Láng giềng
Minh họa của MINH SƠN. |
Một hôm, thằng Hào bảo:
- Đường sắp mở đến cửa nhà tao đó.
Nói rồi nó vênh cái mặt lên, vứt cái đầu lọc thuốc đang cháy dở xuống mặt nước. Khói tan vào làn nước xanh đục biến mất dưới nắng vàng.
Bên mé nhà tôi là một cái ao nước nhỏ có từ lâu. Một cái ao tù đúng nghĩa. Người thì bảo đây là một cái ao cũ từ ngày dân đi mở ấp, chắc là khúc suối ngày nào đó. Có người lại nói đây là chỗ đào đất đóng gạch của xí nghiệp gạch. Chỉ biết rằng lau lách thi nhau mọc lên. Đã lâu lắm chẳng thấy có ai nhận thầu. Một góc ao, rau muống nước nổi ngổ ngáo. Các loại nước thải mặc sức trút xuống nên chẳng có ai dám tìm đến buông câu.
Phía bên này có một dãy nhà cấp 4 lợp ngói đỏ. Nhà tôi chuyển đến đây muộn nhất nên phải ở chỗ gần bờ ao nhất, đất hay lở. Được cái, ba mẹ tôi đã xây kè chắc chắn bằng gạch đỏ. Bên kia ao chỉ có một căn nhà chắp vá bằng đủ thứ vật liệu. Mọi người bảo căn nhà ấy có từ lâu rồi, là nhà thằng Hào.
Giờ nghe nó bảo vậy, tôi chẳng thèm nói gì, chỉ nghĩ thầm: Đường có mở vào tận chân giường nhà nó cũng mặc.
Thế rồi, tự dưng một sớm, rất nhiều xe tải ở đâu ùn ùn kéo đến đổ đất lấp cái ao thật. Lúc đầu các xe còn mơm mớm ở góc nâng ben, có cả công nhân san lấp đất xuống. Sau này, khi đất đã nhiều, xe tiến ra xa hơn, nhấn chìm cả màu xanh lưu cữu và hôi hám. Thế là, cả khu bỗng rộn rã, người nọ hỏi người kia nhác nhác như chim muông nhưng chả ai biết lý do. Sau cùng, cũng gặp được một ông cai, tay đeo cái nhẫn vàng đính hạt đá quý. Ông cai bảo người ta đã đền bù cho nhà thằng Hào thỏa đáng rồi, nhà nó có sổ đỏ kín cả cái ao này. Giờ nhà nó được bồi thường một miếng đất sang mé bên kia. Mẹ tôi bảo hèn chi bữa trước thấy ông Hô, ba nó đi chiếc Dream tàu mới cứng, ai hỏi cũng lặng thinh kênh kiệu. Ba mẹ tôi sang nhà, gọi cửa mấy lần, ba nó cũng không thèm mở, chỉ văng ra mấy câu sặc mùi rượu vodka:
- Nhà ông bà đã bao giờ thò chân xuống ao đâu mà đòi chia phần, trong khi ba con tôi quanh năm ngụp lặn trong đó để bòn miếng ăn.
Ông ta nói cũng đúng. Ba tôi là ông giáo, quanh năm chả dám mặc quần cộc, áo ba lỗ. Mẹ tôi là nhân viên hành chính đánh máy chữ, sau này đưa thư báo cho một xí nghiệp. Nhà tôi làm gì cũng có nề nếp, sạch sẽ. Nhà Hào thì cái gì dưới nước cũng vớt lên, cái gì trên trời cũng vợt xuống, miễn là có thể ăn được. Cha con thằng Hào lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Mỗi nhà một kiểu. Nhưng mà, khi ba tôi kiếm được bàn cờ, thêm bình trà thì hai nhà vẫn qua lại, giao tiếp được. Cái thú vui tao nhã đó chả kén loại người nào.
Dần dà, đi lại nhiều thành quen. Một hôm, vừa leo lên khỏi kè gạch, ném lên sân con cá trê râu ria gớm ghiếc, đón tách trà từ tay ba tôi, ông Hô than sau này con út Huệ đến tuổi đi học thì gửi qua đây để được lây chút thơm tho của nhà giáo. Bùi tai, ba mẹ tôi quyết định đập bỏ cái kè gạch để bờ ao thoải xuống, cho ông Hào ghếch mũi con thuyền tôn lên mỗi khi qua chơi. Con người đã vậy thì sóng nước cũng được thể, năm này qua năm khác, vào mùa mưa, nước lại xói vào, bắt đầu là luống cải, thoắt đã đến ngày cái sân lở hết xuống ao... Có lúc, ba mẹ tôi cũng định xây lại, nhưng mà đập đi thì dễ, giờ tự dưng đi xây lại thì khó. Người ta lại bảo tiếc mấy mét đất mà gần nhà xa ngõ. Giờ mép nước đã vào đến chân nhà tôi. Ngồi nhìn qua cửa sổ, dưới bậu cửa đã là đất nhà ông Hô, mẹ tôi như lính nhà giàn lo giặc chiếm đảo.
***
Một năm sau, cái ngã sáu xuất hiện đúng giữa lòng cái ao ngày nào. Giờ thì giá đất phi mã lên gấp mấy lần. Nhà hàng, quán xá mọc lên nhộn nhịp khách. Thằng Hào thì mất mặt chẳng thấy đâu, Ông Hô khăn mặt vắt vai, ngồi vắt vẻo trên chiếc Dream tàu đợi khách đi xe ôm. Rồi những chiếc xe taxi bắt đầu xuất hiện. Ông Hô dần vắng khách. Được cái dù vẫn là nhà cấp 4 lợp ngói nhưng bên dãy nhà ông Hô nhiều nhà đẹp nên trông vẫn sáng sủa, còn dãy bên nhà tôi vẫn lụp xụp với những căn nhà ngói cũ kỹ. Giờ muốn nhìn sang bên nhà thằng Hào lại bị che khuất bởi những chậu hoa lúc nào cũng nở tươi thắm giữa bùng binh.
Vài năm sau nữa, mấy cửa hàng điện thoại của “Thế giới di động”, “FPT” mọc lên. Đám thanh niên trong khu tìm cách xoay sở sắm bằng được chiếc điện thoại thông minh để lướt web lên mạng chát chít. Hàng xóm láng giềng muốn qua thăm nhau lại ngại đi qua đường nên cứ ngồi nhà nói chuyện qua điện thoại. Rồi thì những cái cổng sắt, cửa sắt xuất hiện nhiều hơn.
Những ngày mưa gió, tôi hay nằm nhà ngủ nướng hoặc lướt facebook tìm bạn tán gẫu. Già trẻ, trai gái chẳng thiếu hạng người nào. Lắm khi nhìn như quý bà nhưng hóa ra lại chỉ là bà đồng nát quen mặt. Cuối cùng, tôi cũng gặp một cô bé có khuôn mặt dễ thương, có tên gọi “Ếch cốm”. Năm ấy, tôi đã gần ba mươi. Tối đến cứ cơm nước xong tôi lại vào phòng để trò chuyện với “Ếch cốm”. Cô bé lúc đầu còn dò hỏi nhà cửa, tôi chụp đại mấy căn biệt thự liền kề. Sau vài tháng, hình như cô bé chán tôi nên tôi hỏi gì thì trả lời nấy. Tôi đâm chán, tin nhắn thưa thớt dần...
Loay hoay với mấy cuộc tình không đâu vào đâu, tôi lại về chăm chú vào cái điện thoại. Mạng ảo, tôi hả hê đăng lên hình nền của mình một cái đầm sen. Lá sen xanh biếc, những bông sen hồng chấm phá tô điểm trên nền xanh ấy, một không gian thật yên bình. Không ngờ, “Ếch cốm” quay lại bình luận cái ảnh của tôi nhiệt tình. Tôi bảo đó là khu trang trại của nhà mình. Cô bé đòi tôi hôm nào dẫn đi xem.
Bẵng đi một thời gian, lại thấy có mấy người đến đo đạc mảnh vườn sau nhà tôi. Lại mở đường, lần này nghe nói đường rộng và giá đền bù giải phóng cao ngất vì đất này đã trở thành đất phố. Mẹ tôi cười tươi như hoa, miệng lẩm bẩm tính toán. Ba tôi thì trầm ngâm nhìn qua phía bên kia bùng binh. Tôi vui, sực nhớ ra “Ếch cốm”. Chả mấy nữa mà nhà tôi khá giả thật, gì chứ nhà lầu thì có chắc, chỉ cần đợi ba tôi đi xem ngày đẹp là khởi công. Một ngày, hai ngày, cô bé cũng hồi đáp: “Ba em bệnh”. “Bệnh sao?”. “Hôm trước, nhà bên làm đổ giàn giáo thủng mái nhà em, ba em leo lên xem nhưng trượt chân té xuống đất”. Tôi không dám hỏi tiếp. Tôi nghe nói mấy cô gái xinh, những lúc như vậy thường mềm yếu. Tôi nhắn tin hỏi nhà bé. Số nhà, tên đường nghe lạ hoắc. Kệ, tôi dắt xe phóng đi. Trời sầm tối, gió nổi lên giật tung các biển hiệu, mưa táp vào mặt, tôi bị bay mất cả cặp mắt kính cận. Chưa bao giờ, tôi rơi vào hoàn cảnh ấy. Đứng nép vào một mái hiên, tôi vừa bực vừa thấy giận mình về sự vội vã khi tin một người xa lạ. Bình thường, tôi chỉ gặp những người mình đã quen biết, hay chí ít đã biết nhà cửa hay chỗ họ làm việc, nhưng lần này thì...
Phải gần 10 giờ tối, tôi mới lần mò về đến ngã sáu. Cúp điện, xe cộ vắng tanh, phố xá im ắng lạ thường, thi thoảng mới thấy một chiếc xe máy lao vội qua. Tôi dắt cái xe bị xịt bánh dò dẫm định qua ngã sáu. Một chiếc ô tô từ xa đến, ánh đèn rọi đúng cái biển: đường Đinh Tiên Hoàng... Trời, vậy mà mình loay hoay kiếm cả buổi. Từ ngoài nhìn vào, tôi thấy “Ếch cốm” đang ngồi góc kia, cây đèn cầy đang cháy chập chờn trong gió. Ông Hô nằm im thở nhè nhẹ, đầu quấn băng. Tôi định bước vào nhưng đã kịp dừng bước thì nhìn thấy bên cạnh là một gã trai quay lưng ra choàng tay ôm lấy bờ vai “Ếch cốm”.
Trưa hôm sau, bác tổ trưởng tổ dân phố thông báo tin ông Hô qua đời. Bác tổ trưởng ý tứ xem ý nhà bên cạnh - nhà có cái giàn giáo đổ - để cắm nhờ cái cờ tang. Nhưng nhà ấy không chịu, bác đành cầm cờ về. Giữa trưa nắng, đứng ở bên này, ba tôi chạy ào qua ngã sáu. Mặc đám xe máy còi inh ỏi, thắng gấp dúi dụi, ba tôi giật lá cờ từ tay bác tổ trưởng rồi đi phăm phăm về nhà. Ông cắm cán cờ vào cái lỗ gạch sát vách nhà mình, miệng quả quyết:
- Ông Hô cũng từng là người phố này, bên kia không cho thì bên này nhận, ngã mấy thì vẫn là chòm xóm, láng giềng.
Trong nắng chiều, đoàn xe tang lễ đưa linh cữu ông Hô đi vòng quanh bùng binh, theo lối ra nghĩa địa thành phố. Đứng bên này, tôi vẫn nhìn thấy “Ếch cốm” mảnh khảnh đầu quấn khăn tang ngồi trên xe, bên cạnh là gã trai. Ơ mà sao gã cũng quấn khăn?
- Thằng Hào chứ ai.
Ba vỗ vai tôi rồi phóng xe chạy theo đoàn đưa tang. Tôi cứ đứng nhìn hoàng hôn khuất dần sau ngã sáu. Ngày xưa nơi ấy chỉ là cái ao tù.
Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG