Không còn là hô hào khẩu hiệu, từ ngày 1/7/2024, Côn Đảo đã chính thức triển khai việc “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã” với những hành động mang ý nghĩa thiết thực.
Đặc biệt, chương trình "Ngày thứ Bảy Giỏ lễ xanh" tại Côn Đảo kéo dài từ 6/7 đến hết tháng 9/2024, hướng tới giảm thiểu rác thải, trong đó các sản phẩm dùng một lần được người dân, du khách hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện. Từ tháng 10 đến tháng 12/2024, huyện sẽ triển khai chương trình “Tuần lễ Giỏ lễ xanh” vào mỗi tuần đầu tiên của tháng. Chương trình này sẽ áp dụng vào tất cả các ngày trong năm từ 1/1/2025.
"Giỏ lễ xanh" là giỏ cúng lễ chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng hàng mã, sản phẩm nhựa dùng một lần như mút, xốp, túi ni-lông, chai nhựa. Đây là một trong hành động nhằm cụ thể hóa chủ trương của UBND huyện Côn Đảo với mục tiêu giảm thải lượng rác thải, nhất là đồ dùng một lần, các sản phẩm khó phân hủy.
Hoạt động này cũng góp phần thực hiện đề án "Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Cùng với đó, nhiều việc làm theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo đang từng bước để huyện đảo phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững.
Đó là cuộc thi Thử thách dấu tay xanh nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường Côn Đảo. Đó là giải chạy vì môi trường Côn Đảo Run Challenge 2024, vẽ tranh tường về du lịch giảm nhựa, làm postcard, huy hiệu Côn Đảo… Côn Đảo cũng đã lắp đặt thiết bị theo dõi chất lượng không khí và liên tục truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, các khu du lịch, di tích, bến tàu… để định hướng về du lịch giảm nhựa. Từ tháng 9 đến tháng 11, huyện sẽ tổ chức tuần lễ ngưng nhựa/thu gom rác tái chế tại các điểm tham quan, điểm di tích lịch sử... Huyện cũng đang xây dựng và ban hành các chính sách nghiêm ngặt về môi trường không rác thải nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo, kêu gọi nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm tái chế thay thế các sản phẩm nhựa.
Côn Đảo là một địa điểm văn hóa du lịch có nhiều ý nghĩa lịch sử của cả nước, có vai trò, vị trí trọng yếu chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương có thế mạnh du lịch khác, Côn Đảo đang đứng trước những thách thức, khó khăn về thiếu nước sinh hoạt, vấn đề xử lý rác thải, thiếu hụt năng lượng. Lượng khách du lịch đến với đảo tăng nhanh hơn dự kiến, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, kinh tế tuần hoàn được chọn là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, đặt trọng tâm vào mối quan hệ hài hòa giữa môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế. Trong đó, làm sao để khi du khách tăng, du lịch dịch vụ tăng trưởng nhưng không để lại gánh nặng cho Côn Đảo.
Như vậy, với mô hình và bước đi phù hợp, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tại Côn Đảo, đồng thời duy trì bền vững những giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử tiêu biểu, bảo đảm khai thác và sử dụng môi trường thiên nhiên có hiệu quả, kết hợp với bảo vệ môi trường. Kỳ vọng, Côn Đảo sẽ trở thành điểm đến không rác thải nhựa đầu tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2030 như mục tiêu đã cam kết.
LAM GIANG