Ninh Vân của tôi
Lên 7 tuổi, tôi biết mình không phải con đẻ của ba. Hơn 30 năm đã trôi đi, vậy mà ký ức về cái đêm khủng khiếp đó với tôi vẫn như ngày hôm qua. Đêm ấy, tôi bị lôi giật dậy bởi cuộc cãi vã của ba mẹ. Tôi rủn cả người nghe ba rít lên: “Nó không phải con tôi, tôi biết điều ấy lâu rồi nhưng vẫn nín nhịn cho qua, vì nghĩ đó là do hoàn cảnh xô đẩy nên cô mới làm vậy. Nhưng cô quá quắt còn lén đi gặp cha nó thì tôi không thể im lặng mãi được. Điều đó chứng tỏ cô có tình cảm với nó. Bỉ mặt tôi quá lắm. Tôi không chịu nhục thế mãi được”.
Minh họa của MINH SƠN |
Mẹ không nói lời nào, chỉ ngồi khóc nức nở. Mẹ hình như cố nén những cơn nấc có thể vì lo anh em tôi bị đánh thức. Không hiểu sao ngay lúc đó tôi đã biết rằng “nó” chính là tôi. Mặc dù chưa bao giờ tôi phải chịu tủi thân vì sự đối xử thiếu công bằng của ba. Đúng hơn, người mà lâu nay tôi vẫn ngỡ là ba đẻ của mình.
Những ngày sau đó, không khí nhà tôi giống như một vở kịch câm. Ba lầm lì không nói lời nào, chỉ nốc rượu và khi say thì lăn ra bất cứ chỗ nào mà ngủ. Mẹ cũng hầu như không nói, chỉ lặng lẽ nấu đủ ngày 3 bữa cho cả nhà, gồm ba và đàn con 5 đứa lốc nhốc. Anh hai tôi năm đó mới lên 10. Tôi là thứ tư. Sau này lớn hẳn, tôi nghĩ quả thật là ba đã rất đại lượng với mẹ, bởi sau tôi, ba mẹ còn sinh thêm hai đứa em gái nữa. Tôi cũng biết rõ hơn nguyên nhân sự có mặt của tôi trên cõi đời này. Đó là thời kỳ rất khó khăn của gia đình tôi. Ba tháo vát nên thành lập một hợp tác xã may gồm 20 nhân công. Công việc nhiều, xưởng may lúc nào cũng rào rào tiếng máy. Nhưng rồi ba phá sản, phải ngồi tù một năm. Một tay mẹ tôi vừa lo kiếm sống nuôi hai đứa con thơ dại, vừa lo chạy vạy tiền bạc trả nợ cho ba. Mẹ đã phải bán đi cả chiếc nhẫn cưới. Người đàn ông xuất hiện đúng lúc đã kéo mẹ ra khỏi cơn khốn khó. Và tôi đã ra đời từ một cơn yếu lòng của mẹ. Cũng có thể nói là từ lòng biết ơn chăng?
Nhưng vết thương dù nhức nhối đến mấy cũng lành miệng qua thời gian. Dần dà, gia đình tôi trở lại không khí đầm ấm như xưa. Ba đã thêm một lần nữa tha thứ cho mẹ. Chỉ có tôi, không còn như đứa trẻ bình thường nữa. Nhiều ngày ngồi trước bàn học mà không có chữ nào chui nổi vào đầu, tôi vơ vẩn thầm so sánh xem mình có những điểm gì khác với anh chị em trong nhà. Và tôi bàng hoàng nhận ra, tất cả bọn họ đều có làn da trắng, đối nghịch tuyệt đối với màu da đen đúa của tôi. Tôi muốn thoái thác sự thật. Nhưng không thể.
Tôi đã lớn lên trong sự trầm mặc của chính bản thân mình. Càng ngày, nỗi buồn càng như trì níu con người tôi. Bản thân học rất giỏi và cũng thuộc loại được giai nên nhiều cô gái yêu thầm nhớ trộm. Nhưng chưa bao giờ tôi được hưởng cảm giác ngây ngất trước một người con gái. Tôi không thể hiểu được vì sao những bạn trai cùng trang lứa có thể đứng hàng giờ chờ đợi hay bơi qua cả con sông sang bên kia bờ để hái tặng bạn gái một bó hoa thạch thảo còn đẫm sương đêm. Một lũ rắc rối phiền phức. Tôi gọi bọn con gái trong cái cụm từ đó. Mặc dù, tôi cũng không sống thiếu cái hội rắc rối phiền phức đó.
***
Nhưng 26 tuổi thì tôi đã có một bước đại nhảy vọt trong tâm thức. Lần đầu tiên tôi nghe lòng mình thắc thỏm trước một ánh mắt nai nai. Em là diễn viên chưa tên tuổi của đoàn kịch thành phố. Cuộc sống của một thiếu nữ từ quê ra thành thị thiếu đủ trăm bề nhưng nụ cười của em chưa bao giờ nhuốm màu lam lũ. Tôi say em như điếu đổ và tôi đã muốn tính chuyện lâu dài với em. Đến mức, tôi đã đem em về ra mắt mẹ.
Phản ứng của mẹ khiến tôi sững sờ mất cả tuần sau đó. Mẹ kiên quyết phản đối em. Mẹ đưa ra rất nhiều lý do. Nhưng lý do khiến tôi hoang mang nhất chính là: đàn bà mà hay cười một mình như vậy thì chỉ có thể là người trắc nết, không sớm thì muộn cũng sẽ… cắm sừng chồng mình.
Nhưng tôi vốn ương ngạnh. Và tôi đi làm khá lâu, kiếm được tiền đủ để không cần xin mẹ, dù là để tổ chức đám cưới cho mình. Vả lại, điều này thì tôi chôn sâu trong lòng, tôi đã âm thầm hận mẹ kể từ sau cái đêm định mệnh đó. Vì thế, mẹ càng phản đối, tôi càng muốn hành hạ mẹ. Tôi đã cưới em thật nhanh, nhanh hơn chính dự định ban đầu của tôi. Khi em còn chưa tròn 20.
Những ngày mật ngọt sao mà trôi qua chóng vánh đến vậy. Chỉ sau vài tháng chung sống, tôi đã đành âm thầm tự công nhận mẹ có lý. Tôi đã không may mắn có được một người vợ biết vun vén. Vả lại, công việc và nền tảng văn hóa của chúng tôi khá vênh nhau nên càng ngày vợ chồng càng giống như hai đường thẳng song song. Thêm nữa, khoản tiền kiếm được mỗi tháng của tôi tuy không hề ít nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu đua đòi của em. Không khó khăn để vợ tôi ngả vào lòng một tay buôn bất động sản cự phách tuổi ngoại ngũ tuần.
***
Rượu cũng không giúp tôi tìm quên được trong những ngày địa ngục đó. Tôi buộc phải ôm mối hận một mình, không thể chia sẻ với người phụ nữ tôi vẫn coi là thân thiết nhất của đời mình, đồng thời tôi cũng oán hận sâu sắc, là mẹ. Nhưng mẹ đã không bỏ rơi tôi những tháng ngày khó khăn đó. Và tôi đã chậm chạp trở lại với cuộc sống thường nhật, nhờ sự ân cần của mẹ. Có điều, lòng tôi vốn đã rách rướm nay được bổ sung thêm vết thương quá đau, lúc nào cũng chực ngoác miệng cuốn tuột cả đời tôi, lang thang vô định…
Đúng lúc này, tôi gặp em. Ninh Vân của tôi. Lòng tôi thầm réo gọi tên em. Nhưng quả thật tôi không biết đến bao giờ mình mới đủ can đảm để vượt qua nỗi đau quá sâu trong lòng mình, mà đến bên em. Tôi không dám thả liều trái tim đau.
Còn rất trẻ nhưng Ninh Vân dường như hiểu tôi hơn bất cứ một người đàn bà nào đi ngang đời tôi. “Đời tôi đó có em ra vào”. Tôi thầm nhẩm trong lòng câu hát của Quốc Bảo. Tôi sẽ rất thiếu thốn nếu một ngày nào đó em không còn quanh quẩn bên tôi. Nhưng tôi cũng chưa biết làm sao để mở lòng, để thốt ra được lời yêu thương. Thẳm sâu, tôi cũng có những đề phòng về một sự đổ vỡ biết đâu sẽ xảy ra trong tương lai. Tôi sợ cảm giác phải gượng nhặt lại từng mảnh vỡ tâm hồn mình, sau từng cuộc tình.
Ngay cả với người vợ của ngày xưa yêu dấu tôi cũng chưa bao giờ có cảm giác muốn chia sẻ về nỗi đau chôn chặt mấy chục năm nay. Ninh Vân đã nghe câu chuyện buồn đặc biệt của tôi hết sức chăm chú, nước mắt lặng lẽ lăn dài trên má. Rất lâu sau, em nói: “Chuyện của mình làm em nhớ đến bộ phim “Đường Sơn đại địa chấn”. Có một cô bé con nhà công nhân đã thoát chết trong trận động đất lịch sử năm 1976 ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cô đã may mắn được một gia đình quân Cách mạng nuôi nấng thành người. Trong mấy chục năm đó, có rất nhiều cơ hội để cô bé tìm lại gia đình lưu lạc của mình. Nhưng cô đã chưa một lần làm điều đó. Bởi vì cô gái ấy đã lớn lên với một mối hận sâu trong tim, đó là khi hai chị em bị vùi trong căn nhà sập, đội cứu hộ đã yêu cầu mẹ họ chọn một trong hai đứa con để họ cứu, vì họ chỉ có thể cứu một đứa mà thôi. Người mẹ sau cùng đã quyết định cứu cậu con trai. Những giọt nước mắt lăn dài trên má cô bé còn tiếp tục lăn mãi trong cả cuộc đời mấy chục năm về sau. Cô đã không thể tha thứ cho mẹ mình. Cho đến một ngày, nhiều chục năm sau, tình cờ cô biết được suốt phần đời còn lại mẹ mình đã tự trách móc bản thân vì không thể cứu được đứa con gái. Đến mức bà tự hành hạ mình, kiên quyết không nhận lời đi bước nữa với bất cứ ai, cam lòng sống trong cảnh cô quạnh nơi miền quê heo hút. Và cũng lúc ấy cô bé năm xưa mới biết rằng mỗi năm, mẹ vẫn mua thêm một bộ sách vở cho mình, giống y hệt của đứa em trai song sinh, đặt trước phần mộ của đứa con gái mà bà ngỡ rằng đã chết. Tim cô vỡ ra vì đau đớn, vì ân hận. Vì cô chợt ngộ ra một điều bấy lâu mình đã ôm mối hận rất đáng phỉ báng. Giả sử lúc đó mẹ chọn cứu cô thì đứa em trai phải chết. Cô đã sụp lạy mẹ mình và thốt lên: Con sai rồi. Nó là em con. Tại sao bao nhiêu năm con không nghĩ ra điều đó, mẹ ơi…
Tôi chợt nghĩ đến mẹ. Mình sai rồi. Mình chỉ mải miết theo đuổi nỗi đau của riêng mình. Đã bao giờ mình nghĩ đến tâm trạng của mẹ, trước và sau khi có mình? Tại sao mẹ quyết định giữ mình, khi mà bà hoàn toàn có thể chối bỏ? Mình lẽ ra phải cảm ơn mẹ, vì bà đã cho mình sự sống, thay vì phiền trách thù hận, như mình vừa kể với em”.
Tôi bỗng thấy muốn hôn em mãnh liệt. Em, áng mây lành làm dịu mát đời tôi, không chỉ bằng những cử chỉ rất đỗi dịu dàng, mà còn bằng cả những sẻ chia sâu sắc yêu thương và dũng cảm nữa.
Lần đầu tiên trong đời, tôi học được bài học tha thứ, thấm thía vào từng tế bào của cơ thể…
Truyện ngắn của NHI PHƯƠNG