Mỗi năm, ngành GD-ĐT thường có vài cuộc thi giáo viên dạy giỏi từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Và mỗi khi đến hội thi, giáo viên, học sinh lại cùng nhau “diễn tập” để có tiết dạy hoàn hảo, công phu nhất dự thi.
Để chuẩn bị một tiết học dự thi được suôn sẻ và không bị lố thời gian, giáo viên thường phải đưa trước câu hỏi, thậm chí là cả đáp án cho học sinh và mất rất nhiều ngày để luyện tập cho các em trả lời nhuần nhuyễn. Thậm chí “gà” sẵn một số tình huống bất ngờ để giáo viên có cơ hội xử lý trong tiết dạy thi giáo viên giỏi.
Những tiết dạy hội thi giáo viên giỏi được giải thường là những tiết được đầu tư rất công phu về công sức, thời gian và tiền bạc của không chỉ riêng giáo viên đi thi mà còn của cả tập thể đồng nghiệp cùng trường. Người thì hỗ trợ lời giảng, soạn câu hỏi, người thì giúp vẽ sơ đồ, tranh ảnh… Do vậy, những tiết dạy đi thi thố không còn mang tính cá nhân của riêng giáo viên, mà trở thành công sức chuẩn bị, đầu tư của tập thể.
Thế nhưng, những tiết dạy công phu như vậy thường rất khó để ứng dụng vào thực tế giảng dạy, mà chỉ để đi thi, lấy thành tích. Điều này cần được thay đổi để phù hợp với xu hướng giáo dục mới. Một tiết dạy được giải cao tại hội thi không phải là tiết dạy mẫu được đầu tư công phu mà phải là tiết dạy sáng tạo của riêng cá nhân nhưng có sức hút lớn và tính ứng dụng rộng rãi.
Mới đây, ngành GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội thi “Xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục MN” năm học 2023-2024. Đây là sự đổi mới về cách thức, nội dung tổ chức hội thi dạy giỏi, không bó hẹp trong việc tổ chức tiết dạy, hội thi là sự mở rộng, kết hợp nhiều phương pháp nhằm đem lại môi trường giáo dục tốt cho trẻ. Ở đó, trẻ có cơ hội được khám phá, trải nghiệm phù hợp với tình hình thực tế. Hơn nữa, đó là cách thức khai thác, sử dụng hiệu quả môi trường giáo dục hiện có và tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ một cách khoa học của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường.
Cùng với đó, một số trường học cũng đã đổi mới, ứng dụng một số phương pháp giảng dạy tiên tiến, rèn luyện kỹ năng và tăng tính thực tiễn trong bài học cho trẻ. Trong đó nổi bật là các hoạt động trải nghiệm. Nếu như trước đây, các hoạt động này thường chỉ được tổ chức vài lần trong năm thì hiện nay, đó là một phần của hoạt động giáo dục được tổ chức hằng tuần, hằng tháng theo chủ điểm và thường kéo dài 2-3 buổi học. Thời gian vừa đủ để học sinh cảm thấy thoải mái và được trải nghiệm tốt nhất.
Quan trọng hơn, việc đổi mới các hội thi dạy giỏi trong ngành giáo dục là cơ sở để các phong trào dạy và học trong nhà trường được đổi mới theo hướng coi trọng năng lực cá nhân, để giáo viên ngày càng sáng tạo, tìm tòi những phương pháp dạy học được cá nhân hóa, phù hợp nhất với học sinh của mình.
ANH ĐÀO