Cứu lấy biển khi còn chưa muộn
Thông tin và hình ảnh về hoạt động thu gom rác thải tích tụ dưới đáy biển trong rạn san hô, rừng ngập mặn tại Côn Đảo được công bố trên báo chí trong mấy ngày qua đã khiến những người yêu hòn đảo này quan ngại.
Nhiều năm nay, vấn đề xử lý rác sinh hoạt nói chung, rác thải đại dương ở Côn Đảo nói riêng luôn được người dân, các nhà hoạt động môi trường đặc biệt quan tâm, bởi đây là một hòn đảo có ý nghĩa rất quan trọng.
Côn Đảo là một huyện đảo tiền tiêu, không chỉ giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, mà còn là nơi yên nghỉ của hơn 2 vạn chiến sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống dưới chế độ lao tù khắc nghiệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, Côn Đảo được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và từng bước phát triển, trở thành điểm đến hàng đầu của loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển. Côn Đảo được ví như “thiên đường nghỉ dưỡng”, được nhiều tạp chí du lịch danh tiếng trên thế giới bình chọn trong top điểm đến hàng đầu châu Á và thế giới.
Trải qua bao biến động của thời cuộc, Côn Đảo vẫn giữ được những nét hoang sơ, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, biển xanh, cát trắng, môi trường trong lành, ít bị tác động bởi bàn tay con người. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế và du lịch, Côn Đảo chịu nhiều áp lực về môi trường, trong đó có vấn đề xử lý rác thải và ô nhiễm rác thải đại dương. Rác thải không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống của con người mà còn đe dọa hủy hoại môi trường sinh thái. Trong đó, rác thải từ hoạt động đánh bắt thủy sản qua nhiều năm tích tụ trong các rạn san hô đã và đang ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật biển, đe dọa đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Có thể nói rằng, rác thải là một trong những thách thức lớn trên con đường phát triển Côn Đảo trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng”. Các loại rác thải đại dương như lưới đánh cá, thùng xốp, củi mục và rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa vướng vào rạn san hô, dạt vào các bãi biển ở Côn Đảo với số lượng ngày càng tăng. Lực lượng chức năng địa phương và Vườn Quốc gia Côn Đảo thường xuyên tổ chức thu gom, đưa đi xử lý nhưng không xuể. Khối lượng hơn 2,1 tấn rác thải thu gom được từ đáy biển, vướng vào rạn san hô ở Côn Đảo vừa qua khiến người yêu môi trường không khỏi lo lắng khi môi trường sinh thái của Côn Đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng… rác, khi mà lượng rác dưới đáy biển thu gom được vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
Điều đáng nói, việc thu gom rác thải ở các rạn san hô, rừng ngập mặn tại Côn Đảo chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết được phần ngọn, mà lại rất tốn kém. Nếu không xử lý từ gốc là ngăn chặn nguồn phát thải thì cho dù có thu gom hết rồi biển Côn Đảo sẽ lại đầy rác sau vài năm.
Để ngăn chặn hoạt động xả rác thải ra biển, lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho ngư dân. Ngư dân cần thay đổi thói quen sinh hoạt và ý thức bảo vệ môi trường. Thay vì xả thải trực tiếp xuống biển theo thói quen cũ, họ phải thu gom rác đưa vào đất liền xử lý.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi xả rác xuống biển. Điều này có thể thực hiện được bằng việc kiểm tra tàu cá khi vào bờ sau chuyến đánh bắt. Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm, ngoài xử phạt vi phạm hành chính còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung là cấm tàu xuất bến ra khơi. Hãy chung tay cứu lấy biển khi còn chưa muộn!
NGUYỄN ĐỨC