Tín dụng dần sáng hơn
Đó là tin vui được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đơn vị này và một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, diễn ra ngày 5/8.
Dẫn chứng cụ thể về sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi và tăng dần, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, hết quý II/2024 đạt 6%. Tính đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ và tăng 5,66% so với cuối năm 2023.
Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 182.700 tỷ đồng, tăng 10,14%.
Để đạt được những con số tích cực trên, trong 7 tháng qua, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận tín dụng. Các ngân hàng thương mại tích cực tung ra nhiều gói vay ưu đãi để thúc đẩy tín dụng, ưu tiên rót vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn. Đó là do áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm…
Giám đốc một DN xây dựng trên địa bàn tỉnh chia sẻ, thời gian qua, dù lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng các DN nhỏ, siêu nhỏ chịu chi phí, các khoản phí quy định ngân hàng trên các món vay còn cao, dẫn đến chi phí giá thành bị đội lên. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục chưa được xem xét nhanh làm DN lỡ kế hoạch, mất cơ hội đơn hàng sản xuất. Do đó, bên cạnh việc giảm lãi suất, các DN mong muốn NHNN tích cực rà soát, xem xét cắt giảm các loại phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.
Đối với vấn đề tài sản bảo đảm, cần có chính sách linh hoạt. Chẳng hạn, nâng cao tỷ lệ cho vay trên tài sản đối với những tài sản có tính thanh khoản cao như: sổ tiết kiệm, bất động sản có giấy tờ đầy đủ pháp lý theo quy định. Ngoài ra, các ngân hàng nên tập trung nguồn vốn vay ưu đãi đối với lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất dựa vào thế mạnh từng địa phương, từng địa bàn.
Thống kê từ NHNN cho biết, hiện nay, số tiền người dân gửi ngân hàng hơn 15 triệu tỷ đồng. Số tiền này đã được hệ thống ngân hàng đưa vào nền kinh tế thông qua cấp tín dụng. Do đó, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiếp tục sử dụng nguồn lực này ngày càng hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng; trong đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần tiên phong thực hiện.
HÀ AN