.

Trách nhiệm trên mạng xã hội

Cập nhật: 18:08, 23/04/2024 (GMT+7)

Vừa qua, mẹ của một nữ sinh lớp 11 tại trường THPT L.Q.Đ đã gửi đơn “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng phản ánh việc con gái bị thầy giáo cùng trường quấy rối tình dục. Trong khi sự việc đang trong quá trình được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ thì những hình ảnh “lá đơn” và ảnh chụp gia đình của thầy giáo đã được lan truyền trên mạng xã hội (MXH). Trong đó có cả thông tin cá nhân của họ. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cá nhân của những trong cuộc. Mặc dù đã có những quy định chế tài cụ thể cho các hành vi này, song trên thực tế, những vụ việc được đưa ra xử lý vẫn chưa “thấm” vào đâu so diễn tiến của thực trạng này.

Nhiều người tham gia MXH cho rằng, khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng MXH của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, không sợ bị xử lý nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả. Ngay cả khi xảy ra hậu quả đau lòng với người khác, họ cũng tự cho mình “vô danh nên vô trách nhiệm".

Ở một khía cạnh khác, không chỉ có người lớn mà ngày càng nhiều trẻ em tham gia vào các trang MXH. Nhiều bạn nhỏ chưa có hiểu biết đầy đủ về pháp luật và cũng chưa có đủ nhận thức về mặt xã hội, chính trị, nhưng lại quá dễ dàng để có thể tham gia vào MXH. Chính vì vậy, họ không lường trước được hết những hậu quả do bản thân mình gây ra khi tham gia thích, bình luận, chia sẻ… trên các trang MXH các tin đồn thất thiệt, tin xấu, độc.

Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng MXH nhiều nhất. Nếu các thông tin xấu, độc cứ bị lan truyền mỗi ngày sẽ tác động rất lớn đến nhận thức của người sử dụng MXH, nhất là những người tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Họ thường bị lôi kéo theo đám đông mà không nhận định được đâu là đúng, đâu là sai, nhìn nhận sự việc một cách phiến diện, tiêu cực, thiếu sự tin tưởng vào cuộc sống, gia đình và xã hội.

Như đã đề cập ở trên, hiện nay chúng ta đã có rất nhiều những quy định, chế tài cho các hành vi vi phạm về việc sử dụng MXH. Song, những điều đó vẫn chưa đủ để thay đổi nhận thức của nhiều người khi sử dụng MXH. Có lẽ, chúng ta cần một chế tài mạnh mẽ hơn để xây dựng môi trường văn minh trên môi trường số nói chung và MXH nói riêng. Trẻ em cần được kiểm soát việc sử dụng MXH bởi nhà trường và gia đình. Cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm, thậm chí bị xử phạt nếu để con cái mình tùy ý sử dụng MXH gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm quy định nhà nước về việc sử dụng MXH.

Điều quan trọng, mỗi người hãy tham gia MXH một cách có trách nhiệm, đừng chỉ vì “câu view, câu like” mà đăng tải những nội dung không lành mạnh, thiếu tích cực, xâm phạm trái pháp luật đến quyền riêng tư của cá nhân, lợi ích của đơn vị, tổ chức… Chúng ta hãy thật cẩn trọng khi tham gia bình luận, thích, chia sẻ một website, hay một thông tin nào đó, bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, chúng ta rất có thể vô tình góp phần gây ra hậu quả nghiêm trọng.

NGUYỄN THI

 

.
.
.