.

Xanh, sạch, an toàn để thuận đường xuất khẩu

Cập nhật: 18:01, 07/08/2024 (GMT+7)

Xuất khẩu nông sản đang là điểm sáng kinh tế khi trong 7 tháng năm 2024 đạt giá trị xuất khẩu hơn 34 tỷ USD, tăng gần 19% so cùng kỳ. Riêng rau củ quả, đến giữa tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đã thu về gần 3,57 tỷ USD, là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản và thủy sản. Các mặt hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị cao chủ yếu vẫn là sầu riêng, thanh long, mít, chuối, xoài…

Tuy nhiên, đi kèm với niềm vui trong xuất khẩu nông sản thì vẫn còn tiềm ẩn nhiều mối lo về chất lượng khi số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Và việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Trong đó, 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới nghiêm ngặt là thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân là do DN xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Từ vùng trồng, hiện tượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đúng quy định, vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Việc kiểm soát sinh vật gây hại, các nguồn tác động còn chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức dư lượng tối đa (MRL) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước khác nhau. Chẳng hạn như hồi tháng 6/2024, đã có 77 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện có chứa cadmium (một kim loại nặng) vượt mức cho phép. Theo đó, sầu riêng nhiễm cadmium đã vi phạm quy định của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như vi phạm quy định tại Luật an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện được xác định có liên quan đến 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng.

Trong bối cảnh các nước nhập khẩu liên tục đưa ra nhiều quy định khắt khe nhằm tăng biện pháp về an toàn thực phẩm, giảm phát thải, đặc biệt là yêu cầu tuân thủ chuỗi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh thì những “vấn nạn” trên đang là rào cản sớm được tháo gỡ.  Riêng đối với thị trường EU, thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 2.300 tỷ USD thì tới đây quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ được áp dụng từ tháng 1/2025, sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Bên cạnh đó, yêu cầu đối với hàng nhập khẩu phải đáp ứng nhiều yêu cầu về nguồn gốc, môi trường và liên tục ra cảnh báo sẽ áp dụng thuế carbon đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, thải khí nhà kính...

Chính vì vậy, để nông sản thuận đường xuất khẩu, ngoài nỗ lực từ các cơ quan chức năng thì chính các DN, nông dân, HTX… phải hiểu và tuân thủ nghiêm các quy định  từ sản xuất, chế biến, đóng gói... xanh, sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nông sản Việt mới không còn bị “tuýt còi” cảnh báo, đồng thời đủ sức cạnh tranh về chất lượng với các nước trên thế giới.

LAM GIANG

 

 

.
.
.