.
TẠP BÚT:

Hoàng hôn trên Vịnh Hàng Dừa

Cập nhật: 06:59, 13/07/2018 (GMT+7)

Những buổi chiều tạnh ráo, tôi thường dẫn bé Đan Thy, cháu nội bảy tuổi của tôi, ra tập bơi ở Bãi Trước. Chiều nọ, tôi thấy nghệ sĩ nhiếp ảnh Đ.N. đang giương máy ảnh về phía biển bấm máy liên tục. Gặp tôi, anh dừng lại kể, mình muốn chụp một bức ảnh Hoàng hôn trên Vịnh Hàng Dừa, nhưng gần tháng rồi, chiều nào cũng ra đây chụp vài chục kiểu mà vẫn chưa được bức ảnh nào ưng ý.

Một góc Bãi Trước (TP. Vũng Tàu)
Một góc Bãi Trước (TP. Vũng Tàu)

Thấy tôi tỏ vẻ nghi hoặc, anh bảo, Bãi Trước còn có tên gọi là bãi Tầm Dương, nghĩa là tìm ánh mặt trời. Nhưng Bãi Trước còn có tên khác là Vịnh Hàng Dừa, nơi những con tàu neo đậu sau mỗi chuyến đi biển dài ngày. Bởi thế mình muốn chụp một bức ảnh có tiền cảnh là những chiếc lá dừa đang rủ xuống. Ngoài khơi là những con tàu và đoàn ghe đi đánh cá trở về. Nhưng trọng tâm của bức ảnh phải là ông mặt trời đỏ ối đang chìm dần ở chân trời phía Tây, hắt ánh hào quang vàng rực lên những tảng mây xoắn ốc đang nhởn nhơ bay lượn trên mặt biển. Để săn được bức ảnh nghệ thuật như thế đòi hỏi phải kiên trì phục kích,  chớp lấy những khoảng khắc.

Nghe nghệ sĩ nhiếp ảnh Đ.N. mô tả về bức ảnh nghệ thuật trong mơ, bất chợt tôi nhớ có lần đã chứng kiến cảnh tượng kỳ vĩ ấy. Nhưng tôi không phải là nhiếp ảnh gia nên đã bỏ qua cơ hội chụp một bức ảnh Hoàng hôn trên Vịnh Hàng Dừa mà nghệ sĩ Đ.N. đang tìm kiếm. 

Sau lần gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Đ.N., tôi có dịp tìm hiểu thêm về Bãi Trước qua một người bạn làm công tác nghiên cứu lịch sử ở địa phương. Anh nói với tôi rằng, Bãi Trước nằm ở khu phố cổ nhất của TP.Vũng Tàu. Phía trước là vùng cửa biển của sông Sài Gòn, nơi những con tàu lớn neo đậu sau mỗi hải trình để chờ dẫn dắt vào các cảng nội địa.

Theo những sử liệu còn lưu giữ, khi cuộc chiến của nhà Nguyễn chống nhà Tây Sơn còn đang diễn ra, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã tiếp cận vùng cửa biển kỳ vĩ này. Khi tàu cập bến, họ thấy cả một rừng dừa bát ngát mọc sát bờ biển, chạy sâu vào đất liền hàng trăm mét. Bởi vậy họ mới đặt tên cho vùng biển này là Vịnh Hàng Dừa.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm được Nam bộ, họ thành lập một nhóm hoa tiêu chuyên trách dẫn tàu từ Vịnh Hàng Dừa vào cảng Sài Gòn. Có vị trí đặc biệt quan trọng về hàng hải, lại là nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình, long chầu hổ phục, khu vực Bãi Trước nhanh chóng phát triển thành khu phố sầm uất với những công trình nổi tiếng được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như nhà dây thép (bưu điện), viện điều dưỡng (sau này là khách sạn Tam Thắng), nhà thờ lớn Vũng Tàu (đường Thống Nhất), Bạch Dinh (ven sườn Núi Lớn), tòa thị chính (nay là nhà số 1, Bacu). Sâu vào bên trong là hàng chục biệt thự PO được xây dựng dọc theo con đường gần bờ biển, tức đường Trần Hưng Đạo bây giờ.

Đối với người dân Vũng Tàu, Bãi Trước thân quen gần gũi như ao nhà, bởi nơi đây có bãi cát thoai thoải, hầu như quanh năm sóng yên biển lặng. Dẫu là người lớn tuổi, trẻ em, hay người chưa biết bơi vẫn an toàn khi tắm. Hiện nay, TP.Vũng Tàu đã xây dựng Bãi Trước thành công viên, trưng bày cả một vườn tượng giữa vườn dừa cùng các loại cây cối xanh tốt. Bãi tắm được dọn dẹp chỉnh trang sạch sẽ. Tàu, ghe của ngư dân được di dời vào cảng Bến Đình. Cạnh bãi tắm còn có những vòi nước miễn phí dành cho khách tắm biển tráng người khi lên bờ. 

Bãi Trước - Bãi Tầm Dương - Vịnh Hàng Dừa, đó là tác phẩm đặc sắc mà tạo hóa ban tặng cho Vũng Tàu.

TRẦN QUANG VINH

.
.
.