Chuyển đổi xanh nhìn từ khu công nghiệp
Phát triển KCN xanh, sinh thái đang là ưu thế để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước hiện nay. Mô hình KCN xanh, sinh thái cũng đã tạo được làn sóng hút vốn đầu tư chất lượng cao mới khi yêu cầu về hoạt động sản xuất sạch hơn, tuần hoàn, giảm thiểu tác động đến môi trường đang là xu thế tất yếu. Và KCN xanh, sinh thái không còn đơn thuần chỉ là tăng mảng xanh như trồng cây mà trọng tâm là gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng.
Dẫn chứng từ KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho thấy, sau 10 năm thành lập, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 luôn hướng tới mục tiêu trở thành KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, hiện thực hóa các tiêu chuẩn năng lượng xanh và ESG (môi trường-xã hội-quản trị).
Với lợi thế nằm trong trung tâm hệ sinh thái cảng biển, công nghiệp, liền kề các tổ hợp nhà máy cung cấp nguyên vật liệu thượng nguồn, như thép, hóa dầu, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 nỗ lực thu hút các ngành công nghiệp phù hợp với tiêu chí trung hòa carbon mà Chính phủ Việt Nam hướng đến, góp phần thúc đẩy cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút vào Phú Mỹ 3 vượt mức 4 tỷ USD và hầu hết dự án chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Đây là điều mà ít KCN trên địa bàn tỉnh thực hiện được.
Như vậy, nhìn từ KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho thấy, có 3 lợi ích rõ nét từ xây dựng KCN xanh, sinh thái. Đó là lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Và hơn hết, với thương hiệu KCN xanh giá trị, sản phẩm của DN sẽ được nâng tầm và chiếm được lòng tin của khách hàng và đối tác, nhất là với yêu cầu về quy chuẩn sản xuất khắt khe từ các nước trên thế giới.
Trong bối cảnh thế giới và Chính phủ Việt Nam đang đặt ra và theo đuổi các mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, khái niệm KCN xanh đang dần trở nên phổ biến. Theo xu hướng này, mô hình KCN truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.
Đối với hoạt động thu hút đầu tư, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cũng đang nỗ lực từng bước để “xanh hóa” dòng đầu tư nước ngoài. Theo Bộ KH-ĐT, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái.
Như vậy, KCN xanh, sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG theo yêu cầu của các chuỗi ngành hàng. Đây cũng chính là yếu tố then chốt mang lại sức hút đón làn sóng đầu FDI mới do những dịch chuyển của chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là sớm bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… nhằm tạo điều kiện cho DN đầu tư xây dựng, tạo ra nhiều KCN xanh, sinh thái.
LAM GIANG