Tình yêu bất tử trong "Triệu bông hồng"
Với những người yêu âm nhạc, “Triệu bông hồng” là bản tình ca nằm lòng gắn liền với bao kỷ niệm lãng mạn của thế hệ trẻ thập niên 1980 qua tiếng hát của danh ca Alla Pugacheva. Đài truyền hình Trung ương Liên Xô (cũ) đã phải phát lại hàng ngàn lần bài hát này theo yêu cầu của khán giả.
Danh ca Alla Pugacheva góp phần đưa bài hát “Triệu bông hồng” trở nên nổi tiếng khắp thế giới. |
Không chỉ lừng lẫy ở Nga, “Triệu bông hồng” còn nổi tiếng tại Nhật Bản và Hàn Quốc đến mức được người dân nơi đây gọi bài hát là “biểu tượng của tình ca” và có mặt trong tất cả các phòng hát karaoke. Không thể kể hết những bản cover của “Triệu bông hồng” trên khắp thế giới: “Một chuyện tình yêu anh họa sĩ/Gửi trong tranh vẽ những vui buồn/Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ/Cô gái rất yêu bông hoa hồng/Tặng cả đại dương hoa hồng thắm/Cho người ca sĩ anh yêu thầm/Và ngôi nhà xinh anh đã bán/Bằng dòng máu nóng trái tim mình”.
MỐI TÌNH “SÉT ĐÁNH”
Nội dung bài hát được dựa theo một giai thoại trong tiểu thuyết của nhà văn Nga K.G. Paustovsky viết năm 1960 kể về chuyện tình của danh họa người Gruzia Niko Pirosmani (1862-1918) với nữ ca sĩ người Pháp Marguerite tại thủ đô Tbilisi (Gruzia). Niko sinh ra tại làng Mirzaani, cha là người làm vườn nghèo. Khi những người thân qua đời, chỉ còn một em gái, Niko đi ở cho một gia đình địa chủ mang họ Kalantarov. Họ dạy Niko học chữ Nga và chữ Gruzia, tìm việc để ông kiếm sống. Đầu thập niên 1890, Niko làm soát vé trên tàu hỏa rồi mở cửa hàng kinh doanh sữa tươi. Công việc thuận lợi, ông đã xây cho cô em gái ngôi nhà ở Mirzaani, bây giờ là Bảo tàng Pirosmanishvili. Nhưng Niko đam mê hội họa hơn kinh doanh.
Tháng 3/1909, nữ ca sĩ người Pháp Marguerite de Sèvres đến biểu diễn ở Tiflis (tên gọi cũ của thủ đô Tbilisi). Vẻ đẹp cùng tài năng ca hát, nhảy múa của Marguerite đã khiến Niko bị “sét đánh”. Anh thốt lên: Nàng là một viên ngọc quý! Sau đó cả thành phố đồn ầm lên về mối tình của họa sĩ nghèo với cô ca sĩ nổi tiếng. Có người kể rằng Niko thực ra chưa một lần giáp mặt với Marguerite và bức chân dung nàng là do ông vẽ theo áp phích quảng cáo. Có người lại khẳng định cô ca sĩ người Pháp đã từng có một đêm hẹn hò với Niko nhưng nàng hoảng sợ vì tình yêu của chàng quá nồng nhiệt.
Nhưng không ai phủ nhận một buổi sáng mùa hè đã diễn ra như cổ tích: Marguerite nghỉ đêm trên tầng hai của căn nhà gỗ có cửa sổ nhìn ra góc phố Sololaki. Khi nàng vừa thức giấc, bước tới cửa sổ và lặng người trước một biển hoa hồng đỏ rực. Người ta nói Niko đã mua toàn bộ số hoa hồng mới nở không chỉ của Tiflis mà cả nước Gruzia và thuê chở về phố Sololaki trước khi mặt trời mọc để tặng nàng. Rồi họ thấy Marguerite chạy về phía Niko đang đứng trước ngôi nhà. Nàng đẹp như một thiên thần trong bộ váy trắng và tặng chàng một nụ hôn nồng nàn. Khi chứng kiến, ai cũng nghĩ rằng cái kết của mối tình đó sẽ viên mãn. Nhưng sau đó cô ca sĩ xinh đẹp tìm được một ý trung nhân giàu có và rời khỏi Tiflis.
Kết cục, Niko chỉ còn giữ được bức chân dung nàng. Trong tranh, nàng khoác bộ váy trắng, hai tay hơi dang ra biểu hiện sự ngỡ ngàng, một bàn tay giữ bó hoa hồng. Sau “biến cố hoa hồng” Niko trở thành người họa sĩ lang thang, không có công việc ổn định. Ông đã vẽ gần 2 ngàn bức tranh, trong đó hơn 300 tác phẩm được giữ nguyên vẹn cho đến nay.
Năm 1912, khi Niko đã 50 tuổi, một họa sĩ trẻ người Pháp cùng hai anh em nhà thơ Zdanevichi người Nga ghé qua Tiflis. Họ sửng sốt trước nét vẽ tài hoa của ông và mang về Saint Petersburg 13 bức tranh của Niko và mở cuộc triển lãm thành công vang dội, Niko nổi tiếng ở Moscow, Petersburg và cả ở Paris.
Tháng 4/1918, Niko ốm nặng, suốt 3 ngày ông nằm trơ trọi trong một tầng hầm lạnh lẽo tối tăm. Sau đó người ta đưa ông vào bệnh viện và ông đã qua đời tại đó. Cho đến bây giờ người ta không tìm thấy ngôi mộ của ông. Niko chỉ để lại cho đời những bức tranh quý và giai thoại về mối tình cuồng si với cái kết buồn.
BẢN TÌNH CA BẤT HỦ
Tiền thân của “Triệu bông hồng” là một ca khúc do Nghệ sĩ Nhân dân người Latvia Raimond Voldemarovich Pauls sáng tác với tựa đề bằng tiếng Latvia là Davaja Mariņa và sau đó thi sĩ Nga Andrey Andreyevich Voznesensky đã đặt lại lời dựa trên mối tình của Niko và Marguerite. Bài hát thực sự nổi tiếng khi được nữ Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Alla Pugacheva thể hiện.
Tại Việt Nam, bài hát “Triệu bông hồng” rất được yêu thích, những ca sĩ thể hiện thành công là: Ái Vân, Cẩm Vân. Nhạc sĩ Thế Hiển là người đầu tiên đặt lời Việt, phổ biến ca khúc này. Nhạc sĩ Thế Hiển kể: Năm 1983 ông đã nhờ một người bạn tìm mua giúp tất cả tư liệu, đĩa hát và văn bản của bài hát để mang về Việt Nam, sau đó nhờ Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên chuyển ngữ lời Nga sang lời Việt. Ông cũng nhận được một bản dịch khác từ nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Thế Hiển đánh giá bản dịch nào cũng hay nên đã lấy đoạn 1 là lời của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên, đoạn 2 là lời của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.
Có lẽ mối tình si của chàng họa sĩ đã khiến bao trái tim tan chảy bởi sự lãng mạn vô tận, chạm đến giấc mơ của những kẻ đang yêu đắm say. Giai điệu sôi động mà sâu lắng cùng ca từ đẹp và buồn của “Triệu bông hồng” đã là một phần thanh xuân của nhiều thế hệ người yêu nhạc: “Dưới ánh nắng, sương long lanh triệu cành hồng khoe sắc thắm/Mỗi sáng sớm bên song thưa em bên hoa cười trong nắng/Sẽ diễm phúc cho ai kia đem yêu thương lòng say đắm/Sẽ mãi mãi như hoa kia trao cho em suốt cuộc đời”.
VŨ THANH HOA