.

Minh bạch, có trách nhiệm để phát triển bền vững nghề cá

Cập nhật: 18:28, 24/04/2024 (GMT+7)

Chưa bao giờ, những yêu cầu trên lại đòi hỏi ngư dân phải tuân thủ nghiêm ngặt như hiện nay.

Kể từ năm 2017, khi nhận cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), ảnh hưởng tiêu cực đối với nghề cá đã rất nặng nề. Hàng hóa, thủy sản xuất khẩu đến châu Âu phải kiểm soát 100% (thay vì kiểm tra theo xác suất). Chi phí DN chế biến xuất khẩu thủy sản cũng tăng lên. Về lâu dài, nếu Việt Nam không gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, phát triển đất nước, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân, người lao động có liên quan.

Do đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ giúp ngư dân thay đổi nhận thức. Mục tiêu cao nhất là gỡ bỏ “thẻ vàng”, đồng thời nhằm hướng tới phát triển nghề cá bền vững, minh bạch, có trách nhiệm.

Đến nay, hầu hết ngư dân đã hiểu rằng, chỉ khi gỡ bỏ được “thẻ vàng” của EC thì giá thủy sản khai thác mới được nâng lên. Và để gỡ “thẻ vàng” thì phải bắt đầu từ chính họ. Chính vì vậy, đối với mỗi ngư dân, việc “đi báo, về trình” đã trở thành thói quen. Tàu xuất bến vươn khơi không chỉ bảo đảm về trang thiết bị, mà còn phải báo cáo, có đầy đủ thủ tục giấy tờ. Mỗi khi tàu cập bến là phải trình nhật ký khai thác. Đó là khai thác vùng biển nào, ngày nào, sản lượng bao nhiêu, với những loại cá gì đều được ghi chép tỉ mỉ vào nhật ký.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của EC, vẫn còn 3 điểm lớn đang là “rào cản” khiến cho việc khắc phục “thẻ vàng” chưa triệt để. Đó là tình trạng tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Một số tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba là vẫn còn tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép khai thác (tàu cá “3 không”).

Đây cũng là những vấn đề mà Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung khắc phục, quyết liệt trong cao điểm từ nay đến cuối tháng 5/2024. Cụ thể, ngày 19/4 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch để cụ thể hóa Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng với mục tiêu 100% số tàu cá của tỉnh phải hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm và đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS).

Tỉnh cũng có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát 100% với các tàu cá xuất, nhập tại các đồn, trạm biên phòng tuyến biển. Đảm bảo 100% các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải nhập cảng chỉ định. Đồng thời, theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, để kịp thời xử lý tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát toàn bộ số tàu cá đăng ký và cập nhật 100% thông tin vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 4.479 tàu, trong đó có 2.730 tàu, chiếm 60,95% hoạt động ở vùng khơi. Đây là đội tàu đánh bắt hải sản để sản xuất xuất khẩu sang châu Âu đang được tỉnh quản lý chặt chẽ. Các tàu phải tuân thủ quy định về đăng ký, đăng kiểm, có giấy phép khai thác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và gắn máy giám sát hành trình đầy đủ mới được phép xuất bến.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng quyết tâm không có tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, không sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản. Đặc biệt, không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những công việc thuộc cơ quan chức năng, rất cần sự chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định của ngư dân. Điều này không chỉ phát triển bền vững ngành thủy sản, mà trước hết là vì sinh kế bền vững của chính ngư dân.

NGÔ GIA

 
.
.
.