Chuỗi giá trị nông sản gắn với sản xuất xanh, sạch
Là vùng trồng ca cao nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Châu Đức có hơn 650ha. Trước đây, do trồng manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định, rủi ro về giá bán, nhiều nông dân gần như “quay lưng” với loại cây này.
Nhưng câu chuyện hiện nay đã khác, khi chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được hình thành, ca cao Châu Đức không chỉ xuất khẩu hạt lên men mà còn được chế biến một số sản phẩm từ ca cao như bột ca cao, bơ ca cao, rượu vang ca cao, chocolate… đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và thị trường châu Âu. Ca cao Châu Đức cũng được xếp vào nhóm 100 loại ca cao có hương vị ngon của thế giới. Nông dân, DN đã “sống khỏe” khi liên kết sản xuất loại cây này.
Kết quả này là nhờ hiệu quả từ việc liên kết sản xuất theo chuỗi, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm từ khâu trồng đến tiêu thụ. Ngoài ra, để mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển cây ca cao bền vững, trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, UBND huyện Châu Đức cũng đã hỗ trợ kinh phí 2,7 tỷ đồng cho 80 hộ nông dân với 50ha thực hiện quy trình canh tác cây ca cao theo mô hình VietGAP, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…
Hướng sản xuất theo chuỗi giá trị như ca cao Châu Đức cũng được nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Bởi, chuỗi giá trị sản phẩm chặt chẽ, minh bạch sẽ tạo niềm tin về nguồn gốc và độ an toàn của sản phẩm. Đặc biệt, nước ta đang hội nhập sâu rộng, liên kết sản xuất sạch còn là chìa khóa để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ngay cả trên “sân nhà”.
Tính đến nay Việt Nam đã có 19 hiệp định thương mại song phương và đa phương, thực thi và đang đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này cần phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính, trong đó yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Các ý kiến tham luận tại diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp , giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 28/8 khẳng định, yêu cầu sản xuất theo chuỗi liên kết để phát triển nền nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hiện nay hết sức cấp bách. Bởi trên thực tế, nông nghiệp vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao.
Đặc biệt, cùng với xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường trong và ngoài nước đã đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy nông dân, HTX, DN áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với nhu cầu thị trường, vượt qua các rào cản để rộng đường xuất khẩu.
LAM GIANG