.
TẠP BÚT

Cất vó

Cập nhật: 09:54, 06/07/2018 (GMT+7)
Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Trong các kiểu đánh bắt cá ở quê ngày xưa, “tiêu dao” nhất có lẽ là cất vó. Chiều hè, vác vó đi “cất rênh” dọc theo bờ ngòi ra đến gần đê để đón “tôm chạng vạng” thì thú vị lắm. Không biết mọi người thế nào chứ tôi ít khi đi “cất vó rênh” một mình mà thường đi với thằng bạn học cùng lớp. 

Dọc bờ ngòi, mỗi đứa một bờ, vừa cất rênh vừa nói chuyện. Những hôm như thế, thường tối muộn chúng tôi mới về. Chuyện tôm cá không nói vì hôm được hôm không, nhưng cái cảm giác thảnh thơi khi đi cất vó rênh chiều mát thì không thể quên được. Nếu “cất rênh” xê dịch thì “cất vó chỗ” là cố định. Thường thì người cất tìm một vị trí mà họ tin là có nhiều cá để đặt vó, rồi cắm một cái cọc để buộc giỏ đựng cá rồi thả xuống nước cho cá sống và ngồi yên vị. Người cất vó chỗ thường là người có tuổi chứ mấy đứa thiếu niên như chúng tôi thích đi rênh hơn. 

Kể trên là vó tay. Còn “chuyên nghiệp” hơn phải kể đến vó bè. Nếu vó tay chủ yếu để đánh bắt cá trong ao, trong đồng thì vó bè dùng để đánh bắt cá trên sông. Vó bè thì cố định. Vì vó lớn nên người ta phải làm cả một “giàn cơ cấu kéo đẩy” bằng tre. Gia công một bộ bè cất vó rất công phu và tốn kém. Trong làng tôi chỉ có vài gia đình có. Có câu “đủng đỉnh vó bè cất chơi” để chỉ sự “khoan thai” khi cất vó. 

Thực ra vó lớn, bè nặng nên đâu có cất nhanh được, phải kéo từ từ. Tuy nhiên, cũng như các loại vó khác, kỹ thuật không chỉ có thế, tùy lúc, tùy khi mà rảo tay kéo hay nhẹ tay kéo sao cho cá khỏi thấy động mà chạy, thấy vó mà nhảy. Vó tay cất lên cá dồn vào “tùng vó”, cứ thế là bắt; vó bè cất lên cá sẽ dồn vào cái giỏ buộc sẵn ở ... đáy vó. Chờ lâu lâu sau nhiều lần cất, xem chừng cá đã nặng giỏ, người cất chèo cái mủng nhỏ ra, gỡ giỏ lấy cá về. Ngoài cất vó tay, vó bè, ở quê còn có cất vó tôm, vó tép. Vó tôm, vó tép nhỏ, bằng vải mùng, dùng cám rang làm mồi để bắt tôm bắt tép ở ruộng lúa... Vó tép vó tôm thường do các bà, các chị đi cất. 

Ngày nay, ở quê không còn mấy ai đi cất vó nữa. Không phải vì ngoài đồng không có cá. Mương, ngòi cá vẫn có, thậm chí nhiều là khác, nhưng người ta chỉ “chích điện” thôi. Mặt khác, lũ trẻ mải học hành mà cũng chẳng có đứa nào đi mò cua bắt ốc. Thanh niên thì đi làm ăn xa cả, người lớn tuổi phần nhiều ít bước ra đồng, trừ đi thể thao vào chiều tối. Có vài ông dòng dòng thì thi thoảng “đi chích cho vui”... Thế là nghề cất vó mai một. Ông bạn kéo vó thời đi học của tôi giờ đã lên chức ông, ở nhà làm thợ xây, thi thoảng về quê gặp, chúng tôi lại nói chuyện thời cất vó rênh...

LANH NGUYỄN

.
.
.