Đưa ẩm thực Việt vươn xa
Chuyên trang ẩm thực Taste Atlas vừa công bố danh sách 57 món ngon nhất làm từ cá trên thế giới. Việt Nam có 3 món lọt top là canh chua cá, canh chua ngọt và lẩu cá linh điên điển. Ngoài ra, Việt Nam còn có 3 món ăn lọt top danh sách 100 món trộn ngon nhất thế giới năm 2024 là phở trộn, nộm và gỏi gà. Điều này cho thấy ẩm thực Việt đang ngày càng nổi tiếng với nhiều món ăn được bạn bè thế giới biết đến và đánh giá cao.
Những năm qua, ẩm thực Việt đã có bước tiến vươn tầm quốc tế với hàng loạt giải thưởng. Giải thưởng Ẩm thực Thế giới - sáng kiến toàn cầu đã tôn vinh Hà Nội là “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023”. Năm 2022, Việt Nam cũng vượt qua nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... để trở thành “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á” tại Giải thưởng Ẩm thực thế giới. Tháng 6/2023, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt Nam, trong đó có 3 nhà hàng tại Hà Nội và 1 nhà hàng tại TP.HCM.
Dù ẩm thực Việt Nam nắm nhiều lợi thế như vậy, song vị thế vẫn chưa tương xứng với thực lực. Ẩm thực Việt có nhiều món ăn đa dạng, phong phú, nhưng các món ăn chưa được nâng lên thành nghệ thuật, khâu quảng bá chưa được chú trọng, thiếu chỉ dẫn những địa chỉ uy tín cho du khách. Vì vậy, khi nói đến ẩm thực châu Á, người ta hay nói đến món Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.
Muốn khẳng định mình trên bản đồ ẩm thực thế giới, quan trọng nhất vẫn phải là khẳng định và tạo được thương hiệu cho ẩm thực Việt. Để làm được điều này không chỉ tạo ra những món ăn có hương vị tinh tế, độc đáo mà bên cạnh đó những yếu tố khác như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thái độ phục vụ... cũng cần được chú trọng.
Đặc biệt, để tạo dựng thương hiệu cho các món ăn Việt cần có sự phối hợp nhịp nhàng, xuyên suốt từ các cơ quan quản lý tới cộng đồng xã hội. Các cơ quan quản lý có các chính sách hỗ trợ quảng bá như: thu thập dữ liệu ẩm thực tiêu biểu Việt Nam để xây dựng Bản đồ trực tuyến ẩm thực và Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam; tổ chức sự kiện, đồng thời kết nối du lịch. Khuyến khích cộng đồng phát triển nâng cao tay nghề đội ngũ đầu bếp, cải thiện ngày càng tốt hơn vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc khách hàng... Ngoài ra, cần có những chính sách phù hợp để phát triển nghề bếp tương xứng với nhu cầu và yêu cầu của xã hội, trong một kỷ nguyên mới phát triển ẩm thực.
Cùng với đó, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, chuỗi cung ứng nguyên liệu, doanh nghiệp địa phương… phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa, góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực.
Đã đến lúc khẳng định vị thế cho ẩm thực Việt với hơn 3.000 món ăn, đa dạng và đặc sắc không thua kém những kinh đô ẩm thực thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... Một khi văn hóa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia, thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Đây cũng là cách để phát triển ẩm thực Việt theo hướng bền vững.
NGUYỄN THI