Nhà văn Trần Đức Tiến: Chất liệu của văn chương là cuộc sống quanh mình
Ở tuổi gần 70, sức viết của nhà văn Trần Đức Tiến vẫn rất khỏe. Ông viết đủ các thể loại, trong đó có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi. Ông đã dành cho Vũng Tàu Chủ nhật cuộc trao đổi thú vị về nghề văn.
* Phóng viên: Thưa nhà văn, mở đầu cuộc trò chuyện tôi muốn nghe ông chia sẻ về cái duyên đã đẩy đưa ông đến với nghiệp viết lách?
- Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Nam. 17 tuổi, tôi ra Hà Nội học ĐH Kinh tế kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế quốc dân) rồi ở lại Hà Nội làm việc. Mười một năm sau - năm 1986, tôi đưa vợ con vào định cư ở Vũng Tàu. Tôi lần lượt trải qua các công việc ở Cục Thống kê, Hội VH-NT đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, sau là Hội VH-NT tỉnh BR-VT cho đến khi nghỉ hưu. Đam mê văn chương từ nhỏ nhưng phải từ năm 25 tuổi, tôi mới có truyện ngắn in trên các báo, tạp chí: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Lao Động… và đến năm 37 tuổi tôi mới bắt đầu ra sách (tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập truyện thiếu nhi).
* Được biết, ông chuẩn bị ra mắt tập sách mới “Xóm Bờ Giậu”. Ông có thể giới thiệu đôi chút về tác phẩm này?
- Xóm Bờ Giậu (XBG) là tập truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi. Tôi viết nhiều truyện đồng thoại và XBG có thể coi như tập tuyển chọn truyện đồng thoại của tôi, gồm 25 truyện. Nếu không có gì thay đổi, tập sách sẽ được in khổ lớn, bìa cứng, với nhiều tranh minh họa màu và sẽ ra mắt bạn đọc vào dịp Tết thiếu nhi (1-6). Phần lớn những câu chuyện trong tập này kể về các nhân vật sống chung với nhau trong cái xóm nhỏ có tên là xóm Bờ Giậu (ở dưới chân cái giậu trúc nhà tôi bây giờ): cụ giáo Cóc thông thái, bác Tắc Kè chuyên gia dự báo thời tiết, chú Thằn Lằn cô đơn, anh Dế Còm có tâm hồn thi sĩ, VĐV điền kinh Nhái Xanh, cô người mẫu Ốc Sên, kể cả những vị khách như nhà buôn Bọ Dừa, những anh Kiến cần cù chăm chỉ… Họ chỉ một lần tạt qua XBG, nhưng ấn tượng đẹp đẽ về cái xóm nhỏ yên bình và những cư dân tốt bụng, hiếu khách trong xóm thì không bao giờ phai mờ trong lòng họ.
* Dường như ông viết khá nhiều cho thiếu nhi. Cơ duyên nào khiến ông gắn bó với những độc giả nhí, thưa ông?
- Theo thống kê, một nửa số tác phẩm đã xuất bản của tôi là dành cho thiếu nhi. Tôi vẫn tiếp tục viết cho các em, cũng như tiếp tục viết cho người lớn, không hề có sự phân biệt, thiên vị giữa hai “loại” sáng tác đó. Những tập truyện cho thiếu nhi đã xuất bản như: Vương quốc vắng nụ cười, Dế mùa Thu, Thằng Cúp, Trăng vùi trong cỏ, Làm mèo, Trên đôi cánh chuồn chuồn…
Thực ra, đối với mỗi nhà văn, không phải cứ thích viết về lĩnh vực gì thì viết. Đó là tự bản thân mỗi người cảm thấy khả năng của mình viết được ở lĩnh vực nào. Tôi viết nhiều truyện cho người lớn, nhưng phải đến năm 1991 tôi mới thử viết cho thiếu nhi. Trong một tối, tôi đã viết 2 tác phẩm đầu tiên là Ốc mượn hồn, Có một chàng rùa đá, đều là những câu chuyện với các nhân vật lấy từ thiên nhiên, thuộc về thiên nhiên. Một tuần sau, các truyện này được đăng trên báo Nhi Đồng, sau đó, tôi tiếp tục viết thêm nhiều truyện thiếu nhi cho báo Nhi Đồng, Thiếu Niên, Khăn Quàng Đỏ, BR-VT… Những con vật đời thường như ve sầu, kiến, còng gió, dế mèn, chào mào, cá trê… đều có thể trở thành các nhân vật của tôi trong những chuyến phiêu lưu, hành trình và khám phá.
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Đức Tiến. |
* Theo ông, viết cho thiếu nhi có khó hơn viết cho người lớn?
- Tôi cho rằng, cố gắng làm thế nào để mình thấy hài lòng với chính mình, thì viết cho thiếu nhi hay người lớn đều rất khó. Càng viết càng thấy khó. Thực tế trong đời sống văn chương ở ta: người viết cho thiếu nhi không quá hiếm, nhưng rất hiếm người dành cả sự nghiệp viết lách của mình cho thiếu nhi và tác phẩm hay cho thiếu nhi càng hiếm hơn. Một thực tế khác: nhiều, khá nhiều nhà văn không viết được cho thiếu nhi.
* Ông viết nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, truyện thiếu nhi. Ông lấy chất liệu từ đâu? Làm sao để tránh sự trùng lặp trong các tác phẩm?
- Cuộc sống của tôi khá bình lặng, hiếm những khúc “cua” gấp, những sự kiện, biến động… đình đám. Sống thầm lặng giữa mọi người, lẫn vào đám đông, luôn là ý nguyện của tôi. Chất liệu cho những tác phẩm của tôi chính là từ những con người, cảnh vật bình thường quanh mình. Một nhà văn khi viết về tôi đã nhận xét: Vũng Tàu là nơi Trần Đức Tiến sống, cũng là “vùng văn hóa”, là “lãnh địa văn chương” của Trần Đức Tiến. Có lẽ đúng đấy, vì chả cần tinh ý, bạn đọc cũng thấy hiển hiện ngay trong tác phẩm của tôi những Hòn Bà, Bãi Sau, Bạch Dinh, cà phê Trầm, bè Long Sơn, con đường đi bộ lên núi Lớn, núi Nhỏ, thành phố Hoa Sứ, v.v…
* Ông tâm đắc với tác phẩm nào nhất, vì sao?
- Giờ đọc lại những cái mình đã in, đôi khi tôi thấy mắc cỡ, nhưng chưa đến mức phải ân hận. Cho nên, tác phẩm tâm đắc nhất chắc chắn vẫn là những tác phẩm chưa viết, sắp viết.
* Năm 2017, ông đã phát hiện một số đơn vị sử dụng tác phẩm của ông mà không xin phép cũng như không trả nhuận bút. Ông quan niệm thế nào về vấn đề tác quyền trong văn chương ở Việt Nam hiện nay và nên làm gì để bảo vệ tác quyền?
- Bản quyền tác phẩm văn học (cũng như âm nhạc, hội họa, điện ảnh…) xưa nay luôn là vấn đề nóng trong đời sống văn học nghệ thuật ở nước ta. Chúng ta đã có luật, nhưng có lẽ việc thực thi luật pháp chưa thật nghiêm minh, và bản thân luật cũng chưa hoàn hảo. Ý thức về tác quyền của xã hội, và của cả các tác giả, còn nhiều lơ mơ. Vì thế chuyện vi phạm bản quyền diễn ra khá thường xuyên, đôi khi phải nói thẳng là trắng trợn. Chẳng hạn như một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của tôi (và của nhiều người khác), bị một vài đơn vị xuất bản ngang nhiên sử dụng trong một thời gian dài mà không có bất kỳ một động thái nào tỏ ra có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tác giả.
Để làm tốt việc bảo vệ tác quyền, ngoài chuyện chúng ta phải xây dựng, hoàn chỉnh luật, giáo dục ý thức tuân thủ luật cho cộng đồng, bản thân các tác giả (trong các lĩnh vực) cũng cần phải biết tôn trọng, giữ gìn cái “quyền” của chính mình đối với những đứa con tinh thần do mình sáng tạo ra.
* Xin cảm ơn ông và chúc ông có thêm nhiều tác phẩm mới.
DIỄM QUỲNH
(thực hiện)