Từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh
Chuyển thể tác phẩm văn học thành phim là chuyện không hiếm trong làng nghệ thuật thế giới và Việt Nam. Nhưng vài năm gần đây, số lượng tác phẩm văn học nổi tiếng của các tác giả Việt Nam được chuyển thể thành phim ngày càng nhiều, tạo cơ hội cho đông đảo công chúng tiếp cận những tác phẩm có chất lượng. Trong đó, nhiều tác phẩm được khán giả đón nhận là tín hiệu đáng mừng cho văn học Việt.
Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là hiện tượng của điện ảnh Việt năm 2015. |
Tin vui cho những người hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi giữa tháng 5, Nhà xuất bản Trẻ (đơn vị phát hành và giữ bản quyền) cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chính thức ký hợp đồng chuyển giao tác phẩm văn học Ngồi khóc trên cây cho nhà sản xuất Chung Minh (Velo Entertainment) để thực hiện phiên bản điện ảnh của bộ phim này. Đây là tác phẩm thứ 3 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim điện ảnh sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua.
Tiết lộ về dự án điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học Nguyễn Nhật Ánh của Velo Entertainment, nhà sản xuất Chung Minh cho biết: “Chúng tôi muốn mang thêm một tác phẩm mộc mạc, nhân văn và giàu cảm xúc của Nguyễn Nhật Ánh đến với đông đảo bạn đọc trung thành của ông. Trong bộ phim lần này, hiệu ứng CGI (Computer-generated imagery - công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) sẽ được sử dụng rất nhiều cho những cảnh quay thể hiện phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Việt Nam kết hợp với việc xuất hiện của các loài thú rừng… Phần CGI này sẽ do các studio nước ngoài đảm trách. Đây sẽ là lần đầu tiên khán giả nhìn thấy một màu sắc rất khác của Nguyễn Nhật Ánh trên màn ảnh rộng, hiện đại nhưng vẫn gần gũi”.
Dự kiến, bộ phim với tên gọi ban đầu là Ngồi khóc trên cây sẽ được bấm máy vào tháng 9-2018 và công chiếu vào mùa hè 2019. Điều nhà sản xuất trông đợi vào sự thành công của Ngồi khóc trên cây không phải là không có cơ sở. Còn nhớ năm ngoái, Cô gái đến từ hôm qua đã được xem như “bom tấn” tại các rạp phim khi đạt doanh thu “không tưởng” là 50 tỷ đồng sau hơn 10 ngày công chiếu, trở thành một trong những phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Điều này cho thấy đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hoàn toàn “đúng hướng” khi quyết định chuyển thể từ truyện dài ăn khách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Trên thế giới có rất nhiều tác phẩm văn học cũng được đưa lên màn ảnh và khiến khán giả hào hứng đón nhận, thậm chí trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh, như: Những người khốn khổ, Cuốn theo chiều gió, Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình, Phía Tây không có gì lạ…
Ở Việt Nam, những tác phẩm đỉnh cao của văn học như Vợ chồng A Phủ, Mẹ vắng nhà, Chị Dậu, Làng Vũ đại ngày ấy, Thời xa vắng, Tuổi thơ dữ dội, Mùa len trâu… được chuyển thể thành phim và được dư luận đánh giá cao. Một số tác phẩm được xem như mốc son, là bước chuyển quan trọng trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Những năm gần đây, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đã trở thành một nhánh quan trọng của các nhà làm phim hiện nay, như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cánh đồng bất tận, Đảo của dân ngụ cư… Điểm chung của những bộ phim này là đã kéo được rất đông người trẻ đến rạp.
Văn chương và điện ảnh vốn có những điểm giao thoa, nhưng không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể bao trọn được công chúng của mình. Vì thế, dù ở phương diện thương mại hay nghệ thuật, phim chuyển thể từ truyện cũng là cách mở rộng biên độ người thưởng thức, tìm kiếm thêm đối tượng khán giả. Đây là cách khẳng định một lần nữa ý nghĩa của tác phẩm văn học, đồng thời là thách thức với các nhà làm phim trong việc lựa chọn tác phẩm chuyển thể, lựa chọn nhà sản xuất và đạo diễn để đưa tác phẩm văn học trở thành phim ăn khách.
Hy vọng, thời gian tới, khán giả sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều bộ phim hay được chuyển thể từ những tác phẩm văn học ăn khách.
AN HÒA
(Tổng hợp)