Những dòng sông đất nước
Đất nước Việt Nam từ hình thể địa lý, kiến tạo bao đời đã tạo ra những tượng hình Tổ quốc. Và đặc biệt trong dòng chảy của truyền thống lịch sử văn hóa, đất nước Việt Nam ta bao giờ cũng gắn bó với những dòng sông đã làm nên chiến tích.
Sông Bạch Đằng đời nhà Trần đã từng đánh tan quân Nguyên với khí phách: “Chương Dương đoạt giáo giặc - Hàm Tử bắt quân thù”. Sông Mẹ - Sông Hồng cuộn chảy phù sa như một thanh gươm cài bên hông Thủ đô Hà Nội. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng hào sảng: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng!”. Sông chảy đến đâu thì bắc lên câu hò, câu hát đến đó. Bởi có một nguồn mạch văn minh văn hóa sông, trầm tích sông, lắng đọng sông. Đó là phù sa chắt lọc từ tâm hồn con người đã tạo ra những luyến láy, những nhịp điệu mênh mang, những lắng dịu thẳm sâu.
Sông là nơi bắt đầu cho bao khát vọng để đổ về biển khơi. Sông là nơi khởi thảo những điệu dân ca mang hồn dân tộc. Sông đã mang và chuyển tải bao cung bậc. Sông bên lở bên bồi. Sông có phận sông và chính con đò trên sông đã tải bao nỗi niềm của sông. Khi đặt tên sông ta cũng muốn hiền hòa có hậu. Như sông Hương, sông Thương, sông Hiếu, sông Cầu, sông La, sông Lam… với nhịp bằng trôi mãi, êm mãi về xuôi. Nhưng thiên nhiên đâu có chiều lòng người với bao ấm lạnh bất thường đã va đạp, đã cuộn xiết, đã trắc trở để thành sông Mã phi bờm thác trắng rồi thành sông Kỳ Cùng như vắt kiệt hết mình trăn trở.
Ta có thể ví những dòng sông đất Việt giống như những dòng kẻ nhạc với bao thăng giáng, thăng trầm. Sông không những tạo ra dáng hình đất nước, phẩm cách và tâm hồn con người mà sông còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ những mạch nguồn văn hóa của dân tộc ra ngoài bờ cõi. Nhưng vẫn giữ trong sâu thẳm lòng mình trọn vẹn lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, ứng xử văn hóa, không chỉ bằng ngôn ngữ giao tiếp mà bằng cả phong thái cốt cách phong vị tạo ra cái “vỉa” văn minh lâu đời của người Việt.
Sông như một bảo tàng lưu giữ, đắp bồi, làm phong phú thêm những mùa lúa, mùa khoai, mùa đánh bắt tôm cá mà còn đắp bồi mùa nhân hậu tình người, mùa dân ca đắm đuối, ân tình. Những lễ hội tưng bừng trên bờ đê lộng gió cũng lấy sông làm dải lụa thắt ngang. Chầu quan họ trầu têm cánh phượng, cũng lưu luyến níu chân người ở lại. Người đã phải lòng nhau, thương nhau cũng bắt đầu hò hẹn từ sông Thương mà thành đôi thành lứa. Sông dắt ta về tận ngõ, bởi có một dòng sông lai láng trong lòng. Ta yêu đất Việt, yêu từ bờ tre xóm nhỏ, từ chợ họp bên sông.
Tôi đã nhiều lần di dọc đất nước mình và gặp bao dòng sông với bao lưu vực. Sông như một chứng nhân của lịch sử. Có một Hiền Lương đằng đẵng chia cắt đất nước và xa hơn là sông Gianh thời chúa Trịnh - Nguyễn. Nhưng sông chỉ có một màu nước dù đôi bờ giới tuyến và những ngăn cách đó chỉ là tạm thời. Và dân ca lại về liền nhịp trọn vẹn cho dòng sông liền một mạch thống nhất đất nước. “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng hỏi thế. Ông lý giải bằng “Ai đã sinh ra những dòng sông” và dòng sông đã sinh những gì không chỉ có phù sa châu thổ địa tầng.
Vâng đúng thế, sâu thẳm nhất, lắng đọng nhất vẫn là trầm tích văn hóa. Sông đã đánh thức trong ta bao khát vọng vừa sinh sôi vừa hào sảng. Sông len lỏi chảy qua bao luồng lạch nhưng không bao giờ luồn lách bởi một sức mạnh nội tâm cao thượng, cường tráng dù có qua bao trận lũ lụt để cuốn phăng bạc bèo khô rác. Sông lắng lại trả lại trong veo xanh thẳm mộng mơ, chấp chới vào dào dạt sóng vỗ, bởi: “Sông chảy vào lòng đất nước rất sâu” từ cội nguồn dân ca bất tận…
NGUYỄN NGỌC PHÚ