.

Mối giao duyên giữa thơ và nhạc

Cập nhật: 15:20, 13/04/2018 (GMT+7)

Phổ nhạc là nghệ thuật đem ý, lời thơ lồng vào nốt nhạc, biến bài thơ thành bài hát. Việc phổ nhạc có thể dùng nguyên bài thơ, có khi chỉ trích đoạn hoặc dùng dăm ba câu, có khi dùng ý để gợi lên những hình ảnh trong ca khúc, nhưng cũng có khi theo sát lấy câu thơ làm ca từ. 

Nhạc sĩ Phú Quang - người có nhiều tác phẩm âm nhạc hay phổ từ thơ.
Nhạc sĩ Phú Quang - người có nhiều tác phẩm âm nhạc hay phổ từ thơ.

Thực tế từ xa xưa trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, thơ với nhạc đã có mối giao duyên đặc biệt. Bằng chứng là nhiều bài hát ru, câu hò, điệu lý, quan họ… trong dòng nhạc dân gian đã được chuyển thể từ những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Sự tương tác giữa giai điệu và ca từ được coi là cuộc hôn phối tốt đẹp của cặp đôi nghệ thuật và văn học. Ca từ của một ca khúc hay, đẹp, ý nghĩa và được đặt đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị của bài hát, còn việc bài thơ nhờ những giai điệu du dương, trầm bổng giúp cho thăng hoa là chuyện không cần bàn cãi. 

Người làm thơ nào cũng mong tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi. Nhưng nếu thơ chỉ được in trên giấy thì khó mong đến được với đa số quần chúng. Ngâm và hát thơ lại là việc không phải ai cũng làm được. Vậy nên không có gì khó hiểu khi càng ngày càng có nhiều nhà thơ tìm đến nhạc sĩ, bỏ tiền ra “nhờ nhạc giúp thơ bay”. 

Trong kho tàng âm nhạc - thi ca Việt Nam có một số lượng không nhỏ những ca khúc bất hủ nhờ phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng: Màu tím hoa sim (thơ Hữu Loan, nhạc Phạm Duy), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Phạm Đình Chương), Khúc thụy du (thơ Du Tử Lê, nhạc Anh Bằng), Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc Hoàng Hiệp), Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu), Quê Hương (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Giáp Văn Thạch)... Những bài thơ nổi tiếng này đôi khi được các nhạc sĩ tài danh mua lại bản quyền với giá rất đắt. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ một bài thơ đã chinh phục được trái tim của hàng vạn độc giả yêu thơ, khi được phổ nhạc thành công cũng sẽ chinh phục hàng triệu khán giả nghe nhạc khác. 

Mặc dù vậy, việc phổ nhạc một bài thơ nổi tiếng không phải là chuyện đơn giản. Nó giống như cưới một người đẹp đã có danh hiệu nên luôn bị soi xét, bình phẩm. Nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới bài thơ và tên tuổi của chính nhạc sĩ. Đây cũng là một trong những lý do nhiều nhạc sĩ chọn lối đi an toàn hơn, đó là tìm đến với những tác giả, bài thơ mới, chọn những bài, những ý thơ hay, đồng cảm với đề tài mình đang ấp ủ để phổ nhạc. Kết quả là nhiều bài thơ rất hay nhưng không hoặc chưa được chú ý sau khi lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ đã trở thành những bài hát nổi tiếng. 

Trong dòng nhạc tiền chiến, nhạc sĩ đầu tiên phải nhắc tới trong việc phổ nhạc những bài thơ chưa nổi tiếng có lẽ là Phạm Duy. Những nhạc phẩm như: Kiếp nào có yêu nhau, Đừng bỏ em một mình của Hoài Trinh; Về đây, Chiều Đông của Cung Trầm Tưởng; Còn chút gì để nhớ của Vũ Hữu Ðịnh; Ðưa em tìm động hoa vàng của Phạm Thiên Thư; Thà như giọt mưa, Hai năm tình lận đận của Nguyễn Tất Nhiên đều trở thành những ca khúc nổi tiếng sau khi được phổ nhạc. Những bài hát của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thơ của Nguyên Sa như: Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba... cũng giúp cho cái tên Nguyên Sa được nhắc đến nhiều hơn. 

Trong dòng nhạc cách mạng, có lẽ Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ có nhiều nhạc phẩm phổ thơ thành công nhất. Ngoài việc mua lại bản quyền những bài thơ nổi tiếng, ông cũng thành công với nhiều ca khúc được phổ từ các bài thơ chưa nổi tiếng: Bóng cây Kơnia (thơ Ngọc Anh), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly). Nhắc đến những bản tình ca phổ nhạc đương đại không thể không kể đến nhạc sĩ Phú Quang. Hầu hết những bài thơ được Phú Quang phổ nhạc đều trở thành những tác phẩm nổi tiếng: Đâu phải bởi mùa Thu (thơ Giáng Vân), Khúc mùa Thu (thơ Hồng Thanh Quang), Nỗi nhớ mùa Đông (thơ Thảo Phương). Và ngay tại TP.Vũng Tàu, Khúc hát sông quê - bài hát về quê hương được yêu thích nhất hàng chục năm qua do nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ từ một trích đoạn trong trường ca Thời gian khắc khoải của nhà thơ Lê Huy Mậu - cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho việc nhạc chắp cánh cho thơ bay xa. 

Trường hợp thứ ba tuy hiếm hơn nhưng không phải không có. Đó là những bài thơ bình thường, sau khi được hóa thân, thoát xác bởi giai điệu trở thành những bài hát hay, được yêu thích. Điều này thực ra cũng không phải nghịch lý bởi âm nhạc đúng nghĩa không có lời và những bản nhạc kinh điển trên thế giới thường là nhạc không lời. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm những bản nhạc này có thể làm nên tên tuổi nhạc sĩ chứ chưa chắc đã làm nên tên tuổi nhà thơ.

Trường hợp cuối cùng - đáng tiếc lại đang trở thành hiện tượng khá phổ biến: nhiều người làm thơ bỏ tiền thuê nhạc sĩ phổ thơ để “lấy số”, “làm sang”, khoe khoang là chính. Họa lắm mới có một bài thơ trong số này rơi vào trường hợp thứ ba. Còn lại, hầu hết chúng trở thành những nhạc phẩm mà ca sĩ chuyên nghiệp hát còn chẳng mấy người muốn nghe chứ nói gì tới chuyện được khán giả thuộc lời và hát theo. 

Nhạc sĩ muốn phổ nhạc thành công một bài thơ thì ngoài tài năng còn phải có sự rung cảm, đồng điệu với bài thơ đó. Điều này thật khó có được khi nhạc sĩ bị chi phối bởi những bài thơ đặt hàng. Vậy nên mới có chuyện có nhạc sĩ phổ cả trăm bài thơ mà chẳng có ca khúc nào nổi tiếng và ngược lại, có nhà thơ có cả trăm bài thơ phổ nhạc vẫn không được ai biết tới. 

BÙI ĐẾ YÊN

.
.
.