.

Những tình khúc mưa say đắm lòng người

Cập nhật: 09:55, 06/07/2018 (GMT+7)

Là quốc gia ở vùng nhiệt đới, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi: nhiều nắng mà cũng nhiều mưa. Với nông dân, mưa cho mùa màng tươi tốt, cây cối sinh sôi. Với nghệ sĩ, mưa là nguồn cảm hứng vô tận cho các sáng tác văn chương, thi ca. 

Ca sĩ, nhạc sĩ Vũ Cát Tường được giới trẻ yêu thích với bài Vết mưa.
Ca sĩ, nhạc sĩ Vũ Cát Tường được giới trẻ yêu thích với bài Vết mưa.

Để kể cho hết những ca khúc Việt viết về mưa là không thể. Mưa như những giọt nước mắt khóc cho cuộc tình tan vỡ, những cuộc chia ly trong lê thê nỗi buồn. Cần phải nhắc đến đầu tiên là nhạc phẩm bất hủ Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Nhạc phẩm được xếp vào hàng những ca khúc hay nhất của tân nhạc Việt Nam: Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi/Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi/Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu/Ai khóc ai than hờ!

Hầu hết những người yêu nhạc thế hệ trước đều biết nhạc phẩm Thà như giọt mưa của nhạc sĩ Phạm Duy là phổ từ thơ Khúc tình buồn của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, với những ca từ được coi là độc nhất vô nhị qua giọng ca của nhiều ca sĩ nổi tiếng: “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá/Thà như giọt mưa khô trên tượng đá/Thà như mưa gió đến ôm tượng đá/Có còn hơn không/Người từ trăm năm về như dao nhọn/Dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm..”. 

Mưa nửa đêm - một ca khúc buồn cũng được nhiều thế hệ yêu thích, có lẽ bởi bài hát đã diễn tả đến tận cùng tâm trạng khắc khoải buồn bã về nỗi lòng kẻ ở người đi, nhất là vào khoảng khắc đêm khuya: “Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi/Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang/Mưa lên phố nhỏ có một người vừa ra đi đêm nay/để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi…”. 

Đất nước Việt Nam nơi nào cũng có mưa, nên khoảng cách vùng miền, thôn dã hay phố thị cũng không còn quá cách biệt trong các ca khúc về mưa: Mưa đêm ngoại ô (Đỗ Kim Bảng), Mưa buồn tỉnh lẻ, Thành phố mưa bay (Bằng Giang)... thậm chí còn có cả Mưa phi trường (Việt Anh) kể về tâm trạng của chàng trai ra sân bay tiễn người yêu xuất ngoại, khi ấy mưa trời có thể dứt mà mưa lòng vẫn mãi rơi: “Em hôm nay đi về nơi rất xa/Anh bơ vơ giữa dòng người qua/Một ai đón nhau trên bờ vai/Mưa sao mưa rơi rơi mãi trong tôi/Em ra đi xa khuất chân trời”. 

Cố đô Huế được gọi là “thành phố của mưa” nên có rất nhiều ca khúc viết về Huế gắn liền với những cơn mưa, như: Mưa trên phố Huế (Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương), Mưa Huế (Võ Tá Hân), Mưa xứ Huế, (Nguyễn Anh Trí). 

Sau những ngày nắng nóng, cơn mưa bất chợt trút xuống đôi khi giúp ta có một khoảng trầm lắng để sống chậm lại, nhìn mưa bay giăng giăng ngoài phố, nhìn bầu trời như thấp xuống và tối mịt, những bóng người vội vã vụt qua trong mưa, để ngẫm nghĩ, liên tưởng về những kỷ niệm xưa, những ký ức vui buồn một thời: “Ngày xưa đôi ta bên nhau/Chiếc ô xoe tròn là bóng lá/Mong sao mưa thật lâu/Để cho đôi lứa bên nhau/Ngày nay đôi ta xa nhau/Vắng em anh nhìn từng góc phố/Từng đôi uyên ương bên nhau/Tròn xoe chiếc ô trên đầu…” (Mưa ngâu - Thanh Tùng). 

Mưa còn gợi nhớ về tuổi thơ, cái thời chạy chơi, đá banh hay tắm nghịch dưới mưa gắn với những hoài niệm về quê hương, gia đình. Mưa còn đưa ta quay về những kỷ niệm thời học trò thơ ngây, với những tà áo trắng trong suốt như mưa và những mối tình thơ dại: “Nhìn trên cao khoảng trời yêu mà em lỡ dành cho anh/Giờ mây đen quyện thành bão, giông tố đang dần kéo đến/Chồi non háo hức đang đợi mưa, rất giống em ngày xưa/Mưa trôi để lại ngây thơ trong giấc mơ buốt lạnh…” (Em gái mưa - Mr.Siro). 

Cái sự hồn nhiên ấy đã neo vào những trải nghiệm của đời người, tạo nên những hồi tưởng để cảm nhận, để ngộ ra những được mất, để hiểu và trân quý những gì đã có, kể cả những vỡ mộng đầu đời, những thất bại trong tình yêu và sự nghiệp, những chia ly và nhớ nhung... để mà “biết buồn” khi mưa rơi! “Em bước đi rồi ôi bao cơn mưa/Em bước đi rồi xin hãy xua tan đi em/Bóng dáng hình em, em đã mãi rời xa…” (Cơn mưa ngang qua - Sơn Tùng M-TP). 

Đó là một chuỗi quá khứ - hiện tại - tương lai được kết nối qua những cơn mưa thiên nhiên ban tặng: “Tưởng như rất gần mà ngờ đâu đã rất xa/Vụt mất theo cơn mưa ngày qua/Tưởng như rất lạ mà ngỡ đâu sao quá quen/Là lúc em ngang đời ta” (Dấu mưa - Phạm Toàn Thắng). 

Và phải chăng, khi “biết buồn” là khi ta đã trưởng thành? “Khi cơn mưa cuốn hết nỗi đau ấy/Anh sẽ quên, những yêu thương/Anh viết riêng cho em/Khi cầu vồng lên sau cơn bão giông/Anh sẽ đi qua yêu thương/Không còn vấn vương…” (Vết mưa - Vũ Cát Tường). 

Ai đó đã nói rằng “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Có lẽ, nỗi buồn diệu vợi mà chúng ta cảm nhận được mỗi mùa mưa đến đã hóa giải những chất chứa tâm sự trong lòng, trở thành nguồn sống và động lực để ta bước tiếp, để ta còn hy vọng vào một ngày mai nắng ấm… 

VŨ THANH HOA

.
.
.