.

Con cá Bâu Bâu

Cập nhật: 11:36, 31/08/2018 (GMT+7)
Truyện ngắn của NGUYỄN HỒNG
Minh họa của MINH SƠN.

Chiều nào cũng vậy, cu Tý đi đánh bi với cu Mậm về kể một lô một lốc chuyện hàng xóm. Chuyện nhà ông A bà B bị cháy nồi cơm điện phải đi ăn tiệm, chuyện cô C cậu D để chìa khóa trong nhà rồi sập cửa không vô được… Những câu chuyện của người lớn được nhìn qua ánh mắt và suy nghĩ của bọn trẻ con thấy cũng hay hay, ngồ ngộ. Mỗi lần kể, mặt cu cậu đăm đăm chiêu chiêu ra vẻ căng thẳng, quan trọng lắm. Huyên thuyên một hồi cu cậu chậc lưỡi kết luận: “Kể ra người lớn cũng nhiều chuyện thật”. Tôi nửa buồn cười nửa trách giận, định buông đôi câu không bằng lòng thì cu cậu đã tót vào góc phòng quen thuộc cưng nựng hộp bi đủ màu. Tôi hối cu cậu đi tắm để còn ăn tối, còn học bài, còn đi ngủ sớm. Cu cậu nhăn trán: “Mẹ nói ít thôi, điệp khúc ấy con cứ phải nghe mãi. Chỉ cần mẹ nói Tý đi tắm đi là con đã biết chuỗi hối thúc sau của mẹ”. Tôi khựng lại: “Anh chưa lớn cũng đã bắt đầu lắm chuyện rồi đấy. Lần sau tôi rút kinh nghiệm”. 

Tôi lúi húi trong bếp, vừa nấu vừa suy nghĩ câu nói của cu Tý ban nãy. Chắc chắn “người lớn” nhà bên đã có chuyện gì. Tắm xong, Tý chạy ra ú òa làm tôi giật mình. Tay xoa tóc, tay bốc vội miếng khoai tây chiên còn nóng. Cái tật háu đói của cu cậu đã mấy lần bị ba la nhưng với mẹ thì cậu chả để ý gì. Tôi dịu giọng: “Có chuyện chi mà con bảo người lớn lắm chuyện. Con nít nói thế với người lớn là hư đó con”. “Là chuyện con Ky nhà bác Nam bỏ ăn đó mẹ. Có thế thôi mà bà nội nhà Mậm bỏ về quê. Vợ chồng bác Nam cũng đi đâu mấy ngày không rõ. Cô Lân thì rúm ró làm bếp chẳng dám sang nhà ai nữa”, cu Mậm kể. Mẹ bảo đi công tác, ba cũng bảo đi công tác. Bà nội về quê rồi. Nhà chỉ còn Mậm và cô Lân nữa thôi. Thế mà cô Lân mặt lúc nào cũng tái mét. “Thế con Ky bị làm sao?”. “Con Ky bị hóc xương cá. Nhà Mậm nháo nhào kiếm bác sỹ với thuốc men đủ kiểu mà chưa đỡ. Lỗi ở cả cô Lân giúp việc. Chả là nhà bên có thức ăn thừa, cô Lân đưa về cho Ky. Ky thèm cá. Ăn vội. Rồi hóc xương”. 

Cu cậu vừa kể vừa ngước mắt nhìn ti vi. Có bộ phim hoạt hình đang chiếu dở. Cậu quên luôn con Ky, quên người lớn lắm chuyện, quên cả miếng khoai tây chiên đang ăn dở. Phim hoạt hình luôn có ma lực đối với bọn trẻ. Tôi cũng bị quên luôn. Không gặng hỏi cu cậu được nữa, tôi định bụng tối sang nhà bác Nam hỏi thăm cho rõ ngọn ngành.

Con Ky bỏ ăn dăm bữa rồi tự khỏi. Thế không có nghĩa là vợ chồng bác Nam đã thôi giận nhau mà về nhà. Con Ky thì đã tót theo bà nội về quê. Cô Lân nước mắt ngắn dài: “Bà bảo cá này là cá Bâu Bâu đấy. Thịt bùi. Ngọt nước. Ngày xưa người có mà ăn là đã phúc tổ ba đời rồi. Tôi thấy con Ky cứ hực lên với mùi cá. Chắc nó đã rất thèm. Lại nghe thêm lời bà nội nên tôi mới xin về cho nó ăn”. Ơn trời, bây giờ con Ky cũng đã ổn rồi. Tôi an ủi. Nhưng bà nội giận vợ chồng bác Nam lắm. Bà bảo ngày xưa mẹ mày có cá đấy cũng chỉ dành để mớm cơm cho mày chứ đâu dám ăn. “Bây giờ mày có của ăn của để nên hờn mát mắng rủa một con chó chỉ vì nó ăn cá thừa. Không chừng nó muốn mắng tôi”.

 Vợ chồng bác Nam bận bịu công việc chẳng có thời gian ở nhà nhiều. Việc nhà giao cả cho cô Lân. Con chó bỏ ăn làm rối tinh mọi việc, quẫn trí thì lỡ lời đôi ba câu nặng nhẹ với bà. Bà giận. Người già có lý lẽ của người già nên sinh chuyện. Vợ đổ tại chồng, chồng bảo tại vợ. Chẳng ai chịu ai. Có bực bội cô giúp việc thì cũng không dám nặng lời vì sợ cô bỏ về, việc nhà lại càng rối hơn. Chuyện chỉ có thế thôi mà xé ra to. Cả nhà lục đục mỗi người một hướng chỉ vì con chó. 

Tôi bước thấp bước cao trở về. Chả biết nói thêm gì cho cô Lân đỡ áy náy. Chuyện đã rồi, thôi cô cố gắng chu toàn với cu Mậm, tội nghiệp. Thì tôi cũng chỉ nói được thế. Nếu có vợ chồng bác Nam ở nhà tôi cũng chỉ nói thêm đôi câu như thế, như thế. Bà nội cu Mậm có ở nhà tôi cũng chỉ nói thêm được đôi câu như thế, như thế. Gọi là dĩ hòa vi quý. Mỗi người nhịn một tý cho yên ấm. Nhưng chả có ai ở nhà. Lòng tôi thêm mối để rối rắm. Hình ảnh con cá Bâu Bâu ám ảnh tâm trí tôi ngay từ khi nghe chuyện. Con cá của tuổi thơ tôi. Ký ức về nó không thể phai mờ, lúc ẩn lúc hiện. Như lúc này đây, nó thúc giục dữ dội làm tôi quýnh quáng chực ngã nhào.

Bâu Bâu là một loài cá nhỏ. Thân hình ô van, mình mỏng dẹt. Có màu lốm đốm bạc và vô vàn lân tinh. Tôi dám cược là chả có loài cá biển nào vớt lên khỏi mặt nước mà nhiều lân tinh đến như loài cá này. Những mảng lân tinh lấp lánh nhảy nhót dưới ánh sáng mặt trời tầm 8-9 giờ sáng trông như những mảnh bạc. 

Nhà nghèo. Cá chỉ nấu với muối. Muối lèn chặt cá. Mặn đét. Nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu, mỡ, hành… là những loại gia vị xa xỉ tôi chỉ thấy vào dịp tết. Khi nấu, mẹ còn chả biết bỏ thứ nào vô trước thứ nào vô sau. Với lũ con háu đói, món ăn cứ chín là ngon. Mâm cơm loáng cái sạch bách. Đàn con vô tâm chả cần biết cha mẹ đã được ăn chưa, chả cần biết mẹ đã cân đo đóng đếm thế nào để mua được mớ cá tận bến, chả cần biết công mẹ lúi húi củi lửa trong bếp. Đọng lại trong con chỉ là ánh nhìn lạnh tanh của mẹ, là những cái phát đít hay bạt tai đau điếng. Trẻ con đã dạn đòn thì ngơ ngác yêu thương. Con ngơ ngác với cả ánh mắt cha chực khóc, tối sầm và bất lực trước những la mắng đôi lúc là vô cớ của mẹ. Cha thở dài nhiều hơn. Cha hút thuốc nhiều hơn. Cha xoa xoa tay trên mái tóc tơ ngắn lũn cũn của tôi cười hiền từ mà mắt nói bao điều. Bàn tay ám khói thuốc hăng nồng lùa vào tóc tôi cứng ngắc. Mùi yêu thương thắt thẻo ùa về. Nỗi nhớ kèm theo những hờn tủi căng kín ngực. Không hiểu sao khi nghe cô Lân nhắc đến con cá Bâu Bâu, tâm trí tôi đã bị văng khỏi thực tại, kéo tôi ngã nháo nhào về quá khứ. Lại thêm chuyện con Ky bị hóc xương. Cổ họng tôi nghẹn bứ. Những tủi hờn nuốt không trôi được. Cá Bâu Bâu là loại cá nhiều xương, xương lại rất cứng. Trẻ con ăn không cẩn thận sẽ rất dễ bị hóc. Tôi đã mấy lần bị hóc. Cha lo lắng hết đấm lưng đến dùng đũa chọc thẳng vào chén cơm chữa mẹo. 

Sau này cha cứ kể mãi, kể mãi. Với tôi, với anh chị em tôi, với những đứa con rể con dâu của cha. Cái Lan ngày xưa bệnh cũng chỉ thèm mỗi cá Bâu Bâu thôi. Cha còn kể thêm là cha mua cá Tròn triệng về lừa nó, gọi đó là con cá Bâu Bâu to nó mới ăn cho hết lưng cơm. Cha không kể thì tôi vẫn nhớ. Con cá ấy to gấp ba bốn lần con cá Bâu Bâu, lại béo ngậy, lại nhiều thịt. Chắc là cha mẹ đã phải chắt bóp lắm. Cảm ơn cha đã cho con những kỷ niệm, cho con biết thế nào là yêu thương. Thứ yêu thương con khát thèm kể từ ngày cha bỏ lại con và thế giới này. Bây giờ con muốn cũng chẳng còn cá Bâu Bâu mà ăn nữa. 

Qua cơn chấn động, tôi muốn hỏi cô Lân đã kiếm cá Bâu Bâu ở đâu cho Ky. Nhưng nhà người ta đang rối, lại thôi. Tôi về lại với tôi và ngổn ngang suy nghĩ. Một thời, cá Bâu Bâu là con cá “thần thánh” của xóm chài ven cửa sông này. Cá Bâu Bâu kho đi kho lại đến chín rục xương. Hàng xóm láng giềng gọi nhau bờ rào cho nhau chén cá nát. Là lớp cá còn lại ở đáy nồi. Thường là từ những gia đình có người đi biển. Khi người ta muốn thay nồi cá mới. Nhà tôi ba mẹ công chức nghèo, lương thực từ tem phiếu không đủ. Cái đói nghèo hiện rõ trong bữa ăn, trong giấc ngủ cong cả giường chiếu. Nghe tiếng hàng xóm gọi cho chén cá nát, mẹ mừng quýnh quáng. Thế nghĩa là hôm đó nhà có thêm được bữa ăn mặn. Tiếng nhà hàng xóm gọi “cá nát không bà ơi” đến giờ vẫn còn văng vẳng. Tôi hỏi thêm bạn bè tôi về cá nát, bạn tôi lắc đầu. Tôi kể cho con tôi nghe, con tôi chẳng hiểu. Mùi cá Bâu Bâu đặm muối đến giờ còn thoang thoảng trí não, thức dậy nỗi niềm thương nhớ. 

Nhớ những đêm trăng thanh gió mát nằm nghe cha đọc thơ, kể chuyện. Truyện Kiều cha đọc không sót một chữ, tôi cũng bập bẹ được đôi ba câu Kiều từ năm lên ba lên bốn. Hết thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu… Hết Truyện Kiều đến chuyện làng là chuyện con cá Bâu Bâu. Cha kể. Ông Phúc làng mình trước khi chết còn thèm bữa cơm với cá Bâu Bâu đó con. “Sao thế cha, sao ông Phúc lại thèm cá bâu bâu đến vậy?”. “Cha không biết. Cha nghĩ, đời ông Phúc đến lúc chết có lẽ cũng mới chỉ được ăn con cá ngon nhất là cá Bâu Bâu thôi con ạ”. Chao ôi, con cá Bâu Bâu trở thành “thiên sứ” cứu rỗi một kiếp người thác về địa ngục khỏi bị làm con ma đói. Tôi nghe gió từ ngàn năm, gió từ cửa sông quê tôi thổi về hun hút. Đứa tôi con nít của ngày xưa cứ vô tư vặn hỏi cha mãi. “Cuối cùng ông Phúc có được ăn cá Bâu Bâu trước khi chết không cha?”. Cha đã không muốn trả lời. Nhưng con cứ gặng hỏi. Cha bảo. Có, có con gái ạ. Là chén cá nát bà hàng xóm cho. Anh con trai lập cập chan cơm với nước cá. Nhưng… ông đã không ăn nổi. “Thế cũng có nghĩa là đã được ăn ư cha”. “Ừ. Thế là ông Phúc đã được ăn trước khi chết đó con. Người sắp chết chỉ ăn bằng mắt thôi con ạ”. Thì tôi nghe thế và tin cha thế. Sau này lớn lên, tôi hiểu ra cơ sự. Chắc gì bữa ấy ông Phúc đã được ăn.

Tại con cá Bâu Bâu hay tại con Ky hóc xương khơi gợi nỗi ấm ức buồn tủi, nỗi nhớ thương thắt thẻo, nỗi ân hận muộn màng của đứa tôi bướng bỉnh. Chỉ biết trong tôi đã ngập tràn mùi ngọt bùi của nước cá Bâu Bâu chín muối. Những mảnh bạc biển biết nhảy nhót đang lấp lánh trong lòng. Mẹ tôi đã bằng lặng hơn với cuộc sống một mình. Mẹ đọc sách Phật và đi chùa nhiều hơn. Mẹ đã không còn sức hay từ bản năng giác ngộ mà chẳng còn la mắng chúng tôi nữa. Những đứa con của mẹ tóc cũng pha sương pha gió mà lốm đốm buồn rồi. Cơn bão lòng lắng cặn. Gió tuổi thơ thổi về chênh chao nỗi niềm.

Truyện ngắn của NGUYỄN HỒNG

.
.
.