Lạm bàn về danh xưng văn nghệ sĩ
Một xã hội phát triển luôn gắn liền với sự phát triển của văn hóa tinh thần. Nghệ thuật là yếu tố cơ bản quyết định giá trị văn hóa tinh thần phong phú hay nghèo nàn của xã hội ấy. Do đó, vai trò của những người làm nghệ thuật chính là duy trì, phát huy sáng tạo và là cầu nối để nghệ thuật lan tỏa đến cộng đồng.
Ca sĩ Mỹ Tâm là một trong những nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc để khẳng định tài năng của mình. |
Những người làm nghệ thuật được công chúng trân trọng, yêu quý và gọi là “văn nghệ sĩ”. Nhưng, để được gọi với danh xưng như vậy phải là những người gắn bó với nghệ thuật, thường xuyên có tác phẩm sáng tác trong các lĩnh vực: âm nhạc, văn học, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc… hoặc là người thường xuyên biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu, màn ảnh, truyền thanh, truyền hình.
Có rất nhiều tấm gương văn nghệ sĩ tỏa sáng trong mỗi thời kỳ lịch sử. Ở thời chiến, biết bao nghệ sĩ đã vác ba lô ra trận. Đã có những nhà văn, nhà thơ như: Trần Đăng, Nam Cao, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quý, Trần Đình Vân… đã hy sinh anh dũng giữa chiến trường như những chiến sĩ cầm súng thực sự. Bản thân họ cùng các tác phẩm của mình trong thời kỳ này đã có sức cổ vũ lớn lao tinh thần quyết chiến cho nền độc lập tự do của Tổ quốc mà không chút cầu lợi danh cho bản thân mình: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/Tên anh đã thành tên đất nước” (Dáng đứng Việt Nam - thơ Lê Anh Xuân).
Thời bình, nghệ sĩ có nhiều thời gian hơn để theo đuổi đam mê của mình, họ có nhiều điều kiện để học tập và sáng tạo chuyên nghiệp hơn, tiếp thu nhiều hơn những tinh hoa của các nền văn minh thế giới nhưng bầu trời nghệ thuật vô tận lại đòi hỏi những thách thức khác. Tác phẩm nghệ thuật cũng như cách thức để truyền tải thông điệp ấy chính là kết tinh của tâm hồn, tư tưởng và tài năng của mỗi nghệ sĩ và cũng đòi hỏi họ phải nỗ lực, nuôi dưỡng và hiện thực hóa nó. Robert Schumann, nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc lừng danh của Đức đã từng nói: “Đem ánh sáng vào bóng tối trong trái tim con người - đó là nhiệm vụ của người nghệ sĩ”.
Nghệ sĩ cần phải là người đi tiên phong, tạo ra một xu thế mới, thể hiện một góc nhìn sáng tạo, thông qua các nhân vật, các tác phẩm hay cách trình diễn của mình. Có thời điểm, những cái mới chưa được ủng hộ, thậm chí bị số đông xa lánh, rơi vào cô độc bởi những quan điểm bảo thủ, cũ kỹ, lỗi thời. Danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh là một điển hình, ông đã trải qua chuỗi ngày tháng đau khổ, cay đắng trong suốt 37 năm cuộc đời ngắn ngủi. 125 năm sau khi ông qua đời, công chúng và giới nghệ thuật thế giới mới thực sự công nhận và ngưỡng mộ tài năng của Van Gogh và vinh danh là thiên tài hội họa của nhân loại.
Có thể nói, tự trọng, kiêu hãnh là phẩm chất đặc trưng của người nghệ sĩ chân chính. Nhưng thời nay, trong số những người được coi là “văn nghệ sĩ” không phải ai cũng có phẩm chất và sự hy sinh cao cả với nghề. Một số người luôn tỏ ra mình có “tư chất nghệ sĩ”, sinh hoạt kiểu quái dị hoặc phô trương để che đậy một nội tâm nghèo nàn, bất tài nhưng háo danh, đua đòi hoặc tệ hơn là dùng cái mác ấy để tư lợi bản thân. Không phải cứ ai lên báo chí, truyền hình một cách ồn ào là người đó thực sự tài năng, tác phẩm thực sự nổi bật. Thực tế, một số người tài mọn, tác phẩm không có gì đặc sắc, ý tưởng nghèo nàn nhưng ảo tưởng lớn, thậm chí còn đạo nhái, ăn cắp ý tưởng của người khác, tìm mọi cách để tận dụng các mối quan hệ trong giới văn nghệ, đoạt các giải thưởng bằng mọi giá để thỏa mãn thói háo danh, tạo nên những giá trị ảo, giá trị giả.
Trong lĩnh vực biểu diễn, nhiều ca sĩ, diễn viên giọng hát yếu kém, khả năng diễn xuất tầm thường nhưng cũng tự coi mình là ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp. Họ tổ chức các show diễn mà thực chất là các hoạt động thị trường của các nhãn hiệu thương mại, thậm chí tên tuổi họ còn đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trong một thời gian bằng cách dùng chiêu trò mua số lượt bình chọn, mua cả những nhà tổ chức.
Nghệ sĩ có rất nhiều cách đánh bóng tên tuổi. Người thì miệt mài lao động nghệ thuật để dần khẳng định tài năng của mình, người lại dùng chiêu “tạo tai tiếng để nổi tiếng”. Đó là lý do hàng ngày trong giới giải trí luôn nhan nhản các tin tức nói xấu, bóc mẽ nhau từ đời tư cho đến sân khấu của các nghệ sĩ mà đôi khi công chúng không nhớ nổi một tác phẩm nào của họ thực sự gây chú ý. Sự việc gần đây của nhóm ca sĩ hát hội chợ dùng ma túy đá gây ảo giác dẫn đến chết người đã làm nhiều người giật mình với nhân cách của một bộ phận nghệ sĩ. Những tai tiếng trong giới văn nghệ đã làm nhiễu loạn giá trị đích thực của người nghệ sĩ và làm hoang mang niềm tin vào nghệ thuật của người thưởng thức trong thời gian qua.
Dù biểu đạt bằng cách nào, khám phá theo hình thức nào, nghệ sĩ cũng cần lấy tiêu chí “Chân, Thiện, Mỹ” làm yếu tố cơ bản và bằng tài năng cũng như sự học hỏi không ngừng, hoàn thiện một nhân cách sống tốt để xứng với danh xưng cao quý mà họ đã được xã hội ban tặng.
VŨ THANH HOA