.

Về với đất quê

Cập nhật: 06:59, 13/07/2018 (GMT+7)

- Mình ơi! Đưa tôi về đi. Anh em đồng chí đã về hết cả rồi. Một mình tôi ở lại đây, buồn quá!

Bà Tuệ giật mình tỉnh dậy giữa đêm khuya. Dạo gần đây, bà hay nghe tiếng thì thầm của chồng trong giấc ngủ. Căn nhà tối om. Tiếng dế ngoài vườn vẫn kêu ran không ngớt. Từng cơn gió nhẹ khua mấy tàu cau đầu hồi cọ vào nhau lạc xạc. Bà Tuệ vấn lại mớ tóc bạc, với tay bật đèn. Bà lật đật đi ra gian giữa, nơi đặt bàn thờ ông. Đốt nén nhang cắm lên, bà lầm rầm khấn:

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

- Ông ơi! Mấy mươi năm rồi, ông đi mà chẳng hẹn ngày về. Tôi cùng con cháu đã đi tìm ông không biết bao nhiêu lần mà chẳng thấy. Trường Sơn mênh mông, mấy mươi năm, biết bao đổi thay. Chỗ nào là chỗ cây gỗ hương đánh dấu nơi ông nằm xuống? Lần này, cháu con theo đoàn đi tìm mộ liệt sĩ lại vào trong đó, muốn đưa ông về cho gần anh em bầu bạn. Ông có sống khôn thác thiêng thì hiển hiện điểm chỉ nơi ông nằm xuống. Về quê sum họp nha ông.

Không gian tịch mịch. Đáp lại tiếng tỉ tê của bà chỉ là những tiếng dế kêu, tiếng lá ngoài vườn xào xạc. Bà đưa tay áo run run chấm giọt nước mắt từ kẽ mắt kèm nhèm. Năm đó, ông hăng hái lên đường nhập ngũ vào chiến trường chiến đấu. Bà bịn rịn tay ôm con nhỏ, tay dắt con lớn tiễn ông đi. Ông cười, hẹn bà ngày về sẽ cùng bà chăm lo cho các con, sẽ không để bà một mình vất vả nữa.

- Vậy mà ông đi luôn một lèo mấy chục năm rồi. Đất nước đã độc lập lâu rồi. Đồng chí của ông, người còn người mất cũng về cả rồi mà ông còn chưa chịu về.  Thằng cháu đích tôn của ông đợt này cũng đòi đi theo vào trong đó tìm ông. Ông nhớ phù hộ cho con cháu chuyến đi này được gặp như ý nguyện.

Bà Tuệ cứ ngồi trên chiếc ghế ngay cạnh bàn thờ mà thủ thỉ một mình đến gần sáng. Mấy hôm nay ông hay về trong giấc ngủ của bà. Hay là ông biết con cháu sắp đi tìm mình?

***

Bà Tuệ đã chuẩn bị sẵn những thứ bánh trái ngày xưa ông Minh thích. Bà gói ghém cẩn thận, dặn dò con cháu lời cầu nguyện, khấn vái để làm sao ông biết mà phù hộ. Bà gọi con cháu đến đứng trước bàn thờ, đốt nắm nhang, chia cho mỗi người một cây, nói đến trình diện trước ông. Bà cẩn thận đọc đầy đủ tên tuổi của từng người để ông nhận mặt cháu con khi gặp lại.

Đoàn đi xe một ngày một đêm thì tới nơi. Sau khi nghỉ ngơi ăn sáng, mọi người bắt tay ngay vào việc tìm kiếm. Người thương binh già - ông Nhân và là đồng đội của ông Minh, giở lại bản đồ đánh dấu nơi ông hy sinh trong trận đánh năm đó. Mọi thứ ngày một thay đổi. Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh, nhà cửa bắt đầu mọc lên, không còn hoang vu như xưa nữa. Từ chỗ dừng xe, đi vào nơi được đánh dấu trên bản đồ, thực sự theo cảm tính, cầu may mắn nhiều hơn là tính chính xác. Men theo đường mòn với hai bên là cây rừng rậm rạp, được nửa buổi, mọi người gần như mất phương hướng. Dấu chấm đỏ trên bản đồ cách nơi họ đang đứng xa hay gần? Đã gần trưa, nắng lên xiên chênh chếch qua những tán cây rọi loang lổ xuống mặt đất. Mọi người dừng lại ngồi nghỉ.

- Ông ơi, bố ơi, chúng ta đặt mâm cúng ở đây đi - đứa cháu đích tôn của ông Minh vừa lau mồ hôi đang chảy cay xè trên mắt vừa nói.

- Ừ, đặt ở đây cũng được. Ông con có linh thiêng sẽ giúp chúng ta. Ông Nhân vịn cánh tay duy nhất vào một thân cây lớn đứng lên, mắt hướng nhìn ra xung quanh. Rừng năm đó không xanh, không rậm như bây giờ. Rừng năm đó khét lẹt mùi khói, mùi bom đạn. Và cả mùi thịt da cháy xém. Một cánh tay của ông cũng nằm lại nơi này. Ông ngất lịm trong tiếng đạn bom xối xả. Khi tỉnh dậy bốn bề đã im lìm, toàn thân ông tê đi, nặng nề. Có cái gì đó đè nặng trên người ông.

- Ông ơi, mâm cúng đã chuẩn bị xong rồi. Con mời ông ạ!

Người thương binh già lặng lẽ gật đầu. Ông đốt nắm nhang, khói tỏa nghi ngút khắp khoảng không, rồi tan nhanh vào trong gió. Mắt rưng rưng nhìn mơ màng vào làn khói mỏng mảnh, ông nghẹn ngào:

- Ngày đó, nếu cậu không lấy thân che cho mình thì người nằm đây có lẽ là mình chứ không phải là cậu. Minh ơi! Cậu đã nằm lại nơi đây bao năm rồi. Đã đến lúc về lại quê hương rồi. Hôm nay mình và các con, cháu của cậu lại vào đây đón cậu. Mà cây gỗ hương nơi mình chôn cậu ngày nào giờ tìm hoài không thấy. Cậu hãy phù hộ cho mình tìm được cậu nhé.

Cắm những cây nhang vòng quanh mâm cúng, người đồng đội năm nào run run rót chén rượu, tay mân mê từng món bánh gai, bánh giầy...

- Toàn những món cậu thích ngày xưa. Chính tay vợ cậu làm đấy. Bà ấy cũng đã già yếu rồi, chỉ mong đón được cậu về để đoàn tụ. Về đi cậu!

Mọi người đứng sau ông, chắp tay yên lặng. Chờ những nén nhang cháy hết, tất cả sẽ bắt tay vào cuộc tìm kiếm. Đứa cháu mười tuổi thích thú với cảnh rừng già hoang vu với đầy những tiếng chim hót, tiếng cây rừng xào xạc. Bước chân nó bị cuốn hút theo những chú chim lạ. Đi được một đoạn thì mấy chú chim bay mất, đôi mắt nó lại mê mẩn bởi mấy nhành lan tím đang bung nở trên nhánh cây phía trước. Nó tiến lại gần và tìm cách trèo lên hái. Chới với. Bỗng: “Á”. Bịch! Thằng bé trượt tay té xuống, lăn vài vòng trên đất, rồi dừng lại khi vướng phải một gốc cây. Mọi người nghe tiếng kêu, vội chạy lại. May mà không sao, lá rừng đã đỡ nó. Nắng đã lên cao.

Mọi người ai cũng thấm mệt. Ngồi nghe tiếng gió vi vu luồn lách trong từng tán lá, người thương binh già chợt ngờ ngợ, hình như ông đang nhớ ra điều gì đó. Ông đứng dậy chầm chậm hướng về cái vũng trũng phía trước. Miệng ông lẩm bẩm: Liệu kia có phải là hố bom ngày ấy? Qua năm tháng gió mưa, nó đã được lấp gần đầy? Vậy thì cách khoảng mười mét sẽ là cây gỗ hương. Ông đảo mắt tìm kiếm. Đằng xa kia hình như có một cây gỗ hương thì phải? Ông lật đật tiến lại gần. Mà không phải! Cây gỗ hương ngày ấy cũng đã to gần bằng chừng này. Qua bao nhiêu năm, giờ nó phải cao lớn hơn thế này rất nhiều rồi mới phải. Ông chăm chú vào gốc cây lớn ngay trước mặt. Trong lòng bỗng dâng lên một cảm giác gì đó rất lạ. Lấy tay vạch lớp lá mỏng bên gốc cây, ông chạm phải một vật gì đó bằng kim loại ghim chặt vào đó. Người thương binh già reo vui, giọng run run:

- Phải! Đây rồi! Đúng là đây rồi! Các cháu ơi, đúng chỗ này rồi!

Mọi người vội xúm lại.

- Mảnh bom này, vết lõm này không thể nhầm được! Năm đó, mảnh bom đã cày từ chiếc hố kia, kéo một đường qua đây xén mất một phần gốc cây phía trước và găm sâu vào gốc cây hương này. Ta bị thương chỗ này. Ngày ấy… Nào, đưa đây, đưa chiếc cuốc cho ta.

Ông cầm chiếc cuốc bằng cánh tay còn lại, vội xới bên gốc cây. Mới chừng gang tay, lưỡi cuốc gặp đá nẩy văng lên. Ông buông cuốc, chỉ tay về bên kia gốc cây:

- Bên kia. Ta cùng anh em đã đào huyệt chôn ông ấy bên kia gốc cây bởi bên này bị vướng lớp đá này đây. Trời ơi. Người lính già lạc giọng:

- Vậy là mình đã tìm được cậu rồi, Minh ơi. Cậu còn nhớ trận đánh năm ấy không? Cậu còn hứa sau khi chiến thắng sẽ về nhà đi hỏi vợ cho mình mà.

Cánh con cháu và những người theo tìm mộ liệt sĩ cứ đứng lặng ngậm ngùi nghe người đồng chí hỉ hả với bạn mình về trận chiến ác liệt, về những mất mát hy sinh. Khi đào lên, cầm chiếc bình tông bị móp một bên, người thương binh già càng khẳng định chắc chắn rằng đó là hài cốt của ông Minh. Chiếc bình cũng được mọi người cẩn thận đặt vào trong chiếc tiểu sành, bên cạnh bộ hài cốt tìm được. Một cơn gió nhẹ lướt qua, lùa xào xạo lớp lá vàng rụng nhanh xuống đất.

Mọi người cùng con cháu rưng rưng đưa hài cốt của ông Minh về lại nghĩa trang quê nhà.

***

Buổi sáng cuối tháng Bảy, bà Tuệ ra nghĩa trang từ lúc trời còn mờ sương. Sau khi thắp nhang khắp lượt những dãy mộ được sắp ngay hàng thẳng lối, bà về lại mộ chồng. Khói nhang nghi ngút. Bà bày ra ít bánh gai, bánh giầy, mấy thức trái cây hái trong vườn. Bà thủ thỉ:

- Bánh tự tay tôi làm, ngày xưa ông thích nhất, giờ không biết ông còn thích nữa không? Cây trái trong vườn nhà cả đấy ông ạ. Ông về đây rồi, vui đoàn tụ bạn bè đồng chí, tôi cũng yên tâm. 

Bà Tuệ đưa bàn tay xương xương, nhăn nheo những đốm đồi mồi mân mê từng dòng chữ trên bia mộ. Bà lẩm nhẩm: Liệt sĩ Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1942, quê quán tỉnh X., huyện Y., xã X.Y., hy sinh ngày 28 tháng 6 năm 1972.

Nắng đã lên. Những tia nắng chiếu chênh chếch xuyên qua hàng phi lao quanh khu nghĩa trang. Bà Tuệ lặng lẽ đứng dậy nghĩ thầm: “Ông nghỉ đi, tôi về. Thi thoảng tôi lại ra trò chuyện cùng ông”.

Ngoài cổng đoàn học sinh ăn mặc chỉnh tề, sắp thành hai hàng ngay ngắn đang chuẩn bị vào nghĩa trang thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Truyện ngắn của LÊ CÔNG PHƯỢNG

 

.
.
.