.

Không chủ quan với dịch sởi

Cập nhật: 17:56, 30/08/2024 (GMT+7)

Dịch sởi đã quay trở lại! Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2024 đến 28/8, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. 18 tỉnh, thành với hơn 100 huyện nguy cơ dịch gia tăng. TP.Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 ca nghi mắc bệnh sởi, trong đó có 3 ca tử vong và đã công bố dịch sởi vào ngày 27/8.

Điều đáng lo ngại, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đã bùng phát, một số dịch bệnh sau nhiều năm vắng bóng hoặc bình thường, đã xuất hiện và tăng mạnh trở lại như: tay chân miệng, sởi, ho gà; đã có trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 ở tỉnh Khánh Hòa và trường hợp mắc cúm A/H9N2 tại tỉnh Tiền Giang. Trong số này, dịch bệnh đang “nóng” chính là sởi.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Ngoài yếu tố mang tính chu kỳ, trong các năm 2021, 2022 do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giãn cách xã hội, không có sự giao lưu nhiều giữa người dân nên số ca mắc sởi thấp, đồng thời tỉ lệ tiêm vaccine sởi và sởi-rubella cũng thấp.

“Khoảng trống miễn dịch” là nguyên nhân khiến các bệnh như sởi, ho gà… quay trở lại tại nhiều địa phương. Thông tin từ WHO tại Việt Nam cho biết, hàng trăm ngàn trẻ em nước ta đã không được tiêm chủng từ năm 2021 do dịch COVID-19, tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy. Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như bạch hầu, ho gà, đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh. Trước đó, từ đầu năm 2024, WHO cũng đã cảnh báo nguy cơ: sau đại dịch COVID-19, nhiều nước sẽ gia tăng số ca sởi, trong đó có Việt Nam.

Dịch bệnh sởi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm tủy cấp, viêm loét giác mạc và có thể gây mù; thai phụ mắc sởi có nguy cơ sảy thai, thai nhi dị tật, sinh non; gây tử vong… Trong khi đó, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng. Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em.

Bà Rịa-Vũng Tàu không nằm trong danh sách 18 tỉnh, thành có nguy cơ nhưng từ đầu năm đến ngày 25/8, toàn tỉnh đã ghi nhận 16 ca nghi mắc sởi, trong đó có 6 ca chẩn đoán xác định dương tính với vi rút sởi do lây nhiễm chéo từ các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh. Hai địa phương lân cận là Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh nằm trong số 18 địa phương có nguy cơ gia tăng dịch. Trong khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu là một tỉnh du lịch, mỗi ngày đón hàng chục ngàn lượt khách tới tham quan, du lịch, cùng với thời gian này trẻ tựu trường nên nguy cơ lây nhiễm dịch là rất cao.

Do chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi nên cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine. Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn cấp tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ 1-10 tuổi nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch. Bộ cũng có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét vaccine cho tất cả 11 bệnh lây nhiễm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, không chỉ vaccine sởi và ho gà.

Trước nguy cơ dịch bệnh sởi có thể lây lan về địa phương, ngành y tế Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chăm sóc người bệnh khi dịch bùng phát. Về phần mình, các bậc phụ huynh cũng không được chủ quan, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng liều, đúng thời gian, đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của ngành y tế.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.