Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ 25: Kể chuyện quê hương bằng lời ca, tiếng hát
Với chủ đề “Bà Rịa-Vũng Tàu rực sáng tương lai”, 400 ca sĩ, diễn viên của 12 đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh đã mang đến Hội diễn Nghệ thuật quần chúng (NTQC) tỉnh BR-VT lần thứ 25 năm 2018 những bản hòa ca, điệu múa đầy cảm xúc.
Tiết mục văn nghệ “Cảng biển Việt Nam” của đội NTQC TP.Vũng Tàu tại hội diễn. |
ĐA DẠNG HÌNH THỨC BIỂU DIỄN
Hội diễn NTQC tỉnh năm nay quy tụ dàn ca sĩ, diễn viên không chuyên hùng hậu từ các đội NTQC của 7 huyện, thành phố (trừ huyện Xuyên Mộc), CLB văn nghệ của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh. Mỗi đội có cách dàn dựng, chuyển tải thông điệp đến người xem rất riêng về đất nước, quê hương BR-VT.
Có đội khi nói về quê hương, đất nước đã dẫn dắt từ truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc. Chẳng hạn như tiết mục ca múa “Kể chuyện người cộng sản” của đội NTQC TX.Phú Mỹ: Nhóm múa trong vai những chiến sĩ cộng sản bị giam cầm với đạo cụ là những sợi dây, song sắt nhà tù. Đằng sau song sắt ấy, người chiến sĩ cộng sản dù tay chân bị xiềng xích, gông cùm nhưng vẫn kiên cường vùng lên đấu tranh, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Xem tiết mục này, khán giả đã có những phút lắng lòng để suy nghĩ về những mất mát, hy sinh của những chiến sĩ cộng sản trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc. Cất lên những lời ca với chất giọng opera thính phòng, chị Lương Thị Kim Phụng (đội NTQC TX.Phú Mỹ) kể cho khán giả nghe câu chuyện người cộng sản: Từ thuở ấy, đất nước còn điêu tàn/Nhân dân bị xéo giày trong tù đày, trong ngục tối/Người đồng chí, hy sinh cả đời mình... “Tôi hát bằng tất cả cảm xúc của người trẻ với tấm lòng cảm phục, biết ơn đến lớp thế hệ cha anh đã hy sinh để giành độc lập cho đất nước”, chị Phụng nói.
Những bản hòa ca tươi đẹp, ngọt ngào, tràn trề năng lượng của tuổi trẻ, của lao động, sản xuất, xây dựng đất nước được các ca sĩ, diễn viên biểu diễn khá chuyên nghiệp trên sân khấu. Tiết mục múa “Cảng biển Việt Nam” của đội NTQC TP.Vũng Tàu khiến người xem cảm nhận được sự phát triển của cảng biển Việt Nam khi các ca sĩ, diễn viên hóa thân thành những công nhân, kỹ sư làm việc hối hả trên bến cảng. Còn đội NTQC huyện Châu Đức thì thể hiện sức trẻ của đoàn viên, thanh niên trong trang phục của người lính hải quân hướng về biển đảo với tiết mục ca múa “Hướng về biển Đông cả nước sẵn sàng”.
Tiết mục “Kể chuyện người cộng sản” của đội NTQC TX.Phú Mỹ tại hội diễn. |
Bên cạnh những tiết mục văn nghệ ca, múa hiện đại là sự pha trộn âm nhạc truyền thống, tạo cho hội diễn thêm nhiều màu sắc. Chẳng hạn, CLB Âm nhạc dân tộc Suối Nguồn (TP.Vũng Tàu) đã đưa các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc lên sân khấu như: Hòa tấu đàn nguyệt, đàn bầu, hát xẩm. Còn chương trình dự thi của CLB Quan họ Giao Duyên (TP.Vũng Tàu), gồm các tiết mục: “Dâng Đảng câu ca quan họ”, “Vì mảnh đất tôi yêu”, “Một khúc dân ca, một câu quan họ”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Xuân về”, “Chuông vàng gác cửa tam quan”, “Con nhện giăng mùng” đã tạo ấn tượng với khán giả bởi những làn điệu chèo, dân ca quan họ Bắc Ninh. Những liền anh tay cầm dù, khăn vấn đội đầu, áo dài truyền thống; những liền chị duyên dáng, thướt tha trong trang phục áo tứ thân mớ ba mớ bảy, quấn khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao tình tứ trong những câu hát đối đáp giao duyên.
Anh Ngô Mạnh Dũng, Chủ nhiệm CLB Quan họ Giao Duyên cho biết, CLB có 25 thành viên thì có đến 90% người quê Bắc Ninh. Họ tập hợp, sinh hoạt với nhau 5 năm nay vì niềm đam mê hát dân ca quan họ. “Qua hội diễn, chúng tôi muốn lan tỏa những bài dân ca quan họ Bắc Ninh đến công chúng, góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận”, anh Dũng nói.
NIỀM ĐAM MÊ MÚA HÁT
Ngoài đời, những diễn viên ấy là chiến sĩ công an, bộ đội, công nhân, nội trợ, học sinh… nhưng khi lên sân khấu, họ đã “cháy” hết mình. Binh nhất Võ Văn Kha (đội NTQC Bộ CHQS tỉnh, hiện công tác tại Đại đội pháo binh 36, Ban CHQS TP.Vũng Tàu) lần đầu tiên tham dự Hội diễn NTQC cấp tỉnh. Lui về phía cánh gà sau khi biểu diễn xong tiết mục “Ở hai đầu nỗi nhớ”, anh xúc động nói: “Lần đầu biểu diễn trên sân khấu lớn, tôi rất hồi hộp nhưng hào hứng và vui lắm”.
Còn bà Trần Thị Mận (63 tuổi, ở 7/10/13B/2A, Bình Giã, phường 10, TP.Vũng Tàu, thành viên đội NTQC CLB Quan họ Giao Duyên) thì làm nội trợ nhưng rất yêu văn nghệ. Bà đánh đàn bầu rất giỏi. Tại Hội diễn, tiết mục độc tấu đàn bầu “Dáng đứng Bến Tre” qua đôi tay khéo léo của bà, những tiếng nhạc vang lên trong trẻo, sâu lắng, da diết. Bà Mận cho biết, bà tham gia sinh hoạt tại CLB Giai điệu Âm nhạc Việt (phường Rạch Dừa) từ năm 2015 và gia nhập CLB Quan họ Giao Duyên đầu năm nay. “Tôi tìm được niềm vui khi sinh hoạt văn nghệ. Văn nghệ giúp tâm hồn tôi thêm trẻ lại và luôn yêu đời”, bà Mận nói.
Nhạc sĩ Võ Lê, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi nhận xét: Các ca sĩ đã hát đúng cao độ, trường độ, phát âm, nhả chữ, hát bè tốt. Đặc biệt, các tiết mục hát có sự “giúp sức” của múa minh họa đã góp phần nâng cao hiệu quả nghệ thuật, giúp sân khấu sinh động. Còn các tiết mục múa được dàn dựng có đầu, có đuôi, cấu trúc chương đoạn rõ ràng, giúp người xem dễ cảm nhận. “Ca sĩ, diễn viên đã đến với hội diễn không chỉ bằng trái tim yêu nghệ thuật mà còn có sự trau chuốt, sáng tạo, qua đó đã mang đến những chương trình văn nghệ phản ánh được không khí sôi động, hào hùng của quê hương, đất nước và mang hơi thở của thời đại mới”, nhạc sĩ Võ Lê nói.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG