Ao làng - hồn quê
Một mảnh ký ức làng, hồn quê còn lưu lại trong tâm tưởng như một nốt nhạc tĩnh lặng mà xao xuyến bởi những gợn sóng viền vào nỗi nhớ, đắp bồi thêm nỗi nhớ đó là ao làng.
Ảnh minh họa |
Ấn tượng nhất của tôi với ao làng là chiếc cầu bằng tre. Một đầu cầu bám thật chắc vào đất, một đầu mở ra với sóng nước, với lấp lánh trăng, với chấp chới nắng, với lúng búng tiếng cá đớp mồi, với lấm tấm những chùm hoa lộc vừng và lao xao bóng tre như muốn chải mái tóc làng quê vào chiếc gương trời sóng sánh. Cầu ao là nơi mẹ ta đi cấy về thong thả chao chân rửa đôi quang gánh, gánh mạ. Chị ta vớt những đám bèo như vớt lên cả những đám mây mắc cạn. Và hơn một lần chị đã có lúc tần ngần khi nhìn những vòng sóng giao thoa mà bất chợt có cơn gió trời tung tẩy. Sóng của ao hay sóng trong lòng cô gái đến tuổi xuân thì.
Chiếc cầu ao cũng là nơi đám trẻ tụ tập học bơi những buổi trưa hè. Ao như vòng tay ôm tuổi thơ vào lòng thật tin cậy và mềm mại. Ao còn là nơi cha ta đi cày về, áo vắt vai, thong thả ngồi cạnh bờ ao rít điếu thuốc lào, nhìn ra mặt ao và nhẩm tính: Lứa cá thả đầu năm đến tháng này không biết đã lớn chưa. Những con cá trắm, cá trê, cá tràu da nhẫy bóng cứ ăn phù du trong nước, hít thở khí trời trong lành, có tấm dù ao bèo che chở, cứ thế trùi trũi lớn lên săn chắc chứ không béo mỡ như cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp ở những khu ao đầm. Hàng khoai nước cạnh mặt ao là nơi dạo chơi lý tưởng của mấy chú rô ron, cá cờ. Đám trẻ con chúng tôi biết rõ điều đó nên sắm cho mình những cái vợt, cái vó con hay những cái cần câu để bắt chúng về thả vào bệ, vào lọ thủy tinh chơi đồ hàng. Những đêm vắng có mưa rào vọng lại từ phía mặt ao tiếng “ếch học bài”, tiếng chẫu chàng ộp ạp. Những chú ếch con bé xíu như đầu ngón tay vừa ra đời, khi thì ngồi trên những chiếc lá khoai nước, khi thì nhảy lên bờ, nghe tiếng động liền phi ngay xuống nước.
Trong ký ức của tôi, ao làng còn là nơi ươm và trỗi dậy những bè rau muống, “rau sạch”. Sau trận mưa, rau vươn ra mơn mởn xanh. Cái màu xanh thật thà có nét còn vụng về, hút tinh chất từ cuối rễ bén vào mặt ao để đơm đầu cành cho bữa cơm đạm bạc, dưa, cà, mắm, muối… Rau muống ao ăn giòn, ngọt, luộc chấm với tương nếp nhà làm từ chum tương đặt ở góc sân.
Ao làng còn gắn với một loại rau tên mang dáng dấp của người nông dân đó là rau cần. Loại rau này được trồng khi cha tôi tháo cạn nước ao để bắt cá, khi lòng ao chỉ còn lại lớp bùn non mượt. Rễ rau cần từng chùm, thân rau cần trắng muốt, lá rau cần mềm mại, tươi lành phủ kín mặt ao. Mùa rau cần đi qua cũng là lúc những đợt mưa xuân lất phất rắc lên cảnh êm đềm của làng quê những đọt mưa, đọt lộc. Mặt nước ao giờ đây lại ắp đầy trong vắt. Hàng lộc vừng thích nước ngã vào lòng ao từng tràng hoa nở bung, rải những thảm hoa vào nước. Lá khoai nước bên mép bờ ao giờ lại trổ ra những tàu lá xanh mỡ màng, phủ một lớp lông tơ mịn mượt.
Bốn mùa đi qua ao làng khi đầy, khi cạn nhưng không bao giờ vơi tình làng, nghĩa nước. Ao là chứng nhân của một thời, một đời bao buồn vui khỏa lấp. Nhưng lại viền vào ta nỗi canh cánh thường trực, cái ám ảnh một thời của ông Tú Xương: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” (Sông lấp).
Ao làng giờ còn lại rất ít. Cái nhiệt kế điều hòa của lá phổi làng giờ bị lấp đi để lấy đất xây nhà tầng, xây những chóp nhọn. Có lần tôi trèo lên sân thượng mà người cứ chênh chao như ngỡ mình đang ngồi trên mặt ao quê ngày nào mà nghe tiếng bong bóng nổi chìm nổ bung hoa mắt. Lòng thấy nghèn nghẹn.