.

Âm thanh cuộc trở về

Cập nhật: 08:11, 20/04/2018 (GMT+7)

Sáng nay, người trong xóm bỗng dưng thấy Tư Hộ ngồi trước nhà rít thuốc, lặt rau. Cái chợ nhỏ đầu xóm rôm rả hẳn lên, người ta xì xầm bàn tán chuyện Tư Hộ đột ngột xuất hiện công khai, làn da đen sạm, hàm râu rậm rì, cặp chân mày xếch lên vừa dữ dằn, vừa tội nghiệp.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Đang tụ tập ồn ã chợt thấy chị Nữu xách giỏ đi chợ, mọi người nháy mắt ra hiệu rồi trở về lo chuyện bán buôn. Không biết chị Nữu có để ý không khí ở chợ hôm nay trầm hơn hoặc người ở chợ nhìn chị bằng ánh mắt tò mò, dò xét hay không? Chị Nữu vẫn nói nói cười cười, bình phẩm: “Cá hôm nay tươi quá! Chỗ ròng ròng này để hết cho tôi, về kho tiêu chắc thằng Mật thích lắm!”. Đến hàng rau thì chị trả giá: “Trời ơi, sao hôm nay bắp cải đắt quá vậy nè? Kiểu này chắc em rỗng túi...”. Lóng ngóng một lúc, chị sực nhớ ra chuyện gì, lẩm bẩm: “Chết chưa, bỏ ba con nó ở nhà đói meo cho xem”, rồi chị xách giỏ đon đả chạy về. Trước khi về vẫn không quên ngoái lại nở nụ cười vu vơ thân thiện.

Vừa về đến cổng, Nữu đã í ới gọi mấy tiếng bâng quơ:

- Ba thằng Mật ơi! Ở nhà có phụ tôi vo gạo bắc cơm lên không đó?

- Có! Chín từ mấy đời rồi nè. Tư Hộ nói vọng - Bộ cái chợ dọn qua xóm bên rồi sao mà trưa trờ trưa trật mẹ nó mới chịu về vậy hả.

Nữu lúi húi bước vào trong nhà, tay ngả nón, miệng cười tươi rói:

- Đứng nói chuyện với các cô, các chị ở ngoài đó một lát. Làm như nhớ tôi lắm vậy, vắng một lát là than vãn rồi - Nữu đùa.

Mấy hôm rày người trong xóm thấy Nữu lạ hẳn, yêu đời hơn và cười cũng nhiều hơn, khác hẳn với ngày trước, Nữu ít nói, khuôn mặt lúc nào cũng buồn bã. Lúc ngồi rửa chén dưới bến sông, giặt đồ sau hè hay giẫy mấy bụi cỏ dại trước hàng ba, Nữu hay rưng rưng nước mắt. Bà Sáu trông sang, thấy Nữu khóc, bà an ủi:

- Khóc gì mà khóc hoài vậy con? Bụp mắt hết rồi kìa, lỡ thằng Mật thấy nó buồn, tội nghiệp.

Nghe vậy, Nữu lấy tay quệt ngang giọt nước mắt. Tay Nữu dính bùn, gặp nước mắt, bùn lấm lem thành một vệt dài trên khuôn mặt của Nữu. Bà Sáu thương Nữu, lắc đầu:

- Khổ quá! Trời thương mà cho đời thằng Mật không phải khổ như đời của mày.

Nữu im lặng. Chập sáng, Nữu thấy bà Sáu đứng ngoài mái hiên ngóng người sửa lại cái máng xối để khi mưa còn có cái hứng nước vào trong khạp trữ lại uống suốt năm. Nữu gọi:

- Sáu ơi, Sáu. Trưa nay qua ăn cơm với con cho vui nè.

- Nay giỗ má mày hả Nữu, tao nhớ tháng sau mới tới mà? Sớm dữ hôn.

Nữu cười hí hửng, ngó ngang ngó dọc như đang đề phòng chuyện gì, Nữu hạ giọng:

- Anh Hộ, chồng con vừa mới về hồi đêm.

- Thằng Hộ về? - Bà Sáu làm vẻ ngạc nhiên - Nó về luôn hả Nữu?

- Về luôn, Nữu đáp gọn.

Bà Sáu im lặng, sắc mặt thoáng vẻ lo âu. Lòng người đàn bà gần đất xa trời đang hồi tưởng lại một ký ức vừa ám ảnh, vừa u buồn nào đó trong đoạn đời xa xôi thuở trước. Trong miền ký ức ấy có hơi rượu nồng nồng, có tiếng la hét thất thanh và có mùi tanh của những giọt máu. Ở đó, đôi bàn tay của người nông dân hiền lành bỗng nhiên biến thành đôi bàn tay của kẻ tội phạm. Nhớ lại, bà Sáu rùng mình và cảm giác sống mũi cay cay.

***

Một buổi chiều mùa hạ, hơi gió từng luồng thổi về xua tan cái ngột ngạt thường nhật. Tiếng đôi chèo bẻo kêu rôm rả tranh nhau trái ổi xá lị chín trên cành cây trước nhà. Đằng xa, mặt trời sắp lặn trên cánh đồng phủ màu sương khói. Nữu rửa xong mấy cái chén, khệ nệ bưng vào bếp úp lên sóng chén bằng tre, tiếng chén va vào nhau lách cách. Úp chén xong, Nữu loay hoay tìm cái bật lửa thắp ngọn đèn dầu lên cho sáng gian nhà thì bỗng nghe tiếng trẻ hớt hơ hớt hải gọi:

- Chị Nữu ơi, chị Nữu, bơi xuồng qua sông coi anh Tư Hộ nhậu xỉn đánh lộn với người ta, máu me không kìa.

Nghe vậy, Nữu hốt hoảng lao xuống bến sông bơi xuồng qua bờ bên kia. Từ xa, Nữu thấy đám đông túm tụm giữa vùng đồng cỏ xanh rì. Tiếng la hét, tiếng chửi bới om xòm. Giọng ai đó giục Nữu:

- Nữu ơi, nhanh lên! Xông vào cản Tư Hộ lại đi Nữu. Nó đâm người ta rồi kìa.

Lòng Nữu cháy phừng phừng. Nữu rẽ đám đông chen vào thì thấy Tư Hộ đang cầm trên tay vỏ chai bia vỡ hết một nửa, nửa còn lại hắn dí sát bụng Hai Cự thi thoảng lại thẳng tay đẩy vào, chỗ bụng bê bết máu. Ai đó la thất thanh:

- Dừng lại đi, chết người ta bây giờ.

Mặc cho người ta ngăn cản, Tư Hộ vẫn sấn tới trờ tay định quật ngã Hai Cự xuống đám cỏ. Mọi người sợ có án mạng nhưng không ai dám cản. Tư Hộ đang trong cơn say máu, nhỡ hắn rạch cho một đường thì đứt cổ như chơi. Bà Sáu chứng kiến cảnh con mình bị Tư Hộ đâm mấy lần vào bụng, máu me bê bết thì ngất đi lúc nào không hay. Nữu gào lên, Nữu quỳ xuống lạy Tư Hộ, năn nỉ:

- Mình ơi, tôi lạy mình. Mình dừng lại đi, mình đâm người ta chảy máu rồi kìa. Nữu nhìn mọi người, cầu cứu:

- Trời ơi, ai đó làm ơn giúp tôi ngăn chồng tôi lại đi mà.

Không có ai giúp, Nữu một mình xông vào ôm Tư Hộ từ phía sau. Nữu giữ chặt hai tay chồng, giằng co mấy đợt cho vỏ chai bia rớt xuống. Lát sau, Tư Hộ thấm rượu, người nhũn ra, nằm dài trên cỏ thở hùng hục, miệng còn lẩm bẩm: “Cho nó chết!”. Hình như trong cơn say người ta không biết mình đang làm gì, gây ra tai họa gì và làm hại những ai.

Người ta kịp thời đưa Hai Cự ra trạm y tế xã cấp cứu. Tư Hộ bị công an xã bắt giữ. Tỉnh rượu, nhìn thấy tay mình vẫn còn máu, Tư Hộ xanh xám mặt mày. Nữu khóc đến sưng cả mắt. Tư Hộ ngồi kể lại tường tận câu chuyện bất hòa giữa hắn với Hai Cự dẫn đến cuộc ẩu đả. Tư Hộ bị áp giải lên công an huyện. Sau những đêm trăn trở, Nữu quyết định sang nhà bà Sáu xin bà làm đơn giảm án cho chồng. Bà Sáu nhìn Hai Cự đang nằm trên giường, bụng vẫn còn băng lớp bông trắng muốt, giọng trầm:

- Thằng Tư Hộ nó suýt đâm chết con tao, tao đau lắm chứ! Mà nghĩ lại thì cũng tội nghiệp cho bây, cho nó - bà Sáu bật khóc - Tao đã biểu bỏ rượu đi mà tụi nó không nghe, anh em chè chén vài ly cho ấm bụng được rồi, uống làm chi mà để xảy ra cớ sự như vậy hả trời.

Bà Sáu kêu trời mà trời nào có thấu. Bà Sáu gọi đất mà đất nào có nghe. Chỉ còn lại hai người đàn bà nhìn nhau nước mắt lưng tròng, xót xa. Bao giờ cũng vậy, đàn bà luôn là người thiệt thòi nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất. Vì chồng mà Nữu phải lạy lục xin bà Sáu.

- Thôi thì tao ký đơn xin giảm án cho nó, bà Sáu hắng giọng, nói tiếp - Cũng con cháu tao, cũng bà con chòm xóm cả thôi chứ xa lạ gì mà thù mà ghét! Tao mong nó cải tạo tốt để còn về phụ bây nuôi thằng Mật nên người. Khổ quá.

Nghe bà Sáu nói, Nữu mừng rơi nước mắt. Hóa ra yêu thương nhau chính là kỳ quan vĩ đại nhất của cuộc đời.

***

Trời trưa mưa trút nước. Mưa ào ào trên mái nhà. Từng luồng nước trút xuống máng xối chảy vào cái khạp cũ. Mưa giăng trắng xóa mặt sông. Mưa tưới mát cỏ cây trên đồng. Mưa cũng làm gãy nhánh ổi trước nhà khiến Nữu đứng nhìn mà tiếc nuối ngẩn ngơ vì quả chưa kịp chín. Mâm cơm đã dọn sẵn trên vạc: mẻ cá ròng ròng kho tiêu, nồi canh chua khóm nêm ngò thơm ngát, mấy cọng rau sống và đĩa bầu luộc chấm tương. Nữu đợi mãi, chạy ra chạy vào ngóng xuống bến sông vẫn chưa thấy chiếc xuồng bể mũi cập bến. Nữu định cất giọng gọi “Sáu ơi!”, nhưng có cái gì nghẹn lại ở cổ, Nữu thôi không gọi nữa. Bỗng dưng Nữu nghe thằng Mật nhảy mũi mấy cái rồi chép miệng:

- Con đói quá! Bao giờ mới được ăn hả mẹ?

Nữu khẽ khàng:

- Ừ, thôi ăn đi con.

Nữu vừa gắp miếng cá bỏ vào chén cơm của thằng Mật thì nghe tiếng bà Sáu giòn giã từ bến sông đi lên. Bà Sáu vừa nói vừa cười, vừa đi vừa túm gọn cái đuôi tóc lên trên rồi kẹp ngang bằng cái kẹp bông lúa cũ. Hình như trong giọng nói của bà không có chút gì là dỗi hờn, ghét bỏ, vẫn ánh mắt và cử chỉ dịu dàng, vẫn nụ cười tươi rói như năm nào bà bơi xuồng qua sông chúc phúc cho vợ chồng Nữu khi những chiếc thuyền hoa cập bến. Bà hỏi:

- Hộ, về rồi hả con?

Tư Hộ ngượng ngùng cúi mặt, đôi mắt đỏ ậng, bàn tay cầm chén cơm run run như những lần Tư Hộ trầm mình thật lâu dưới nước mò cua bắt ốc.

- Dạ, con về rồi nè Sáu.

- Ừ, bây về Sáu mừng. Ráng làm ăn nghen con, cờ bạc rượu chè đổ đốn cả, tới già tới chết cũng chưa nên người. 

Tư Hộ gật đầu thoáng nhìn Nữu rồi và cơm vào miệng. Nữu lật đật chạy vào bếp lấy thêm cái chén cho bà Sáu, bữa cơm từ đó vui hẳn lên, không ai nhắc gì đến câu chuyện đã từng xảy ra bên bờ sông năm cũ. Ở bất kỳ đoạn nào của cuộc đời, bình yên luôn là thứ mà người ta khát khao có được. Nơi nào có tình người, nơi đó là chốn bình yên.

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

 

.
.
.