.

Nghịch lý giá vé máy bay

Cập nhật: 19:00, 25/04/2024 (GMT+7)

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, nhiều người đã phải hoãn kế hoạch du lịch vì giá vé máy bay nội địa neo cao ngất ngưởng, gấp 2-3 lần ngày thường. Thậm chí, vé khứ hồi đến các địa điểm du lịch trọng điểm trong nước dịp này còn cao hơn cả tour du lịch đến Thái Lan.

Các hãng hàng không đưa nhiều lí do để tăng giá vé máy bay, từ thuế, phí, tỷ giá, nhiên liệu, đến chi phí thuê máy bay, phi công… đều tăng.

Những lý do nêu trên là chưa thuyết phục bởi giá vé máy bay các chặng quốc tế đến các nước trong khu vực với khoảng cách tương tự cũng không cao như vậy.

Nếu như dịp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, theo hướng 1 chiều (từ miền Nam ra các tỉnh miền Bắc, miền Trung trước Tết và theo chiều ngược lại sau Tết) nên giá vé máy bay tăng để bù đắp cho chiều còn lại thì có thể hiểu.

Thế nhưng, dịp lễ 30/4 và các dịp lễ khác trong năm, nhu cầu đi lại về thăm quê, đi du lịch của người dân tăng cao, máy bay luôn đầy khách cả hai chiều thì việc tăng giá vé như vậy là chưa hoàn toàn hợp lý.

Đành rằng, việc cung cầu vé máy bay theo quy luật thị trường nhưng các hãng hàng không không thể lợi dụng nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào những dịp này để tăng giá vé, nhất là khi giá vé máy bay nội địa còn cao hơn cả tour đi nước ngoài.

Giá vé máy bay cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch. Cụ thể, thay vì đi các điểm du lịch trong nước, du khách đổi hướng, chọn tour đến các quốc gia lân cận vì chi phí thấp hơn. Điều này khiến ngành du lịch nội địa thất thu, thua ngay trên “sân nhà”, khi ngành du lịch của các quốc gia trong khu vực, điển hình như Thái Lan ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó có phần không nhỏ từ khách du lịch người Việt.

Các chuyên gia cho rằng, giá vé máy bay nội địa cao là do thiếu sự liên kết giữa ngành hàng không và du lịch, chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính sách thuế, phí.

Thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm qua. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi có sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều ngành nghề để cùng phát triển. Tuy nhiên, lâu nay ngành du lịch Việt Nam chưa được liên kết chặt chẽ với các ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam vẫn mang tính thời vụ, chỉ đông khách vào cuối tuần, dịp lễ, Tết và mùa hè; mạnh ai nấy làm,... Do đó, giá dịch vụ du lịch, bao gồm cả dịch vụ khách sạn, ăn uống và vận chuyển luôn tăng cao vào thời gian cao điểm.

Vì sao ngành du lịch Thái Lan có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19 và vì sao giá tour của họ lại rẻ như vậy? Đó chính là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa ngành du lịch với các ngành khác tại quốc gia này. Nên biết rằng, khi đi du lịch, du khách có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn. Giá vé máy bay, giá phòng, giá bán hàng lưu niệm và các dịch vụ khác có thể rẻ nhưng bù lại họ bán được nhiều. Đồng thời, giá rẻ sẽ kích thích du khách đến nhiều hơn.

Để liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác thực sự chặt chẽ, hiệu quả, rất cần một “nhạc trưởng”. Vai trò này phải là các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Cục Hàng không, Cục Xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ du lịch, hàng không.

Các cơ quan, tổ chức này cần phối hợp xây dựng chiến lược dài hơi trong liên kết phát triển du lịch để xây dựng được các tour, tuyến với dịch vụ liên hoàn, giá thành phù hợp, để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.