Kinh tế biển xanh, nền tảng để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 05/04/2024, 17:05 [GMT+7]
In bài này
.

Từ nhiều năm nay, kinh tế biển luôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của nước ta. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và việc mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc khai thác hiệu quả lợi thế của các ngành kinh tế biển, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của cả nước và của 28 địa phương ven biển.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số vùng ven biển nước ta còn diễn ra nghiêm trọng; ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn nạn cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; thậm chí, một số tài nguyên biển bị khai thác một cách ồ ạt, hủy hoại và làm cạn kiệt hệ sinh thái ven bờ…

Chiến lược tăng cường phát triển kinh tế biển, phát huy thế mạnh của các ngành kinh tế biển luôn là vấn đề được Đảng, Chính phủ và các địa phương ven biển đặc biệt quan tâm. Hơn 10 năm qua, Đảng ta đã có 2 nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là, Nghị quyết số 09-NQ/TW (khóa X) “Về chiến lược biển đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW (khóa XII) “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên biển.

Kinh tế biển được 28 tỉnh, thành phố ven biển xác định có vai trò then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Cơ cấu kinh tế nhiều tỉnh, thành ven biển đã dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ (trọng tâm là dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng) và hình thành các khu kinh tế ven biển, các khu công nghiệp, cảng biển quan trọng của cả nước.

Với 3/4 mục tiêu trọng điểm, kinh tế biển đóng vai trò to lớn trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bốn mục tiêu cụ thể gồm: Phát triển Bà Rịa -Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á; Trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; và một trong những Trung tâm công nghiệp lớn của vùng.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển với tầm nhìn dài hạn, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tổ chức không gian phát triển theo 4 vùng chức năng, tập trung vào 3 trục kinh tế động lực, cùng với định hướng phát triển theo Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong danh mục 92 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư được tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu công bố mới đây, có nhiều dự án liên quan đến kinh tế biển, như: 6 dự án cảng biển - logistics, 23 dự án du lịch... Đồng thời, sẽ đột phá đầu tư hiện đại hóa cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.

Khẳng định Bà Rịa - Vũng Tàu dồi dào tiềm năng, lợi thế về biển, nhiều chuyên gia góp ý thêm, trong các giai đoạn triển khai thực hiện Quy hoạch của Chính phủ, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện những giải pháp trọng tâm, trọng điểm, vừa đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, vừa chú trọng đến các vấn đề phát triển kinh tế biển bền vững; đồng thời tiếp tục gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế biển với với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong xu thế mới, phát triển kinh tế biển xanh được coi là nền tảng để phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ đang đặt ra trước mắt, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội rõ ràng cho phát triển kinh tế biển xanh tại 28 tỉnh, thành ven biển, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu.

HOÀNG LÊ

 

 

;
.