Vị khách đặc biệt ở Điện Biên Phủ
Trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, có một khách mời đặc biệt đã đặt chân đến di tích Chiến trường Điện Biên Phủ sớm một ngày trước khi ông dự Lễ kỷ niệm. Ông đi thăm hầu hết các điểm nổi tiếng của di tích, đến đồi A1, hầm De Castries.
Ông gặp gỡ những cựu chiến binh của quân đội Liên hiệp Pháp từng tham chiến ở Điện Biên Phủ. Dưới tán cây phượng rực đỏ ở đồi A1, ông nghe bài diễn văn của Chủ tịch cựu chiến binh Pháp William Schilardi về dấu ấn 1954.
Ông cùng các quan chức cấp cao khác, lắng lại trong ca khúc Bonjour Vietnam bằng tiếng Pháp, do một học sinh lớp 7 ở Điện Biên trình bày: “Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh/ Một cuốn phim của Coppola và những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ.../ Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy, để chào hỏi hồn người/ Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam!”.
Trong bộ vest lịch lãm, gương mặt có lúc toát lên sự đăm chiêu khó tả - vị khách đặc biệt - Bộ trưởng Quân đội Pháp Sesbastien Lecornu - bước vào hầm De Castries ở Trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi tướng De Castries đã trú ẩn và cố thủ cho đến khi bị quân đội Việt Minh bắt sống.
Vị Bộ trưởng dừng thật lâu, lặng người và chăm chú trước tấm bảng thống kê tổn thất của quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm xưa… Cảm xúc của ông, có lẽ giống với bao người Việt Nam khác, đều xúc động về những hy sinh, tổn thất mà chiến tranh đã để lại. Dù đó chỉ là những con số, những cái tên được khắc trên những bia đá.
Với riêng người Việt Nam, không chỉ có một trận chiến, trên một chiến trường, một cứ điểm như Điện Biên Phủ, dấu vết của chiến tranh và những mất mát đã in hằn ở nhiều miền quê khác, với những địa danh đã trở thành huyền thoại. Ở đó, giờ đây không chỉ có tượng đài, xác máy bay, ụ pháo, hố bom và những vết tích khác của chiến tranh, mà còn có cả cuộc sống tươi mới đang nở hoa.
Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quân đội Pháp đến thăm và tham dự lễ Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sự có mặt của ông đã nói lên tất cả. “Đây là dịp đặc biệt để nhìn lại lịch sử của hai nước. Chúng ta đều biết rằng lịch sử hai nước đã trải qua những bước thăng trầm. Lịch sử đó chúng ta không thể thay đổi và không được phép lãng quên. Lịch sử giữa hai nước giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế”, vị Bộ trưởng chia sẻ trước chuyến đi.
70 năm là một dấu ấn. 70 năm là một hành trình với vô vàn biến cố của lịch sử của người Việt, người Pháp và của cả nhân loại. Trên thế giới, tiếng súng chiến tranh có thể chưa im bặt. Nhưng suy đến cùng, chiến tranh không mang lại điều gì tốt đẹp hơn cho hành tinh chúng ta.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để khẳng định truyền thống yêu nước, chủ nghĩa Anh hùng cách mạng sáng ngời của dân tộc. Nhưng đồng thời, gửi đi thông điệp về một Việt Nam là luôn trân trọng những giá trị của lịch sử, sẵn sàng gác lại quá khứ để cùng các quốc gia, dân tộc hướng đến một tương lai tốt đẹp, một thế giới bình đẳng vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
HOÀNG NAM