó. Người gì bị khoèo chân. Lại gầy đét. Mỗi lần nhắc đến tên Lân, đám bạn trong làng cứ phải kèm theo từ “khoèo” mới hả, nào là “Lân khoèo”, “nhóc khoèo” hay “thằng khoèo”. Lân nghe mà tủi thân vô hạn. Bọn nó thường tụ họp nhau dưới gốc cây gạo đầu làng chơi bắn bi, đánh đáo. Lân muốn được nhập hội, khổ nỗi, lần nào xin rát cả họng, bọn nó cũng lắc đầu nói “đủ người rồi” như thể chúng muốn cô lập Lân. Thành ra Lân đơn độc.
Lân toát mồ hôi hột mỗi khi phải cuốc bộ một đoạn dài để đến được nhà của mẹ nó. Nhà của mẹ Lân ở bìa rừng, nơi ít ai qua lại. Lân đặt lên ngôi nhà của mẹ một bông hồng đỏ. Thằng bé ngồi bệt bên cạnh, đôi mắt trong sáng vui tươi. Nó khoe:
- Mẹ ơi, tuần trước, ba đi làm về, mua cho con cái áo ấm mới này. Nó nhìn cái áo đang mặc trên người rồi mỉm cười.
- Mẹ ơi, mẹ nhớ hôm nay là ngày gì không? Ngày sinh nhật của mẹ đấy. Bông hoa này con xin được và đem tặng mẹ. Mẹ có thích không? Thằng bé huyên thuyên toàn chuyện vui. Nó mải miết kể, rồi gục đầu bên nhà mẹ ngủ thiếp đi một lúc lâu. Khi tỉnh dậy, mặt trời đã lấp ló sau ngọn cây gạo, nó chào mẹ rồi lủi thủi đi về.
Một ngày đi ngang qua khu vườn của người đàn bà mình đã xin hoa, Lân dừng lại bên ngoài khu vườn, tần ngần ngắm những bông hoa đủ màu đang khoe sắc trong buổi sớm còn đọng hơi sương. Nào thược dược, nào hồng, nào cúc ngũ sắc, nào mười giờ, dừa cạn… Nó ấn tượng với khu vườn toàn hoa là hoa. Thằng bé tò mò muốn vào thăm thú bên trong khu vườn dù rằng chưa biết gì về người chủ của khu vườn. Nó nghĩ đến gương mặt của người đàn bà và nhớ có lần nghe bọn thằng Khang, thằng Cường cùng xóm từng xì xầm với nhau:
- Bọn mày có biết ngôi nhà có vườn hoa đẹp ở cuối làng kia không?
- Nghe nói chủ khu vườn là một người đàn bà góa bị một căn bệnh hiếm. Bà ta ít khi ra khỏi nhà, ít khi giao tiếp, trò chuyện với ai. Người làng mình đã gặp bà ấy, thấy bảo khuôn mặt bà đáng sợ lắm. Bởi thế, chẳng ai dám đến gần. Lân đang bâng quơ nghĩ ngợi thì giọng người đàn bà cất lên khiến Lân giật mình:
- Cháu có muốn vào thăm khu vườn không?
- Cháu… cháu… Lân ấp úng nhưng rồi cũng gật đầu theo chân người đàn bà vào khu vườn. Lân rất ngạc nhiên vì bên trong khu vườn không chỉ có hoa mà còn có nhiều rau quả khác.
- Cháu ăn đi! Người đàn bà đưa cho Lân miếng đu đủ chín và giục thằng bé ăn.
- Cháu… cháu cảm ơn cô! Chẳng hiểu sao, khi nhìn vào khuôn mặt của người đàn bà lần này, Lân không còn cảm giác run run như lần đầu, cũng không cảm thấy sợ như bọn thằng Khanh, thằng Cường đã nói.
- Cô ơi… Lân ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của người đàn bà ngồi bên rồi bỏ lửng câu nói.
- Cháu tò mò vì khuôn mặt của cô, đúng không?
- Cháu… Lân ngập ngừng. Người đàn bà buông ánh nhìn ra khoảng nắng giữa khu vườn. Cô chậm rãi kể cho Lân nghe về cuộc đời của mình.
Người đàn bà tên Linh. Năm nay tròn 40 tuổi. Cô từng có một gia đình hạnh phúc với người chồng hiền lành tên Đam và cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh tên Phú. Cậu con trai của cô nếu còn sống thì nay cũng lên 13 như Lân. Hai vợ chồng cô vốn làm việc trên phố. Tuy ở nhà thuê nhưng tổ ấm của cô luôn vui vẻ và ngập tràn tiếng cười. Có ai ngờ biến cố lại xảy ra. Chồng cô qua đời chỉ sau ba tháng phát hiện mình mắc phải một căn bệnh lạ. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì con trai cô cũng bỏ đi tức tưởi khi vào tiệm hoa bên đường mua hoa tặng mẹ và bị một gã say rượu đi xe máy tông phải. Đau khổ chất chồng khiến Linh muốn kết liễu đời mình đi theo chồng con. Ý định tự tử chưa thành, một lần nấu bếp ga mini, chẳng may bếp nổ. Cô bị bỏng nặng. Người trong xóm trọ đưa cô tới bệnh viện. Các bác sĩ đã kịp thời cứu cô từ lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên, toàn thân cô bị bỏng nặng, nhiều nhất là ở khuôn mặt. Người thân khuyên cô mãi, cô mới từ bỏ ý định tìm đến cái chết. Sức khỏe yếu một phần, phần nữa là cô không muốn mọi người nhìn mình với đôi mắt thương hại, thế nên cô về lại ngôi nhà gia đình người cậu ruột của mình ngày xưa (nay đã chuyển lên phố sống) và sống thui thủi một mình đã mấy năm nay. Thời gian trôi qua, cô cải tạo khu đất hoang đầy cỏ dại quanh ngôi nhà và tự tay trồng những cây, những hoa mình thích, ngày ngày làm bạn với chúng để lòng khuây khỏa. Cô ít khi ra khỏi nhà. Trừ khi lên phố mua hạt giống hay mấy thứ đồ dùng cần thiết khác. Ngôi nhà ở tít cuối làng, xa chợ, xa trung tâm, thành ra ít người qua lại. Có người loáng thoáng thấy khuôn mặt cô một đôi lần đã cho rằng cô bị bệnh hiếm. Họ xì xào, rỉ vào tai nhau hãy tránh xa ngôi nhà ấy. Ngay cả trẻ con trong làng cũng đều được gieo rắc nằm lòng ý nghĩ nếu đến gần người đàn bà góa ở cuối làng thì sẽ có khuôn mặt giống như bà ấy. Bởi vậy, đứa nào cũng sợ. Chỉ có Lân là khác.
- Cô ơi, từ nay cháu có thể đến đây chơi được không ạ? Lân nhoẻn miệng cười, hỏi.
- Được chứ cậu bé! Cháu có thể đến chơi bất kỳ lúc nào. Người đàn bà hé môi cười. Lần đầu tiên Lân thấy cô cười. Nụ cười chưa tròn nhưng thân thiện, gần gũi. Như nhớ ra điều gì, người đàn bà chợt hỏi Lân:
- À, hôm trước cháu tặng mẹ bông hoa, mẹ vui không?
- Dạ… mẹ vui… Nhưng…
- Nhưng sao vậy?
- Mẹ cháu… mất rồi cô ạ. Cháu xin cô bông hoa đem đến mộ tặng mẹ.
- Mẹ cháu… Cô xin lỗi.
- Dạ. Không sao cô ạ. Tại cháu không nói cho cô biết. Rồi Lân rủ rỉ kể cho người đàn bà nghe về gia đình mình. Cách đây 4 năm, vì trượt chân ngã xuống suối nên mẹ Lân đã mất. Anh Thành, ba Lân ngày nào cũng phải ra khỏi nhà từ khi sớm bửng đến tối mịt mới về. Anh đi làm cùng mấy người thợ hồ, thợ đụng ở làng bên. Cơm nước ở nhà, tự thằng bé lo cả. Khi thì cơm nguội với nước mắm, khi thì mì gói thay cơm. Kể từ ngày mẹ mất, ba nó ít nói hẳn. Cứ đi về như cái bóng. Nhiều lần nó hỏi, ba nó hoặc phớt lờ, hoặc là ôm lấy nó ngồi lặng lẽ. Nhiều lúc buồn, chẳng biết trò chuyện cùng ai, nó chỉ còn cách đến bên mộ mẹ ngồi.
- Ê Lân khoèo, mày đi đâu đấy? Đừng nói với bọn tao là mày đến chỗ khu vườn của người đàn bà góa bị bệnh hiếm đấy nhé! Thằng Cường nghển cổ hỏi rồi nhoẻn miệng cười.
- Cô Linh không phải bị bệnh hiếm. Lân thanh minh.
- Sao mày biết tên bà ấy là Linh? Bà ấy nói cho mày nghe hả? Thằng Khanh thắc mắc.
- Ừ. Cô ấy kể cho mình nghe rất nhiều chuyện. Cô ấy tốt lắm. Không như mọi người nghĩ đâu. Không tin mọi người đi cùng mình.
- Được không? Hay là bọn mình thử nghe thằng Lân khoèo, đến đó một lần thử xem sao? Cường quay sang Khanh và mấy đứa còn lại, giọng rủ rê.
- Ừ… đi thì đi, sợ gì. Cả bọn đồng thanh.
- Đây là… Người đàn bà vừa ngạc nhiên khi thấy mấy cậu bé đứng khép nép phía sau Lân, lấm lét nhìn mình. Lân vui vẻ:
- Cô ơi, đây là mấy người bạn của cháu cùng ở trong làng. Cháu đã kể với các bạn về khu vườn của cô. Các bạn rất hào hứng muốn được tận mắt đến xem.
- Không sao, các cháu vào đây! Người đàn bà dẫn những đứa trẻ đi quanh khu vườn, giới thiệu cho chúng biết về từng loài hoa, loại cây, loại quả. Cô còn đem ra bao nhiêu là trái cây hái được ngoài vườn đãi lũ trẻ. Trước còn lạ, còn sờ sợ. Sau, đứa nào cũng vui vẻ, cũng thích thú. Những ngày sau, chúng rủ nhau đến khu vườn của người đàn bà nhiều hơn. Qua những câu chuyện mấy đứa trẻ kể lại, người làng ngày một lân la trò chuyện, trở thành hàng xóm bình thường với người đàn bà góa ở cuối làng. Người trong làng mỗi lần đi vào rừng đều dừng lại trước khu vườn của cô, khi xin miếng nước uống, khi chuyện trò. Mỗi lần như thế, họ không chỉ thấy những vết sẹo quen thuộc vẫn đỏ hằn trên khuôn mặt người đàn bà luống tuổi mà còn thấy cả nụ cười hiền hậu của cô.
Hôm nay, Lân cùng ba đi viếng mộ của mẹ. Ngang qua khu vườn của người đàn bà ở cuối làng, Lân ríu rít chào hỏi cô và được cô hái tặng cho cả một bó hồng. Lân sung sướng cười, cảm ơn cô. Anh Thành, ba Lân cũng khẽ mỉm cười, ngập ngừng:
- Cô… cô tốt với thằng bé quá! Khi nào cần tôi giúp gì, cô cứ nói với tôi.
- Cảm ơn anh!
Người đàn bà cứ thế đứng dõi theo anh Thành và Lân đang dắt tay nhau đi khuất dần trên con đường làng rợp bóng cây xanh. Bỗng nhiên cô thấy hình bóng ba con Lân thân thuộc đến lạ…
Truyện ngăn của AN VIÊN