Mong chờ nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế
Hàng triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc đang mong chờ và hy vọng, tháng 10 tới đây dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được Quốc hội bàn luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Họ mong chờ và hy vọng, bởi trong phiên họp chuyên đề pháp luật mới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế (GTGT) từ 100 triệu đồng hiện nay (có hiệu lực từ năm 2014) lên 200-300 triệu đồng/năm. Điều này có nghĩa, những hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm đang được đề xuất sẽ không phải đóng thuế GTGT.
Đa số các hộ kinh doanh cũng cho rằng, ngưỡng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của hộ cá nhân kinh doanh phải nộp thuế GTGT 100 triệu đồng/năm áp dụng trong 10 năm qua đã trở nên lạc hậu, không phù hợp với tình hình hiện nay.
Thực ra, kinh tế, thu nhập và chi tiêu của người dân sau 10 năm đã có sự thay đổi rất lớn. Giá cả cũng không ngừng tăng theo từng năm. Qua khảo sát thị trường, chỉ so với vài ba năm trước, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ tăng từ 20-30%. Và một khi, chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu đến thuê mặt bằng tăng, thì giá cả đầu ra đương nhiên cũng tăng theo. Do vậy, theo các hộ kinh doanh, nếu để ở mức 200 triệu đồng/năm, tính ra doanh thu chỉ vào khoảng hơn 16 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí đầu vào, hàng hóa, lợi nhuận còn lại chẳng bao nhiêu, không đủ chi trả cho sinh hoạt, cuộc sống.
Đó là chưa kể, sức mua trực tiếp tại các cửa hàng, tạp hóa mấy nằm gần đây giảm mạnh do phải cạnh tranh với thương mại điện tử. Chủ một tiệm tạp hóa trên đường Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) chia sẻ, mấy năm nay buôn bán không còn được thuận lợi như trước. Thay vì ra tận cửa hàng để mua như trước, thì nay khách hàng chọn cách đặt hàng trên mạng để được giao tận nơi. Hiện nay, mỗi tháng, chủ tiệm tạp hóa này phải đóng gần 400 ngàn đồng tiền thuế GTGT. Bà chủ này đang mong chờ đề xuất không đánh thuế hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng được thông qua để gia đình bà không còn thuộc diện phải đóng thuế GTGT. Bởi, nguồn nhân lực bán hàng chủ yếu tận dụng trong gia đình, lấy công làm lãi.
Có lẽ, đó không chỉ mong muốn của bà chủ tiệm tạp hóa, mà còn là mong chờ của hàng triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, năm 2014, GDP bình quân đầu người ở mức khoảng 40 triệu đồng/người. Trong khi năm 2023, con số này ở mức 101,9 triệu đồng/người, gấp khoảng 2,5 lần. Chính vì vậy, việc nâng ngưỡng chịu thuế của các hộ kinh doanh thấp nhất cũng nên tăng ở mức tương ứng, từ 250 triệu đồng trở lên.
Hiện cả nước có khoảng 2,1 triệu hộ kinh doanh có mã số thuế, số doanh thu hộ kinh doanh chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng số thu ngân sách. Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì sẽ có khoảng trên 620 ngàn hộ kinh doanh không phải nộp thuế. Còn nếu tính theo mức 300 triệu đồng thì sẽ có hơn 734 ngàn hộ kinh doanh được thụ hưởng.
THÀNH VINH