.

Ảnh khỏa thân: Đẹp hay dung tục?

Cập nhật: 10:05, 10/08/2018 (GMT+7)

Khỏa thân (nude) là một đề tài xuyên suốt trong nghệ thuật từ cổ điển tới đương đại. Xung quanh đề tài này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa yếu tố nghệ thuật và yếu tố dung tục. Gần đây, chủ đề này ở Việt Nam đã được nhìn nhận cởi mở hơn khi các cơ quan chức năng đã cấp phép cho một số cuốn sách ảnh khỏa thân hoặc triển lãm ảnh khỏa thân.

Khách tham quan triển lãm ảnh khỏa thân tại Hà Nội.
Khách tham quan triển lãm ảnh khỏa thân tại Hà Nội.

Trong lịch sử mỹ thuật, đề tài khỏa thân phát triển rực rỡ ở thời hội họa Phục Hưng (từ cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 16), điển hình là các kiệt tác của họa sĩ Ý Michelangelo (1475-1564) như Tượng David, hai hình khỏa thân Adam và Eva trên vòm thánh đường Sistine ở Vatican… Thời kỳ này, các danh họa thường lấy cảm hứng từ những truyền thuyết, thần thoại Hy Lạp - La Mã nên rất nhiều tranh Thần Vệ nữ - biểu tượng cho sắc đẹp, tình yêu và sự trù phú ra đời như: “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (của danh họa Ý Botticelli, năm 1480), “Vệ Nữ thành Urbino” (danh họa Ý Titian, năm 1538), “Vệ Nữ và Cupid” (danh họa Tây Ban Nha Velázquez, năm 1651), “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (danh họa Pháp Bouguereau, năm 1879)… Đối với nghệ thuật Phục Hưng, khỏa thân trở thành tâm điểm của sáng tạo nghệ thuật. Những đường cong tinh tế họa lại cơ thể của người phụ nữ, tôn vinh sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, đánh dấu một cuộc cách mạng trong nghệ thuật và được coi là một trong những điểm khởi đầu của mỹ thuật hiện đại.

Khỏa thân đã lôi cuốn cả nghệ sĩ lẫn người xem trong nhiều thế kỷ, cho đến nay nó vẫn là lĩnh vực gây nhiều tranh luận. “Sự khỏa thân lôi cuốn chúng ta vì một lý do rất đơn giản và hoàn toàn sâu sắc, đó là nghệ thuật về chính chúng ta - mọi người đều có một cơ thể…” - Justin Paton, Giám đốc Phòng Trưng bày nghệ thuật ở New South Wales, Sydney (Úc) phát biểu tại một cuộc triển lãm tranh nude gần đây. 

Những nền văn hóa khác nhau có quan niệm về vẻ đẹp khỏa thân khác nhau. Trong số đó có không ít nền văn hóa bài xích kiểu vẻ đẹp này. Các nước phương Tây cởi mở và phóng khoáng, đi tiên phong cho xu thế nude. Một số nước Hồi giáo lại buộc phụ nữ phải mặc trang phục che kín toàn thân, chỉ để hở khuôn mặt và rất nhiều điều cấm kỵ kèm theo. Xã hội Á Đông với quan niệm khắt khe lâu đời về sự cởi bỏ áo quần, nên trước đây, khỏa thân luôn là vấn đề “tế nhị” và nhiều định kiến. Tuy vậy, nhiều nghệ sĩ Việt vẫn mạnh dạn khai thác đề tài này. Không chỉ lĩnh vực hội họa, hình ảnh về thân thể trần trụi còn xuất hiện cả trong văn chương như trong thơ Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương hay thơ Hàn Mạc Tử.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Nên coi đề tài khỏa thân cũng bình đẳng như các đề tài khác, chẳng hạn phong cảnh, chân dung, tĩnh vật. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nghệ sĩ một năng lực đặc biệt, là phải dung hòa được yếu tố nhục cảm và mỹ cảm. Nếu đơn thuần nhục cảm thì không còn là nghệ thuật, nhưng nếu chỉ duy mỹ theo lối quá trong sáng thì có thể chọn đề tài khác thay vì đề tài khỏa thân”. Nhiếp ảnh gia Thái Phiên, người có 26 năm chụp ảnh khỏa thân cho biết, trước đây, việc chụp ảnh khỏa thân luôn bị xem là cấm kỵ. Vì vậy, cả người chụp lẫn người mẫu đều chịu áp lực, lúc nào cũng như đang giấu giếm, vụng trộm bởi sợ người khác biết được sẽ đánh giá là không tốt. “Dung tục hay đẹp đẽ cứ nhìn vào ảnh thì biết. Nghệ sĩ có thể nói dối nhưng tác phẩm thì không dối trá”, nghệ sĩ Thái Phiên nói.

Không thể phủ định rằng ranh giới giữa cái đẹp tinh tế, gợi mở những khát khao thánh thiện với sự thô thiển dung tục là rất mong manh, nó phụ thuộc rất nhiều vào tài năng, văn hóa, thẩm mỹ và thông điệp của người chụp cũng như sự giao thoa và cảm nhận của người thưởng lãm. Những quy chụp cho ảnh khỏa thân nghệ thuật là “dâm ô”, “đồi trụy” thể hiện tư tưởng lạc hậu, bảo thủ. Ranh giới nằm ở cảm nhận, nhận thức của người xem. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VHTTDL) thì: “Ranh giới nằm ở cảm nhận, nhận thức của người xem. Người xem bên cạnh kiến thức, họ phải tin vào các nhà chuyên môn. Những người chuyên nghiên cứu, sáng tạo thể loại này là người có kiến thức, hiểu biết về thể loại, đồng thời định hướng nghệ thuật”.

Triển lãm “Ảnh nude nghệ thuật” 52 tác phẩm của 10 nhiếp ảnh gia được trưng bày cuối tháng 7 vừa qua tại Hà Nội được các chuyên gia đánh giá là đã “cởi nút thắt cho ảnh nude nghệ thuật”, bởi đây là lần đầu tiên, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thực hiện một triển lãm chuyên đề ảnh nude, với quy mô lớn, lựa chọn tác phẩm của nhiều tác giả trên cả nước. “Ảnh nude vẫn được sáng tạo lâu nay, nhưng việc có một triển lãm thành chuyên đề riêng cho thấy xã hội đã coi ảnh nude bình đẳng như các thể loại ảnh khác”, ông Vi Kiến Thành nhận định.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Thạch Vân, Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Ta tránh né quá lâu cho một bộ môn nghệ thuật đã được thế giới công nhận từ lâu. Hãy khẳng định cái đẹp mang tính nghệ thuật về đường nét, bố cục, ánh sáng… của ảnh khỏa thân. Hãy đánh phá sự kỳ thị cũ, những quan niệm lỗi thời và lệch lạc về ảnh khỏa thân”. 

VŨ THANH HOA

.
.
.