.

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Cập nhật: 06:44, 28/03/2020 (GMT+7)

Trong số các nhà thơ tình tên tuổi của thế kỷ XX Hồ Dzếnh không phải là cái tên nổi trội. Thế nhưng riêng hai câu thơ bất hủ “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” (bài thơ Ngập ngừng, bài thơ Quê ngoại, năm 1943) của ông thì gần như không một người yêu thơ, nhạc nào không biết.

Bìa đĩa nhạc Chiều của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thơ Hồ Dzếnh.
Bìa đĩa nhạc Chiều của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thơ Hồ Dzếnh.

Hồ Dzếnh (1916- 1991) tên thật là Hà Triệu Anh, được sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng lại có bố là người Hoa, mẹ là người Việt. Hồ Dzếnh là phát âm tiếng Quảng Đông từ “Hà Anh” được ông dùng như bút danh chính, ngoài một bút danh khác nữa là Lưu Thị Hạnh. Trước cách mạng 1945, Hồ Dzếnh làm công trong các hiệu buôn hoặc làm gia sư, những công việc không liên quan đến sáng tác, nhưng ngay từ năm 1937, ông đã có nhiều  thơ, truyện ngắn in trên các báo: “Tiểu thuyết thứ Bảy”, “Trung Bắc Chủ nhật”, tập san “Mùa gặt mới”… 

Chính vì khiêm tốn, không thích ồn ào, phô trương nên tên tuổi của Hồ Dzếnh không được công chúng biết đến nhiều nhưng những câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng của ông thì khác. Các câu thơ như “Tôi tin người để tin tôi/ Để tin tưởng mãi rằng đời dễ tin/… yêu là khó nói cho xuôi/Bởi ai hiểu được sao trời lại xanh” (Lặng lẽ), hay bài thơ  đầy chất nhạc đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thành bài hát nổi tiếng với những khúc hát dìu dặt, nhẹ nhàng, bay bổng: “Trên đường về nhớ đầy/Chiều chậm đưa chân ngày/Tiếng buồn vang trong mây/Chim rừng quên cất cánh/Gió say tình ngây ngây/Có phải sầu vạn cổ/Chất trong hồn chiều nay?... Nhớ nhà châm điếu thuốc/Khói huyền bay lên cây…” (Chiều) lại được lưu giữ trong sổ tay và trí nhớ của rất nhiều người. 

Tuy nhiên có lẽ đặc biệt nhất, tạo được ấn tượng sâu đậm nhất trong các bài thơ của Hồ Dzếnh chính là bài thơ “Ngập ngừng” với hai câu thơ bất hủ “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề/Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở”. Bài thơ nổi tiếng này đã tạo cảm hứng cho  rất nhiều nhạc sĩ từ Trần Thiện Thanh với “Chuyện hẹn hò”, Anh Bằng với  “Anh cứ hẹn”,  Hoàng Thanh Tâm với “Em cứ hẹn”, Minh Duy với “Ngập ngừng” và rất nhiều bài hát lấy hai câu thơ trên phổ thêm thành những bài hát nổi tiếng như “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” của nhạc sĩ Vinh Sử và “Chuyến đò không em” của nhạc sĩ Hoài Linh…

Hồ Dzếnh viết đủ thể loại và chỉ trong vòng 2 năm,  ông đã cho ra đời 3 tập sách: Chân trời cũ (tập truyện ngắn, năm 1942), Một chuyện tình mười lăm năm về trước (tiểu thuyết, năm 1942), Quê ngoại (tập thơ, năm 1943). Sau năm 1945, ông có thêm các tác phẩm: Cô gái Bình Xuyên (tiểu thuyết, năm 1946), Hoa xuân đất Việt (Tập thơ, năm 1946), Người nữ cứu thương Trung Hoa (Kịch một màn, công diễn 1947), Đi hay ở (Kịch một màn, công diễn 1955), Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất). 

“Ngập ngừng” được in trong tập thơ “Quê ngoại”, ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào năm 1943. Toàn bài thơ, là tâm trạng của một chàng trai đang yêu, cụ thể hơn là đang hò hẹn. Tình yêu ấy của chàng có lẽ là đang ở thủa ban sơ, tuy không đến nỗi đơn phương nhưng lại chẳng có gì chắc chắn, bền vững cả. Chính vì thế nên chàng mới ngập ngừng, rụt rè, e ngại. Đứng đợi người yêu mà lòng chàng bồn chồn lo lắng, sợ hãi đến nỗi ngay từ câu đầu tiên đã phải thốt lên: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”, thậm chí còn cầu mong “Nếu trót đi, em hãy gắng quay về”. Trong lần đầu tiên ra mắt công chúng, hai câu thơ nổi tiếng với triết lý mới lạ về tình yêu này được Hồ Dzếnh viết là: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”. Đến năm 1969, tập thơ được tái bản ở Sài Gòn, hai câu thơ vẫn giữ nguyên như thế nhưng trong tập “Hồ Dzếnh-Tác phẩm chọn lọc” xuất bản ở Hà Nội năm 1988 thì hai câu thơ trên đã được sửa thành: “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề/Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở”. Trong ca từ của các nhạc phẩm phổ thơ Hồ Dzếnh, hai câu thơ này được hoán vị chữ “Đời” và chữ “Tình” nên phần lớn công chúng quen với dị bản “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui lúc đã vẹn câu thề”.

Dù có được chỉnh sửa như thế nào thì cái quan niệm độc đáo mới lạ khác hẳn cái quan niệm truyền thống về tình yêu của Hồ Dzếnh vẫn giữ nguyên về bản chất và vô cùng thuyết phục. 

AN AN

.
.
.