.

Mùa thu cách mạng trong thi ca Việt Nam

Cập nhật: 11:36, 31/08/2018 (GMT+7)

Thơ ca xuất hiện suốt cả bốn mùa trong năm từ xuân ấm áp tới đông hoang tàn nhưng mùa thu với nắng hanh hao, gió lao xao, lá vàng nhẹ nhàng rơi, hoa cúc dịu dàng nở mơ màng, đẹp đẽ mới chính là mùa tạo cảm hứng lớn nhất cho các thi nhân từ cổ chí kim.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

Nếu như trong thơ xưa, mùa thu thường gắn với thiên nhiên và quy luật điêu tàn của đất trời khi thì là lá rụng, cây xơ xác: Thu đến cây nao chả lạ lung (Nguyễn Trãi); khi lại là cái màu đỏ úa tàn, ly biệt: Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Đó còn là sự tĩnh mịch, vắng vẻ: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Bà Huyện Thanh Quan). Đặc biệt, trong cả 3 bài thơ nổi tiếng Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm của Nguyễn Khuyến, đều có sự  hiu hắt sầu buồn: Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu hay sự lạnh lạt, rơi rụng: Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. 

Đến giai đoạn Thơ Mới (1932-1945), dưới ngòi bút điêu luyện của các nhà thơ, mùa thu hiện lên với nhiều sắc thái mới nhưng màu sắc chủ đạo vẫn là sự đìu hiu, buồn bã: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng (Đây mùa thu tới, Xuân Diệu) hay là sự xào xạc ngơ ngác: Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô (Tiếng thu, Lưu Trọng Lư).

Thế nhưng có một mùa thu khác xuất hiện đã làm thay đổi toàn bộ tâm tư, nhận thức của các nhà thơ đương thời. Mùa thu ấy chính thức bắt đầu vào sáng 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên khán đài đọc câu tuyên ngôn bất hủ tại Quảng trường Ba Đình: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập (Tuyên ngôn độc lập).

Niềm vui sướng, tự hào trào dâng khi chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại này khiến cho những bài thơ nhanh chóng được ra đời. Người đầu tiên viết lên những câu thơ thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao đó chính là Tố Hữu - con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ của ông xuất hiện ngay trong mùa thu Tháng Tám sục sôi đó: Ngực lép bốn ngàn năm trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời - Huế tháng Tám. Và sau đó là niềm vui bất tuyệt trong đêm kỷ niệm ngày Quốc khánh đầu tiên 2-9-1946: Vui quá đêm nay/Ta nhảy ta bay/Trong lòng Hà Nội/Biển sống trào lên thành đại hội/Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng… Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử/Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi/Ta đi đây, với thế kỷ hai mươi/Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch! - Vui bất tuyệt. 

Trong hàng trăm bài thơ đặc sắc sau này, Tố Hữu cũng nhiều lần nhắc đến mùa thu cách mạng với nhiều sắc thái vui tươi, tự hào: Tháng Tám mùa thu xanh thẳm/Mây nhởn nhơ bay/Hôm nay ngày đẹp lắm/Mây của ta, trời thắm của ta/Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Ta đi tới)... Và những câu thơ chân thành tha thiết về ngày Quốc khánh trong trường ca “Theo chân Bác”: “Hôm nay sáng mùng hai tháng chín/Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh…/Người đứng trên đài lặng phút giây/Trông đàn con đó vẫy hai tay/Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/Độc lập bây giờ mới thấy đây” chính là những hình ảnh được nhiều người Việt Nam lưu giữ trong tim nhất. 

Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ lãng mạn, đề cao cái tôi cá nhân chật hẹp ủy mị, sướt mướt nhưng cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tác động mạnh mẽ đến ông, thay đổi nhận thức, thay đổi thế giới quan của ông khiến ông bừng tỉnh, nhập thân vào đời sống mới, hát lên những ước vọng của nhân dân trong đấu tranh và dâng hiến: Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng! Những ngực nén hít thở ngày độc lập!/Nghìn lực mới bốn phương lên tới tấp/Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca…/Theo cờ gọi, những con dân đất Việt/Dâng máu xương không tiếc với sơn hà (Ngọn quốc kỳ). Và ông viết về mùa thu cách mạng với một biểu tượng rất độc đáo: Xuân nước Việt khởi một ngày Tháng Tám/Triều nhân dân lên với sóng Hồng Hà/Lụt cờ đỏ nổi giữa ngày u ám/Trời sao vàng mọc lúc nước bao la (Xuân Việt Nam). 

Nhắc đến thơ ca mùa thu cách mạng, không thể không nhắc đến bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ bắt đầu được sáng tác vào những ngày mùa thu năm 1948 trên Chiến khu Việt Bắc và mãi hơn chục năm sau (năm 1955) mới chính thức hoàn thành. Được ấp ủ lâu dài bởi một tài năng lớn nên mỗi câu mỗi chữ trong bài thơ đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Chỉ trong một bài thơ, nhà thơ đã tạo ra hình ảnh hai mùa thu hoàn toàn khác nhau nhưng đều vô cùng đẹp đẽ. 

Nếu những câu thơ đầu tiên trong bài nhắc nhớ về một mùa thu Hà Nội “đã xa” đẹp mơ màng dịu ngọt trong ký ức của thi nhân: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/Gió thổi mùa thu hương cốm mới/Tôi nhớ những ngày thu đã xa/Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may/Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” thì mùa thu thứ hai nơi chiến khu Việt Bắc lại đẹp một vẻ đẹp mạnh mẽ, vui tươi khi nhà thơ - chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đình Thi ý thức rõ ràng rằng dân tộc Việt Nam đã bước sang một trang sử mới và vui sướng tự hào khẳng định chủ quyền: “Mùa thu nay khác rồi/Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/Gió thổi rừng tre phấp phới/Trời thu thay áo mới/Trong biếc nói cười thiết tha/Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta/Những cánh đồng thơm mát/Những ngả đường bát ngát/Những dòng sông đỏ nặng phù sa”…

Văn hóa nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng, sáng tác trong giai đoạn lịch sử 1945-1975 đều phải đặt mục đích tuyên truyền cổ vũ lên vị trí hàng đầu nên việc tạo ra những câu thơ tài hoa và ý nghĩa, vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ cách mạng vừa làm rung động lòng người chỉ có thể xuất hiện ở những nhà thơ tài năng nhất. 73 năm trôi qua, đã có thêm rất nhiều những bài thơ về mùa thu khác ra đời nhưng mỗi dịp lễ Quốc khánh đến, đi dưới rừng cờ hoa phấp phới thì những câu chữ tài hoa đã làm nên một mùa thu thi ca cách mạng vẫn khiến lòng ta xôn xao, náo nức tự hào.

AN AN

.
.
.