Bước tiến vững chắc vào kỷ nguyên mới
Năm 2024 với nhiều biến động đã qua đi. Nước ta bước vào năm mới 2025 với niềm tin mới và những tín hiệu lạc quan, tinh thần quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 để chính thức bước vào kỷ nguyên mới.
Năm 2024 nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng các cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột ở khu vực Trung Đông và một số khu vực khác. Trong nước, đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc thiệt hại nặng nề về người và của do hậu quả cơn bão Yagi (bão số 3) gây ra.
Thế nhưng, bất chấp những khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ và các địa phương trên tinh thần khẩn trương “không có ngày nghỉ”, “3 ca 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”... nước ta vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội. Nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối phục vụ phát triển đã và đang được triển khai thi công rầm rộ trên khắp cả nước, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc Nam, cao tốc kết nối vùng; dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên)... Chỉ vài tháng sau khi bão lũ càn quét, cuộc sống người dân các vùng bị ảnh hưởng đã trở lại bình thường. Hàng loạt công trình phục vụ dân sinh từ nhà ở đến trường học cho người dân ở vùng bão lũ đã được xây dựng, đưa vào hoạt động.
2024 cũng là năm có nhiều hoạt động ngoại giao sôi động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các chuyến thăm, làm việc tại nước ngoài và tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, tập đoàn kinh tế nước ngoài đến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Với sự nỗ lực đó, tăng trưởng GDP nước ta đạt kết quả ấn tượng khi tháng sau, quý sau cao hơn tháng trước, quý trước. Dự kiến tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%). Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng sản phẩm trên địa bàn (trừ dầu khí) tăng 11,72%, là mức cao nhất 10 năm gần đây. Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã thu hút 31,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (trong đó riêng Bà Rịa-Vũng Tàu đạt hơn 2 tỷ USD), vốn thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã quyết định hoặc có ý định đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Điển hình như tập đoàn công nghệ NVIDIA đã ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam, quyết định chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm dữ liệu AI.
Sự gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam cho thấy uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao, môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn. Việt Nam đã vào nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 194 nước, vùng lãnh thổ. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Những thành quả của năm 2024 sẽ tạo đà để nước ta nói riêng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung bước vào năm 2025 với thế và lực mới. Đây sẽ là năm bứt phá để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 và tạo nền tảng vững chắc để nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Để đạt các mục tiêu chiến lược trên, một trong những giải pháp quan trọng được Trung ương Đảng chỉ đạo quyết liệt là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương đang khẩn trương thực hiện trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, "không được để gián đoạn công việc", "mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ"...
NGUYỄN ĐỨC