Nhân ngày sách Việt Nam 21-4: Văn hóa đọc và thực tiễn cuộc sống
Thời hiện đại, con người có nhiều phương tiện giải trí cùng các tiện ích của truyền thông đại chúng như báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội facebook, youtube… Tưởng chừng như thói quen đọc sách đã bị xếp xuống hàng thứ yếu, nhưng thực tế lại chứng minh, ở những nước văn minh nhất, phát triển nhất, thói quen đọc sách, báo in chưa hề bị mai một.
SÁCH GIÚP NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN
Việc hướng HS yêu thích đọc sách có vai trò quan trọng của nhà trường. Trong ảnh: HS trường TH Hạ Long, TP.Vũng Tàu đọc sách tại “Ngày hội văn hóa đọc”, được tổ chức tại Thư viện thành phố ngày 18-4. Ảnh: MINH THANH. |
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người châu Âu, châu Mỹ trên xe buýt, ga tàu, máy bay, trong các sảnh chờ... trên tay mỗi người cầm một cuốn sách, tranh thủ đọc bất kỳ lúc nào. Hình ảnh này cho thấy, dù điều kiện vật chất đầy đủ và các phương tiện giải trí hiện đại đến đâu thì nhu cầu đọc sách của con người vẫn không thay đổi. Đọc sách và tiếp nhận thông tin hàng ngày không giống nhau. Sách là cầu nối của quá khứ, hiện tại và tương lai; là những thông điệp tinh thần của thế hệ này gửi gắm cho thế hệ khác; là những thành tựu, tinh hoa của những nền văn minh đã được thử thách, chọn lọc và cả những tranh luận, phản biện cần thiết để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo cần được nối tiếp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuần (nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT-DL) cho rằng: “Văn học như dòng sông tưới mát và bồi đắp phù sa cho tâm hồn, dạy chúng ta biết rung cảm, căm giận, yêu thương, phân biệt tốt xấu, cho ta óc khôi hài và trí tưởng tượng. Những cảm xúc đó, những nhận thức đó, các phương tiện nghe - nhìn cũng có thể cho ta, nhưng không sâu sắc bằng, không lắng đọng bằng và điều đáng nói là vì cụ thể quá, nên không còn chỗ cho trí tưởng tượng bay bổng, chúng ta không thể phát huy được cái “tôi” của mình trong khi thưởng thức”.
Giáo sư Chu Hảo trong hội thảo “Sách và chấn hưng giáo dục” có nhắc đến ba yếu tố cấu thành nên văn hóa đọc là: “Thói quen đọc, phương pháp chọn sách và kỹ năng đọc”. Cả ba yếu tố này luôn bổ trợ cho nhau và chỉ hình thành khi mỗi độc giả được huấn luyện từ lúc nhỏ. Điều này không khó, nếu khi còn nhỏ, cha mẹ và người thân đọc truyện cho trẻ nghe trước khi đi ngủ, sau này khi biết đọc, các em sẽ tự tìm đọc những cuốn sách mình yêu thích, những nhân vật yêu thích từ thời thơ ấu và chúng có thể ảnh hưởng đến nhân cách trẻ khi trưởng thành.
Đồng quan điểm, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng, thói quen đọc sách từ bé sẽ giúp con trẻ bồi dưỡng tính cách, tâm hồn, từng bước vượt qua những giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi, biết thể hiện lòng nhân ái, biết xây dựng ước mơ. Sau này, đọc sách sẽ trở thành một thói quen bổ ích, một nhu cầu quan trọng, nói rộng hơn là trở thành văn hóa đọc với các kỹ năng đọc và tiếp thu tri thức một cách có chọn lọc, là nguồn năng lượng quý giá để tái tạo lao động, sản sinh ra những sáng tạo mới trên mọi mặt: văn học nghệ thuật, khoa học, chính trị, kinh tế…
ĐỌC SÁCH THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
Việc hướng học sinh yêu thích đọc sách, dẫn đến tìm tòi và mở rộng những kiến thức văn học nói riêng và các lĩnh vực khác trong sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy có vai trò quan trọng của nhà trường. Những nước có nền giáo dục phát triển như Phần Lan luôn tạo điều kiện tốt nhất để trẻ cảm thấy đọc sách là niềm vui, sở thích tự nhiên đời thường. Còn ở Nhật Bản, không dừng ở việc tự mình tìm đọc sách, thông qua phong trào “cả nhà cùng đọc”, học sinh tiểu học lại chủ động rủ ba mẹ, anh chị em trong gia đình cùng đọc những cuốn sách ưa thích của mình. Hoạt động của thư viện được xem là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tại các trường tiểu học Nhật. Trường có ít học sinh bao nhiêu đi nữa vẫn phải có thư viện và phòng đọc sách. Nhà trường khuyến khích học sinh đọc sách bằng các hoạt động định kỳ như thi sáng tác khẩu hiệu, áp-phích ủng hộ phong trào đọc sách, lớp lớn tổ chức đọc truyện cho lớp nhỏ nghe, phong trào gửi thư giới thiệu sách mà thư viện sẽ là cầu nối, chương trình đố vui giữa giờ chơi với nội dung câu đố lấy từ sách trong thư viện. Quy mô lớn hơn là các cuộc thi vẽ, viết phát biểu cảm tưởng về quyển sách đã đọc dành cho HS ở cấp tỉnh, quốc gia.
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều người đọc nắm bắt rất nhanh tin tức trên các trang mạng xã hội facebook, youtube, báo điện tử… Nhưng cũng vì tin tức cập nhật quá nhanh, lại phải cạnh tranh để câu khách, phục vụ quảng cáo hoặc theo chủ ý của người đăng nên thiếu tính chính xác. Do đó, người đọc có thể trở thành nạn nhân của các tin tức thiếu chính xác khi nhiều người mới chỉ đọc cái tựa đề bài viết hoặc bản tin đăng lại bằng cách cắt xén, thêm thắt trên mạng đã vội hùa theo khen chê, bàn tán gây nhiễu loạn cộng đồng. Có người thì coi sách là vật trang trí “làm sang”, mua về để cho đẹp trong nhà chứ có khi chẳng bao giờ đọc. Đọc sách cần sự nghiền ngẫm chậm rãi, sự đồng điệu về cảm xúc và tư duy mới có thể lĩnh hội được những tinh hoa mà tác giả gửi gắm.
Chúng ta phải nhìn nhận sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà sách, các nhà xuất bản trong việc thường xuyên tổ chức các buổi ra mắt sách, mở các đường sách, hội sách nhằm kết nối, giao lưu người đọc - sách - tác giả. Nhưng vấn đề ở chỗ, người đọc đọc sách thế nào, có tiếp thu được kiến thức từ sách và biến nó thành kiến thức của mình hay không, thì khi đó, việc đọc sách mới có tác dụng.
Rõ ràng, văn hóa đọc không chỉ là những lời nói suông trên giấy mà đang chuyển động và phát triển thiết thực cùng cuộc sống. M.Gorki - đại văn hào Nga nói rằng: “Đọc sách đó là quá trình làm cho con người hòa hợp về mặt tinh thần với những khối óc vĩ đại của tất cả mọi thời đại, mọi dân tộc”.
VŨ THANH HOA