.

Ăn ốc đổ vỏ...

Cập nhật: 18:17, 27/09/2024 (GMT+7)

Cuối cùng, đã có kết quả xác minh vụ xả thải ở khu vực đường Trần Phú, TP.Vũng Tàu. Chủ quán ốc Tự Nhiên, một trong những quán ốc nổi tiếng ở TP.Vũng Tàu đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hơn 310 triệu đồng vì hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường. Nguy hại hơn, lượng nước xả thải này chảy trực tiếp ra biển, gây mùi hôi thối mà du khách và người dân mỗi lần đi qua đều ngán ngẩm.

Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa phố xá đô hội, giữa những hoạt động không ngừng nghỉ của nhiều người để gìn giữ biển và đại dương, xây dựng môi trường du lịch Vũng Tàu xanh sạch đẹp, thì hoạt động kinh doanh thiếu trách nhiệm nói trên là rất đáng lên án. Số tiền bị phạt lên tới hơn 310 triệu đồng cho một quán ốc là cái giá rất đắt cho hành vi phá hoại môi trường.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh còn buộc chủ quán ốc này phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định, đồng thời phải chi trả kinh phí phân tích mẫu môi trường cho Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Ăn ốc - đổ vỏ” là cách nói dân gian thể hiện quy luật ngược của nhân quả. Lợi lộc thì kẻ này hưởng, trách nhiệm hay hậu quả thì thuộc người khác. Trong kinh doanh, quy luật ngược này làm gì có chỗ để tồn tại.

Ăn ốc thì tự đổ vỏ. Mà trong trường hợp này, đổ vỏ phải đàng hoàng, phải đúng nơi, đúng chỗ và đúng quy định. Đổ vỏ lung tung là hành vi không được phép và sẽ bị xử phạt. Gây ra trách nhiệm thì phải tự xử lý trách nhiệm và chịu trách nhiệm.

Dọc ven biển Vũng Tàu là đất vàng của kinh doanh, buôn bán, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Thực tế cũng có nhiều quán xá, cơ sở kinh doanh mọc lên ở đây, ngày một sầm uất, đa dạng. Nhưng bên cạnh những cơ sở kinh doanh chú trọng bảo vệ môi trường, cố gắng gìn giữ thương hiệu thì vẫn còn những cơ sở còn xem nhẹ, thờ ơ với trách nhiệm của mình. Cho nên, đoạn đường Trần Phú, không chỉ dưới biển mới ngửi thấy mùi hôi thối, dọc đường lên núi Lớn, người đi bộ cũng ngửi thấy những dấu hiệu bất ổn của hoạt động xả thải.

Chính quyền TP.Vũng Tàu luôn mong muốn mọi người dân, doanh nghiệp khai thác triệt để hiệu quả của đất đai, mặt tiền biển để kinh doanh, làm ăn buôn bán phát đạt, mang lại nguồn thu cho địa phương, tạo thêm các sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch. Nhưng mong muốn đó (và cả việc tạo điều kiện nữa) phải luôn gắn liền với phương châm gìn giữ, bảo vệ tiêu chí của “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, lấy những giá trị bền vững làm cốt lõi.

Cũng tại Vũng Tàu, bên phía đảo Long Sơn, có một tập đoàn đang xây dựng nhà máy tỷ đô và kinh doanh ở đó. Họ đến từ một đất nước khác. Và thay vì chỉ nghĩ đến lợi nhuận, họ giúp người dân và chính quyền nơi đây xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác thải, tham gia tích cực vào nhiều việc để gìn giữ môi trường. Xã đảo Long Sơn, thậm chí đang là “điểm chuẩn” để nhiều địa phương học tập mô hình phân loại rác.

Đó có phải là sự khác biệt về tầm nhìn? Không phải! Ai cũng nhìn ra lợi ích lâu dài của việc bảo vệ môi trường. Chỉ có điều lợi ích trước mắt thường sẽ che bớt tầm nhìn, cũng như sự thờ ơ phủ mờ trách nhiệm.

MINH AN

.
.
.