Nỗi sợ mang tên truyền nhiễm

Thứ Ba, 09/07/2024, 16:48 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh bạch hầu đang có những diễn biến vô cùng phức tạp. Tại Nghệ An, một nữ sinh vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tử vong sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu. 119 người tại tỉnh này được xác định có tiếp xúc với ca bệnh và đang được cách ly theo dõi và áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Một trong số những người tiếp xúc với nữ sinh xấu số, đến từ Bắc Giang, đã được xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu, kéo theo 15 người tiếp xúc khác ở Bắc Giang cũng được cách ly, theo dõi.

Cơ quan y tế 2 địa phương trên đang tích cực triển khai các biện pháp phòng vệ, ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Hình ảnh những chiếc áo blue trắng, chùm kín khẩu trang đến các địa điểm có nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân đã tái hiện thời khắc ám ảnh 3 năm trước đây khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Những thuật ngữ như: khoanh vùng, truy vết, vaccine, cách ly… lại một lần nữa được nhắc đến, nhắc nhở người dân thận trọng hơn trước diễn biến phức tạp của bệnh truyền nhiễm.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lập tức chỉ đạo Nghệ An và Bắc Giang triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định. Đồng thời, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp với nguy cơ tử vong cao. Việc cách ly tạm thời người tiếp xúc với bệnh nhân là cần thiết, là giải pháp đầu tiên để phòng tránh lây làn trên diện rộng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân, các cơ quan chức năng có liên quan đều phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Người dân nên chủ động các biện pháp phòng tránh cho bản thân: đeo khẩu trang, thường xuyên theo dõi sức khỏe để có phản ứng kịp thời. Những người đi về từ các địa phương có ca bệnh phải thường xuyên cập nhật thông tin, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống lây lan bệnh bạch hầu.

Nước ta là một trong số nhiều quốc gia tiến hành tiêm phòng vaccine bạch hầu. Hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng đã kéo giảm số ca bệnh liên quan đến bạch hầu giảm mạnh trong các thập kỷ vừa qua.

Cụ thể, những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983, xuống còn khoảng 10-50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm giai đoạn từ 2004 - 2019).

Tuy niên, trong 3 năm trở lại đây, số người mắc bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Số ca mắc bạch hầu chủ yếu xảy ra ở những địa bàn tỷ lệ tiêm phòng vaccine thấp. Do đó, chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ, đặc biệt cho trẻ em là giải pháp căn cơ nhất hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, xua đi nỗi sợ mang tên bệnh truyền nhiễm.

HÀ AN

 

;
.