Để chợ truyền thống có một đời sống khác
Trong câu chuyện bên ly cà phê sáng Chủ nhật tuần rồi, nhóm chị em nội trợ chúng tôi bất chợt hỏi nhau đã bao lâu rồi không đi chợ Vũng Tàu? Chủ đề liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày nên bàn luận khá sôi nổi. Và điều không mấy ngạc nhiên là hầu như ai cũng rất lâu, người 2-3 năm, có người đến tận 5 năm chưa ghé lại một lần.
Thường những phụ nữ vừa làm công chức vừa quán xuyến công việc nội trợ gia đình như chúng tôi, nếu như 5-10 năm về trước rất hiếm khi thảnh thơi bên ly cà phê cuối tuần đến tận trưa như thế này. Bởi vì sẽ phải dành ngày Chủ nhật để đi chợ, sắm đủ thức ăn trong một tuần. Nhưng nay lại khác, chỉ cần nhắn tin, những mớ rau, con cá, miếng thịt được làm sạch sẽ, cho vào những túi nhỏ, hút chân không và đưa đến tận cổng nhà. Nếu nhận hàng, thấy rau chưa được tươi, cá thịt còn ươn sẽ phản hồi với người bán, ngay lập tức ngoài lời xin lỗi, món hàng cũng được nhận lại, bồi hoàn tiền.
Chỉ một ví dụ nhỏ như trên cũng không khó để hiểu vì sao mà chợ truyền thống bị “thất thế” trước sự bùng nổ của các kênh mua sắm hiện đại hay thương mại điện tử. Người tiêu dùng không còn, hoặc hiếm khi đến chợ. Điều này cũng được minh chứng tại hội nghị đối thoại giữa cơ quan chức năng với bà con tiểu thương, do Sở Công thương tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, thông tin cho biết dù số lượng quầy sạp vẫn không đổi nhưng đã có đến 30-50% tiểu thương bỏ chợ, đóng sạp ngừng kinh doanh.
Thời gian qua, tỉnh cũng đã nỗ lực số hóa chợ truyền thống bằng việc thí điểm mô hình kinh doanh chợ 4.0 nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Vậy nguyên nhân chợ truyền thống ế ẩm, vắng khách, kinh doanh không còn hiệu quả là do đâu?
Chị bạn cùng uống cà phê cho rằng, chị thích mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi hơn vì giá cả niêm yết rõ ràng, không nói thách, không trả giá lại còn được tích điểm, khuyến mãi. Còn trên các kênh thương mại điện tử thì săn voucher giảm giá, điểm thưởng, từ cái kim sợi chỉ, lọ tăm đến hàng gia dụng đắt tiền đều được chăm sóc kỹ càng. Điều này chắc chắn ở chợ truyền thống không làm được.
Một chị khác lại cho rằng, nhiều chợ giờ xuống cấp, lối đi chật chội, nóng bức, nhiều khu vực khá bẩn. Đó là chưa kể, hàng hóa thời trang thì gần như lỗi thời, nhiều tiểu thương vẫn giữ thói quen nói thách. Có những mẫu giày dép, quần áo ra đời hơn chục năm về trước vẫn bày bán tại chợ do một phần không bán được, tiểu thương không dám nhập hàng mới.
Hàng trăm lý do chủ quan từ phía chị em nội trợ đưa ra, chung quy lại cho thấy chủ yếu là bởi sự tiện lợi từ thương mại điện tử, cũng như các kênh mua sắm hiện đại như cửa hàng tạp hóa, siêu thị mọc lên “như nấm”, len hỏi từng ngõ ngách khu dân cư. Hàng hóa luôn tươi mới, cập nhật theo xu hướng.
Thế nhưng trong vô số ý kiến mà chị em đưa ra, vẫn có một người rất thích đi chợ. Chị cho rằng, đi chợ có cái hay của nó, đó là tận tay lựa chọn món hàng mình ưng ý, trò chuyện với tiểu thương. Ngoài ra, đi chợ không hẳn mua sắm mà còn được thỏa thích ngắm nhìn sự đa dạng của hàng hóa mà theo chị, đó là nét văn hóa riêng có của chợ truyền thống.
Chúng tôi không phủ nhận ý kiến của chị. Nhưng rõ ràng có một thực tế rằng, nếu chợ truyền thống không được đầu tư xây dựng hiện đại, bà con tiểu thương không thay đổi phương thức kinh doanh, thì không chỉ 30-50% sạp hàng đóng cửa mà con số này còn có thể cao hơn trong thời gian tới. Ra chợ, vẫn là hình ảnh tiểu thương ngồi lướt điện thoại, ngáp ngủ…
Nếu đổi mới, chợ truyền thống có thể sẽ có một “đời sống khác”. Chúng tôi luôn mong như vậy bởi chợ truyền thống vẫn là nét văn hóa riêng có, đặc biệt trong đời sống xưa nay.
NGÔ GIA