Chiếc ghe xuôi trên sông
Minh họa của MINH SƠN. |
Trưa nay có chiếc ghe xuôi về xóm Đậu. Sở dĩ xóm tôi có tên là xóm Đậu vì vụ gặt vừa xong, nông dân lại tảo tần cuốc đất đắp giồng trồng đậu. Đến mùa thu hoạch, ghe hàng bông neo lại bến quê thu mua đậu rồi đi bán lại cho các vùng lân cận kiếm lời. Tôi thường theo bà nội ra đồng hái đậu ngày mùa. Đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ vỏ giòn rôm rốp dưới cái nắng tháng hai, tháng ba hanh khô, tôi phải ngồi bóp cho vỏ đậu bung ra rồi trữ hạt trong mẹt tre. Đậu đũa thì tôi ngồi bó lại thành từng bó cho chủ ghe đến cân, năm nào sâu bệnh ít hoành hành thì năm đó nội tôi thu vào bộn tiền bù lại công sức nội bỏ ra chăm bón. Gặp phải năm trời hạn hán, sâu bệnh liên miên, đậu vừa nhú lên đã bị châu chấu, cào cào ăn sạch không còn một trái, nội tôi buồn bã thở dài.
Chiếc ghe quen quen trước mũi có vẽ hình hai con mắt sáng quắc neo lại ngoài bến nước. Trưa hôm đó, tôi ngồi dưới gốc cây dừa xiêm định bụng trèo tọt lên ngọn dừa hái một quả uống nước cho mát ruột, chợt nhìn thấy chiếc ghe cập bến, tôi hí hoáy chạy về gọi nội ơi nội à chuẩn bị chiều nay ra ghe mua vài thứ đồ dùng cần thiết kẻo khuya nay nước lớn chiếc ghe lại vội vã ra đi. Chiếc ghe đó của vợ chồng cô Hồng chạy từ miệt Vĩnh Long, Cần Thơ xuống tận xóm Đậu xa lắc. Vợ chồng cô Hồng sống bằng nghề buôn gạo, buôn muối, nước mắm, dầu lửa, vài khạp đậu nành để trước mũi và mấy buồng chuối thu mua suốt dọc đường để chênh vênh trên mui ghe. Cứ vài tháng, ghe cô Hồng lại tấp vào bến nước, khi thì neo lại vài hôm, khi neo lại một ngày chờ đến khuya nương theo dòng nước lớn bôn ba trên những dòng sông khác.
Xóm Đậu tách biệt hoàn toàn với cảnh chợ tấp nập, xô bồ, xung quanh được bao bọc bằng những cánh đồng mênh mông, những dòng sông uốn lượn giữa dải đất phù sa trù phú. Người dân quê tôi chân chất thật thà, sớm ra đồng, tối về lại sum họp bên chén trà thơm, bên ly rượu gạo. Trong căn nhà lá cạnh cánh đồng bên hè có cái lu sành quanh năm đầy nước, tôi cùng nội sống những tháng ngày an trú quá đỗi. Nội tôi ngoài bảy mươi, tóc bạc, lưng còng, đuôi mắt hằn sâu những nếp nhăn. Nhiều lần tôi thấy nội ngồi bên hè một mình, mắt buồn buồn, tôi khẽ hỏi: “Nội lại nhớ cô Út nữa à?”. Nội tôi ho một tràng dài thay cho câu trả lời. Tôi không nhớ cô Út đã rời nhà năm nào, hình như hồi đó tôi còn bé xíu, chiều chiều ba lại cõng tôi ra đồng vừa giật dây diều vừa bón từng muỗng cơm chan nước cá kho cho tôi. Ký ức còn sót lại trong đầu tôi về cô không nhiều. Người cô có vóc dáng thon thả, nước da bánh mật, mái tóc phía trước cô cắt ngang chân mày che khuất vết sẹo dài màu nâu đất trên trán. Có lần tôi hỏi nội cớ gì trán cô Út lại trơ trơ vết sẹo? Nội kể, một chiều cuối năm cô bưng mớ chén xuống cầu ao để rửa, không may trượt chân, trán cô đập vào khúc gỗ trên cầu, máu tuôn ướt đẫm. Vết sẹo tồn tại trên trán cô Út tôi từ đó, vết sẹo vĩnh hằng cùng thời gian... Ba tôi theo ghe đi làm tận xóm Rèn xa lắc, mỗi tháng về một lần. Tôi ở nhà với nội, đêm tôi ngủ cùng nội, tôi đã quen dần với mùi hương phảng phất chút dầu cù là tỏa ra từ cơ thể người già lưng còng tóc bạc. Tôi cũng quen với việc lấy hũ dầu cù là trên đầu giường bóp tay bóp chân cho nội trước khi đặt lưng xuống giường. Những ngày trời trở gió, khớp tay khớp chân bà nội lại nhức lên từng cơn, nhoi nhói. Nhìn nội lên xuống bậc thềm bất giác tôi lại thấy lòng mình bất an. Tôi sợ một lúc nào đó nội sẽ không còn ở bên tôi nữa, chắc tôi sẽ bơ vơ như cánh chim trời.
Nội tôi sinh được ba tôi và cô Út. Ba tôi thì đi làm xa, cô Út cũng biến mất khỏi xóm Đậu trong một đêm gió lạnh. Trong căn nhà chỉ còn tôi với nội, bữa cá bữa rau, những đợt gió lùa vào nội lấy bờ lưng gầy còm che chắn cho tôi đỡ lạnh. Tôi hỏi nội có nhớ cô Út không, nội bảo: “Nhớ chứ, hồi đó nó đòi lấy thằng chồng trôi nổi sống đời gạo chợ nước sông, tao không cho, lênh đênh vất vả lắm con à, tao kiên quyết ngăn cản rồi nó dứt ruột bỏ tao mà đi”. Nội kéo vạt áo lên khẽ khàng lau nước mắt...
Ngần ấy năm, cô Út vẫn chưa chịu quay về. Nội buồn đứt ruột, nội sụt sùi: “Không biết con Út đi đâu đến giờ vẫn chưa chịu về, không biết nó còn sống hay đã chết, tao nhớ nó quá!”.
Gió chiều thổi nhẹ, nội tôi xách cái thúng nan ra bến nước mua vài vật dụng cần thiết. Nội đi trước, tôi đi sau. Đường ra bến nước không xa, đi tắt qua cánh đồng, con đường mòn hai bên đường tre tầm vông mọc đầy tạo thành lũy tre lưa thưa, rung rinh gió. Mặc dù ghe hàng cô Hồng neo lại bến nước ngót nghét cũng hơn chục lần nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt mũi cô, chỉ nghe tiếng nói cô từ trong ghe vọng ra trong se, dịu dàng như thể cô còn rất trẻ. Chồng cô Hồng có mái tóc xoăn tự nhiên, sương gió nắng mưa nhuộm ngâm làn da của người đi sông vượt nước. Tôi gọi người đàn ông ấy là “chú Hai” (cách gọi thân mật của người miền Tây), xưng “con” ngọt sớt. Chú Hai có nụ cười chân chất, có giọng nói giòn giã mà nghe “lọt lỗ tai”. Lần nào ra bến nước mua nước mắm, đậu tương cho nội, chú Hai cũng dúi vào tay tôi mấy viên kẹo xanh đỏ bọc đường.
Tôi với nội đứng trên bờ, tôi gọi chú Hai ơi chú Hai à mấy lần mà không nghe chú lên tiếng. Một lúc sau cô Hồng trong ghe mới lên tiếng: “Khổ quá, đi tới đây cái máy lại hư. Nhà con đi đò dọc ra chợ xã mua đồ về sửa chữa, cơ chừng tối mịt mới về”. Nội tôi tháo cái nón lá để trên bãi cỏ cẩn thận bước xuống mũi ghe, ngồi bó gối. Nước sông róc rách vỗ vào mạn ghe, nội tằng hắng mấy cái cho thanh giọng rồi buột miệng: “Sao cô không ra ngoài này ngồi cho mát, trong ấy muỗi, lại hầm hì nực nội”.
Cô Hồng khẽ cười, những vệt nắng cuối chiều nghiêng nghiêng trên sông thi thoảng rọi qua khe hở thành ghe soi vào bên trong lấp loáng. Ngẫm ngợi giây phút, nội tôi hỏi tiếp: “Mà hồi đó tới giờ tôi chưa thấy mặt mũi cô Hồng à nghen. Sao cô cứ ở trong ấy miết, ngoài này có nắng nôi gì đâu mà sợ ngâm da?”. Nghe nội tôi nói, cô Hồng lại cười, lại thở dài rồi đáp: “Dà... Mặt mũi con xấu xí lắm dì ơi, ra đó bà con nhìn thấy chắc họ chạy mất dép, không mua đồ dưới ghe con nữa chắc vợ chồng con chết đói!”.
Nội tôi nói giọng ẩn chứa sự bao dung vô lượng: “Ai nỡ làm vậy bao giờ? Xấu đẹp có ăn thua gì, người xóm này cũng bần cùng đầu bù áo rách thôi cô ơi!”. Cô Hồng im lặng, trên trời, một đàn két đen bay ngang vã ra vài chiếc lông theo gió bay về đâu chẳng biết. Hoàng hôn buông dần, nước sông dềnh dàng, hoàng hôn đỏ hoét dưới đáy sông trông như có ai đốt đống than hồng vùi dưới lòng sông sâu thẳm. Nội tôi gỡ cái khăn choàng trên cổ huơ huơ đuổi mấy con thiêu thân bay là đà trước mặt, động tác của nội yếu đến nỗi chiếc ghe không thể chòng chành. Ngưng giọng một lúc lâu, cô Hồng lại nói: “Mà... cũng vì con còn mắc nợ một người...”, đến đây, giọng cô Hồng khản đặc. Hình như cô Hồng đang khóc. Hình như cô Hồng đang nhớ lại câu chuyện buồn bã của cuộc đời mình, buồn như hoàng hôn chết lặng phía chân trời xa tít, buồn như cuộc đời giông bão của nội tôi. Nội an ủi: “Ai cũng có cái buồn của riêng mình cô à! Ví như tôi đây nè, hồi đó tôi có đứa con gái út giọng nói y chang như cô vậy nè! Rồi một đêm nó bỏ tôi mà đi, không biết nó đi đâu, đi với ai, còn sống hay đã chết. Đau lắm cô ơi!”.
Nội tôi lại khóc. Không hiểu sao tôi lại sợ nhìn người già rưng rưng đến thế. Tháng năm nào người ta đã nếm trải vô vàn gió giông, đau khổ, để khi già nua lại lao đao đi tìm bình an cho riêng mình. Mà gạo, muối, mắm, đường thì người ta đổi trao, buôn bán, còn bình an thì ai bán bao giờ?
Màn đêm buông lơi, một làn khói sương bao phủ trên dòng sông chảy xuôi qua xóm Đậu. Cô Hồng vẫn chưa chịu lên đèn, tôi nghe tiếng quạt mo xoành xoạch, đoán biết cô bị lũ muỗi đòn xốc vây bủa như tổ ong. Rồi cô Hồng hỏi ngược lại nội tôi: “Giả dụ bây giờ con gái dì trở lại, dì có tha thứ cho lỗi lầm của nó năm xưa hay không?”. “Có chứ cô. Vì nó là đứa con gái mà tôi dứt ruột đẻ ra, dù nó có hư đốn hay lầm lỗi cỡ nào thì tôi cũng bao dung đón nó trở về”, nội thở dài thườn thượt, tiếp: “Tôi như sợi dây đàn sắp đứt rồi cô ạ, không biết có còn đợi được đến ngày nó quay trở về nhà nữa hay không”.
Trong ghe, tiếng khóc nức nở vẳng lên. Tiếng khóc của cô Hồng, đục ngầu, đau xót. Tiếng khóc ẩn chứa biết bao điều mà cô Hồng có nói ra bằng lời cũng chưa đủ, chưa thỏa bấy nhiêu năm lang bạt kì hồ, xa quê hương xa người già tội nghiệp. Cô vừa lom khom chui ra khỏi bóng tối đặc sệt của chiếc ghe, vừa mếu máo như một đứa trẻ: “Má ơi, con... con Út của má ngày xưa đây nè!”.
Tôi đứng trên bờ mà tim như ngừng đập. Có ngọn gió nào thổi vào làm khóe mắt cay cay?
“Trời ơi, Út của má. Hóa ra bấy lâu nay con ở dưới chiếc ghe này hả con, sao không chịu ra gặp má để má chờ má đợi, đợi đến mỏi mòn”, nội vừa nói vừa trờ tới áp hai bàn tay vào khuôn mặt u buồn của cô tôi. Bây giờ cô Út không còn cắt mái tóc ngang chân mày che lấp vết sẹo màu nâu đất như thời xuân trẻ, cô xước mái tóc ngược ra phía sau rồi quấn gọn chỗ gáy. Trên trán cô, tôi vẫn trông thấy vết sẹo ngày nào. Vết sẹo vĩnh hằng, vết sẹo mà thời gian có phô bày tất cả mọi uy lực cũng chẳng thể nào bôi xóa. Cô tôi nức nở: “Lần nào ghé đây con cũng lén nhìn má, con muốn ôm má, muốn gọi má ơi như ngày trước. Mà... con không đủ can đảm”. Nội tôi ngùi ngùi xúc động, xoa đầu cô tôi rồi kéo vào ngực bà.
Lát sau, cô Út kịp nhìn thấy tôi đang đứng trên bờ, khóc mướt. Cô Út nói: “Rơm đây à, lớn quá rồi, suýt chút nữa cô Út nhận không ra con luôn rồi đó!”. Tôi cười, dẫu chỉ là gượng gạo...
Nội nài nỉ: “Từ mai, vợ chồng bây dọn lên nhà ở luôn với má, lang thang hoài cực lắm. Má già rồi, sống được với chúng bây ngày nào thì hay ngày đó”. Cô Út gật đầu. Xa xa, tiếng cúm núm kêu sương rộn rã trong màn đêm. Đến bây giờ, tôi mới nhìn thấy được niềm vui của nội. Niềm vui không phải bằng nụ cười trên môi mà bằng ánh mắt ngập tràn sung sướng, hạnh phúc.
Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY