Rưng rưng giếng cũ…
Những lọn nắng chói chang, hừng hực đầu mùa cứ thôi thúc trí nhớ tôi tìm về vành giếng cũ. Đó là vành giếng sau nhà ngoại, phủ dấu rêu xanh của thời gian thầm lặng, nước trong leo lẻo mát lành. Giếng sâu đã giữ lại những vui buồn xa xôi của một thuở êm đềm, bình dị. Thành giếng như còn in bóng ngoại một đời tảo tần sương gió. Tiếng vục gầu vẫn vọng về da diết trong giấc mơ.
Vành giếng ấy trải qua bao tháng ngày đã vẹt mòn mưa nắng. Chạm tay vào thấy nham nhám cát sỏi dưới một lớp rêu mờ. Những bụi cỏ dại, dương xỉ mọc lúp xúp quanh thềm giếng, tán khế ngoại trồng ngả bóng xuống mát rượi bình yên. Nơi ấy chính là khoảng trời trú ngụ của những mộng mơ thuở nhỏ. Ngày đó, tôi thường vu vơ thả chùm hoa khế tim tím xuống mặt nước trong veo, để hoa bềnh bồng trôi êm dịu. Tiếng chim trong trẻo hòa vào cánh gió mong manh thấm đượm hương quê. Những đêm rằm, tôi khẽ cúi xuống nhìn vầng trăng như tan ra nơi đáy giếng. Bao mảnh trăng lấp lánh dát ánh vàng lên cả những giấc mơ tuổi thơ. Màu trăng huyền hoặc rót vào tâm hồn, để tôi thương nao lòng một góc hoài niệm cổ tích.
Nỗi nhớ dịu dàng như có phép màu xoa dịu lòng tôi. Trước mắt như thấp thoáng dáng ngoại liêu xiêu xách nước từ giếng đổ đầy chum vại, ống quần bó cao, mồ hôi rịn ướt vạt áo nâu sồng. Đó là những ngày tôi còn thơ bé, ngoại vẫn cứng cáp, sức nặng thời gian chưa làm cong tấm lưng gầy một nắng hai sương của ngoại. Thuở ấy, mỗi lần đi chơi về bùn đất lấm lem mặt mũi, anh em tôi lại chạy lon ton ra giếng, xối lên người gầu nước mát trong ngần. Chúng tôi vô tư cười đùa, kỳ cọ lưng cho nhau. Ngoại từ trong bếp nhìn ra khẽ mắng yêu, giục chúng tôi tắm rửa nhanh để vào ăn bữa cơm chiều. Nước giếng chắt chiu nghĩa tình đất mẹ bao dung, là mạch nguồn yêu thương vỗ về tâm hồn tôi suốt một thời vụng dại. Nước mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, ngọt lành tựa lời ru của ngoại.
Tôi nhớ những chiều ngoại ngồi bên vành giếng gội đầu cho chị tôi. Ngày đó ngoại gội đầu bằng bồ kết, và vẫn giữ thói quen ấy cho đến tận bây giờ. Chị dịu dàng cúi đầu cho mái tóc chạm vào làn nước ấm. Ngoại ân cần luồn bàn tay sần chai qua mái tóc suôn mượt của chị. Mái tóc đen nhánh của tuổi con gái mới lớn nhiều mộng mơ, xõa mềm trong làn nước giếng được ngoại từ từ đổ xuống. Hương bồ kết nồng nàn như lạc vào miền ca dao êm ả, mảnh trăng chiều mờ xa phía ngọn đồi sau làng. Có lẽ tính chị nhẹ nhàng, thùy mị cũng là từ những tháng ngày được ở bên ngoại. Hương bồ kết còn thoảng vương trên tóc chị mấy ngày sau đó. Đêm về được nằm cạnh chị, hương bồ kết theo gió đi vào giấc ngủ êm đềm tuổi thơ.
Giếng nước là nơi gắn liền với bóng hình những người phụ nữ thân thương của đời tôi. Là nơi ngoại múc gầu nước mát mỗi ban mai để đun sôi pha trà, hương trà thơm ngày ấy giờ đây khiến tôi nhớ ngoại quay quắt. Nơi chị vừa giặt giũ vừa khe khẽ hát, những khúc ca không đầu không cuối mà nghe buồn xa xăm. Nơi gợi cho tôi nhớ hoài bao câu chuyện xửa xưa ngoại kể tôi đã nằm lòng từ thuở bé. Vành giếng bao năm vẫn lặng thầm giữa bao đổi thay của quê nhà. Nước máy, giếng khoan làm người ta dần quay lưng với cái giếng rêu phủ từng gắn bó một thời khó nhọc mà đong đầy niềm vui giản dị. Tuổi tác chất chồng trên vầng trán nhăn nheo của ngoại. Vành giếng sau nhà dương xỉ, cỏ dại ngày càng rậm rạp, như đã bị lấp mất trong lòng người giữa vùn vụt tháng năm…
Tôi về đứng bên vành giếng ngày nào, gốc khế xưa đã không còn để tôi mơ mộng nhặt chùm hoa thả xuống làn nước trong. Bao bận đi về lần nào cũng tranh thủ ghé thăm ngoại rồi lại vội vã rời xa, tôi đã lãng quên mất cái giếng sau nhà, đã không nhận ra cây khế từ lúc nào bị đốn mất. Chiều nay, lòng rưng rưng thương ngoại âm thầm gánh những khắc nghiệt thời gian, thương chị tôi giữa tháng ngày cứ trôi hun hút mà tình duyên vẫn hoài lận đận, trắc trở. Múc một gầu nước mát vục lên mặt, để những nỗi buồn cũng nhẹ nhàng cuốn đi.
Tôi muốn nước giếng rửa hết bao gió bụi đường đời, dọn sạch lòng mình để khi ở bên ngoại chỉ có niềm hạnh phúc ấm áp lan tỏa. Vòng tay qua ôm ngoại nghe mùi dầu gió nồng cay, rưng rức, bao ký ức vẫn vẹn nguyên trong căn nhà của ngoại, tự dặn mình không được khóc để ngoại được an lòng…
TRẦN VĂN THIÊN