.
TẠP BÚT

Đánh dậm

Cập nhật: 09:53, 08/06/2018 (GMT+7)

Tôi sinh ra ở nông thôn, cha mẹ tôi là nông dân. Vì vậy mà ngay từ còn bé, tôi đã là một đứa trẻ của đồng ruộng. Còn nhỏ thì theo mẹ đi làm cỏ lúa, lớn chút, biết giữ một đầu dây gầu thì... giữ nhịp cho mẹ tát nước vào ruộng.

Đồng quê xưa lắm cá, nhiều tôm, chưa nhiều thuốc trừ sâu như bây giờ. Ngoài hạt gạo ra, thức ăn hàng ngày là rau ngoài vườn và cá ngoài đồng. Ngày đông thì đi cắm câu, thả rọ; ngày hè thì đánh dậm, kéo vó. Riêng câu cá thì tôi không bằng em mình. Nó “sát cá” hơn tôi nhiều, cứ mang cần đi thì thế nào cũng có cá đem về. Mẹ bảo tôi là đồ “bồ nông cả mỏ”, khó kiếm ăn.

Trở lại chuyện đánh dậm. Tôi không nhớ mình bắt đầu đi đánh dậm từ bao giờ, chỉ nhớ rằng năm học lớp 5, tôi đã cùng với bạn bè vác dậm “đi càn” rồi. Chúng tôi thường ra ngòi nước để đánh dậm. Mấy con ngòi ngoài đồng làng tôi ngoằn ngoèo theo thế đất, cũng không sâu. Những khúc quanh thường nhiều tôm, cá, nhất là gần các trại ngoài đồng, vì nơi đó có cây mọc lòa xòa ra cả mặt ngòi, cá hay tụ về tránh nắng.

Sau này, người ta nắn lại kênh mương, đào ngòi thẳng lại, nước chảy tuột, lại sâu hút nên việc đánh dậm cũng khó mà cá cũng ít dần. Nhưng lại nhiều tôm theo nước sông vào. Vậy là chúng tôi chuyển sang “chần tôm”. Cũng là đánh dậm thôi, nhưng nước sâu, người thấp không đánh được. Cách đánh cũng khác, phải đặt “ùng ục” (mõ dậm) ra xa rồi đạp mạnh sát đất mà dồn tôm chạy vào dậm.

Đó là  chuyện “đánh dậm đơn”. Còn đánh “hội đồng”, nghĩa là nhiều dậm cùng lúc nữa. Cái này gọi là “càn”. Một lũ dăm bảy đứa trẻ xếp dậm chắn ngang một đoạn ngòi rồi dùng mõ dậm dàn hàng ngang cùng tiến đến cửa dậm. Sau đó, dậm của đứa nào, đứa ấy nhấc lên, bắt cá... Đi “càn” vui lắm, vì vừa đánh vừa hò hét. Hồi còn nhiều cá, đạp mõ gần đến dậm, cá còn nhảy lao xao. Thế là cả lũ nhào vào vồ...

Hết buổi đánh dậm, chúng tôi lại rủ nhau đi tắm, đi bơi. Tôi chỉ biết bơi sấp, còn bơi sải thì kém nên thường thua khi bơi đua với lũ bạn. Giờ đây, đồng làng nhiều nơi còn rất ít cá, người đi đánh dậm cũng ít dần. Có lẽ đến một lúc nào đó, chiếc dậm chỉ còn là hình ảnh trên sách vở và trong những hoài niệm.

LANH NGUYỄN

.
.
.