.
TẠP BÚT

Mùi khói

Cập nhật: 08:08, 01/06/2018 (GMT+7)

Tôi có anh bạn vì đặc thù công việc nên thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Anh bảo, dù có đi đâu, hễ bắt gặp hình ảnh khói hun trên chái bếp, anh lại ngỡ như mình đang ở quê. Cảm giác yên bình ùa về trong tâm khảm. Tôi biết chắc chắn một điều rằng đó không chỉ là nỗi lòng của riêng anh. 

Ngày nhỏ nhà tôi đông con, ba mẹ phải gửi tôi nhờ ông bà ngoại nuôi giúp. Ông bà đã già nhưng ngày ngày vẫn chăm bẵm một vườn cây trái. Tôi không bao giờ quên được những chiều lộng gió, khi những chiếc lá khô co quắp rượt đuổi nhau loạt xoạt, tôi theo bà ngoại ra vườn quét lá, gom lại thành đống rồi châm lửa đốt. Lửa than rực đỏ mỗi lần bị gió xối. Mùi lá cây thơm nồng!

Tôi nhận ra đám lá mục phơi sương phơi nắng lâu ngày cháy chẳng đượm và dậy mùi như lớp lá mới. Lá bưởi thơm mùi tinh dầu, lá mãng cầu hăng hắc, lá ổi thơm thoang thoảng. Nhưng chỉ một lát sau, mũi tôi dù có nhạy đến đâu cũng không thể phân biệt được mùi riêng của từng loại lá. Nó chỉ còn là một mùi hương nồng nàn xen lẫn, lẩn quất trong áo quần tóc tai. 

Vào mùa Đông khan củi, ngoại tận dụng các loại lá ấy làm chất đốt. Sáng nào ngoại cũng trở dậy khi nghe tiếng gà đầu tiên báo sáng, lạch cạch chuẩn bị xoong nồi và bắt đầu nhen lửa. Tôi nghe rõ tiếng ngoại xoẹt que diêm, tiếng lép bép của đám lá khô ngoại dùng mồi lửa. Và khói - mùi của cỏ cây thân thuộc. Tôi trở dậy, mắt nhắm mắt mở bước ra sau chái bếp, múc gáo nước hoa cau đựng trong lu sành rửa mặt cho tỉnh ngủ. Món cơm chiên tóp mỡ ngoại vừa chiên vẫn còn hôi hổi nóng. Mùi hương cây lá dường như còn lẩn quất đâu đó trong từng muỗng cơm, từng hơi thở và trong cả nét cười dịu hiền của ngoại. 

Năm lên lớp 4, tôi trở về sống cùng cha mẹ và các anh chị em của mình. Dù nhỏ yếu nhưng tôi rất thích ra đồng với mẹ. Nhớ mỗi mùa đốt đồng, mẹ và tôi dùng chiếc cào tre nhỏ gom rơm rạ còn sót lại từ mùa gặt chất thành đống rồi đốt. Từ xa nhìn lại thấy không biết bao nhiêu những cái bếp mọc lên từ lòng đất. Nghe trong hơi gió mùi của khói, của đất, của rạ mới lan tỏa khắp nơi. Khói cay xè, mùi đất ngai ngái, mùi rạ mới ngọt dịu nồng nàn. Lúc gió thổi khói tan tác nối mây lên trời. Lúc lửa tàn khói bay lên trắng tinh khôi, thanh khiết dặt dìu, nhè nhẹ trôi vào miền nhớ của người quê. 

Trong không gian khói sương, tôi nghe rõ tiếng trẻ nhỏ đùa nghịch. Chúng tôi chạy quanh các bờ ruộng chơi trốn tìm với khói, thoắt ẩn rồi lại thoắt hiện giữa bao la khói. Đứa nấp bên hông trâu, đứa nằm ép xuống bờ ruộng, đứa nhanh chân chạy tìm gò đất. Lũ trâu chốc chốc lại dừng ăn nghển cổ gọi đàn. 

Hết trốn tìm, chúng tôi lại đi bới trong đống tro tàn những con cua đồng cháy xém, những hạt thóc sót sau mùa gặt đã nở bung trắng xóa. Rồi nào bắp, nào mỳ, nào khoai được chúng tôi vùi cả vào đám tro đang còn âm ỉ cháy. Chiều đến mặt mũi đứa nào cũng lem luốc. Suốt tuổi thơ, tôi vẫn tin rằng nếu nhắm mắt đứng giữa mùa đốt đồng sẽ gặp được ông Bụt, bà Tiên trong truyện cổ tích. 

Lớn lên đi học rồi đi làm, cuộc sống gắn liền với nhà trọ. Mỗi lần chuyển trọ, tôi chỉ mong gặp được khoảnh sân có cây trứng cá, cây bàng hoặc bất kể cây gì có bóng mát là sướng rơn. Tới mùa lá rụng, nó trút thật nhiều lá để mà quét mà đốt cho đỡ nhớ quê. Nhưng thành phố có mấy nhà đủ rộng, mấy gia đình đủ hào phóng cho đất trống mà trồng cây để quét lá. 

Thỉnh thoảng, tôi nhìn thấy sợi khói mong manh ấy cứ trôi trôi trong những giấc mơ. Đôi lúc khói bị gió thổi tạt về một hướng khác, nghe hăng hắc, nồng nồng. Tụi con nít hò nhau câu đồng dao quen thuộc: “Khói về bên đây/Ăn cơm với cá...”. Bỗng dưng, mắt thấy cay xè!

NGUYỄN HÒE

.
.
.