Không có quà miễn phí

Thứ Năm, 04/04/2024, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

1. Những ngày qua, nhiều người dân ở các tỉnh, thành phố ven biển liên tiếp phát hiện các bao tải từ biển trôi dạt vào bờ, bên trong có nhiều gói hình chữ nhật, sau đó được lực lượng chức năng xác định là ma túy.

Tại TP.Vũng Tàu, trong 5 ngày cuối tháng 3/2024, người dân đã hai lần phát hiện các bao tải chứa ma túy trôi dạt vào bờ, với tổng trọng lượng 43kg. Trong đó, một trường hợp mang về nhà cất giấu nhằm mục đích bán cho người có nhu cầu để thu lợi bất chính.

Lực lượng chức năng đã chỉ ra rằng, đây là thủ đoạn mới, tinh vi của bọn tội phạm ma túy. Chúng gắn định vị rồi thả những gói hàng này trên biển để đối tượng khác đến nhận, mang đi tiêu thụ, nhằm tránh sự phát hiện, theo dõi của cơ quan chức năng.

Đáng lẽ, khi phát hiện các gói hàng nghi là ma túy trôi dạt, người dân phải trình báo ngay cho các cơ quan chức năng (công an, cảnh sát biển, biên phòng, hải quan), chính quyền địa phương nơi gần nhất và chủ động giao nộp, thì có người lại mang về cất giấu nhằm mục đích bán cho người khác để thu lợi bất chính. Hậu quả là lợi đâu chưa thấy, nhưng đã vướng vòng lao lý và chắc chắn những người có lòng tham như vậy sẽ phải nhận mức án thích đáng.

Không có món quà miễn phí nào từ trên trời rơi xuống cả!

2. Vài năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của mạng xã hội, tội phạm lừa đảo công nghệ cao có cơ hội phát triển. Nhiều người đã dính bẫy khi chúng nhắn tin, gọi điện giả làm nhân viên các nhãn hàng; giả kết bạn làm quen, làm người yêu rồi dụ dỗ họ bằng cách giới thiệu chương trình tri ân, trúng thường, hứa hẹn tặng quà, tiền với giá trị lớn. Để được nhận quà, tiền, người nhận cần phải trả một khoản phí nhất định như phí vận chuyển, phí hải quan...

Khi con mồi đã dính bẫy, chúng lại viện đủ lý do để họ gửi thêm tiền. Vì ham lợi ích lớn, vì tiếc số tiền đã bỏ ra nên nhiều nạn nhân không đủ tỉnh táo, tiếp tục bị dẫn dụ vào sâu mê cung mà bọn lừa đảo đã tạo sẵn. Đến khi nhận ra thì đã quá muộn!

Làm gì có món quà nào miễn phí từ người xa lạ. Cái giá phải trả cho những món quà này là quá đắt, có khi lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng!

3. Khi các giao dịch chuyển khoản qua smart banking ngày càng trở nên phổ biến, tình trạng chuyển nhầm tiền cho người khác cũng nhiều hơn. Trong đó, có trường hợp chuyển nhầm số tiền lớn, khổ chủ đã tìm mọi cách xin chuyển lại nhưng bên nhận không trả mà rút tiền chi tiêu vào việc cá nhân. Hậu quả là vừa phải khắc phục hậu quả, vừa vướng vòng lao lý.

Những dẫn chứng nêu trên là một trong số hàng ngàn “món quà miễn phí”, “quà từ trên trời rơi xuống” diễn ra hàng ngày trong đời sống. Cách ứng xử với những “món quà” này của mỗi người sẽ khác nhau và cho ra kết quả khác nhau.

Chúng ta cần nhớ rằng, quyền lợi luôn đi kèm với nghĩa vụ, không ai tự nhiên được quà mà không tốn công sức nào cả. Một ngày đẹp trời, bỗng dưng một người xa lạ nhắn tin, gọi điện thông báo bạn trúng thưởng, được ai đó muốn tặng quà cho bạn, hãy nghĩ xem mình đã làm gì để được nhận món quà đó. Nếu không, hãy nghĩ đến việc bạn đang bị lừa đảo. Tương tự, khi đang đi dạo biển mà nhặt được gói hàng khả nghi, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng, bởi nếu mang về cất giấu, có thể bạn sẽ gặp rắc rối với pháp luật. Còn khi nhận được tiền từ tài khoản người lạ, hãy nghĩ đến việc ai đó chuyển nhầm và họ đang rất lo lắng. Người đa nghi hơn thì hãy nghĩ đến khả năng người gửi tiền đang tìm cách lừa đảo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bạn, lừa cho vay để thu lãi nặng… Tất cả những trường hợp này đều đã từng xảy ra trong thực tế, dù đã được cảnh báo nhiều lần.

Tham thì thâm! Những người nổi lòng tham trước những món quà bất ngờ, từ trên trời rơi xuống thường phải chịu hậu quả khó lường. Nhẹ thì mất tiền, nặng hơn thì vướng vòng lao lý, phải chịu án phạt thích đáng của pháp luật.

NGUYỄN ĐỨC

 

 

 
;
.